Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: khung pháp lý đóng vai trò then chốt

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bên cạnh hạ tầng phần cứng, việc xây dựng khung pháp lý, cơ chế hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế được nhiều lãnh đạo Bộ ngành, cũng như các chuyên gia tư vấn đánh giá còn rất nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, giữ chức Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế, điều phối hội nghị diễn ra sáng ngày 4-1-2025. Ảnh: V.D.

Vẫn thiếu nhiều "hạ tầng mềm"

Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đang có bước tiến mới tích cực, theo đánh giá chung của các thành viên Chính phủ và hai địa phương là TPHCM và Đà Nẵng, chia sẻ tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam vào sáng ngày 4-1.

Dù bước khởi động đang có nhiều tín hiệu tích cực nhưng nhiều lãnh đạo Bộ ngành chia sẻ sự khó khăn và thách thức khi xây dựng đề án thành lập trung tâm tài chính quốc tế, chủ yếu là khung pháp lý mới cho nhiều hoạt động chưa từng có ở Việt Nam.

Với vai trò là đơn vị quản lý các tổ chức tín dụng và là thành viên của Ban chỉ đạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bình luận, việc xây dựng thị trường vốn và tiền tệ tại các trung tâm tài chính quốc tế mới nổi sẽ khó và phức tạp hơn do sự cạnh tranh cao từ các trung tâm tài chính đã phát triển khác. Bên cạnh đó, việc thiết lập cũng không có mô hình chung mà sẽ tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng quốc gia.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu, làm rõ các nội dung, bao gồm xác định rõ chủ thể tham gia, phạm vi sản phẩm và giao dịch; các chính sách quản lý đáp ứng các chuẩn mực hiện đại trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia và cân đối vĩ mô.

“Trong bất kỳ trường hợp nào, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu. Đây là một bài toán khó với rất nhiều biến số khác nhau”, Thống đốc nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định thách thức là thành phố sẽ phải cần hạ tầng dữ liệu từ quy mô lớn đến siêu lớn, cho đến khả năng mở rộng phân tích từ các giải pháp điện toán đám mây.

Theo ông, TPHCM đang có năng lực xử lý điện toán đám mây kém hơn nhiều so với Thái Lan và Singapore nhưng với xu hướng đầu tư vào công nghệ AI hiện nay thì Việt Nam có thể cải thiện tình hình nhanh nếu kêu gọi đầu tư từ các “big tech”.

Ông cũng khuyến nghị thành phố nên lưu ý thu hút các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng để đảm bảo an toàn dữ liệu và giao dịch tài chính. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thành lập các trung tập thử nghiệm giải pháp mới, thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực tài chính.

Các thành viên Chính phủ đang lắng nghe ý kiến từ bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Anh tại TPHCM, về các hoạt động hợp tác để góp phần phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. Ảnh: V.D.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận nhắc đến việc bộ này sẽ áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại trung tâm tài chính quốc tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư, giảm thiểu chi phí so với việc chuyển đổi giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế. Hiện Việt Nam cũng còn nhiều đề án liên quan đến việc phát triển thị trường vốn, từ thị trường giao dịch tín chỉ carbon cho đến khung pháp lý tiền mã hóa.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự kiến sẽ thành lập cơ chế giải quyết tranh chấp dựa theo mô hình trọng tài thương mại nhưng sẽ có điều kiện đặc thù khác biệt. Đối tượng, phạm vi cũng sẽ được mở rộng, điều chỉnh theo hướng phát sinh từ quan hệ dân sự chứ không chỉ đơn thuần là thương mại. Kế hoạch của Bộ Tư pháp là tận dụng yếu tố công nghệ, xây dựng các hợp đồng thông minh, triển khai quy trình cho phép các bên quốc tế tham gia.

Tuy nhiên, ông Ninh cũng nhắc điều quan trọng là khả năng phán quyết và thực thi phải đủ nhanh. Thực tế cho thấy phán quyết của trọng tài có thể bị tòa án hủy bỏ nếu vi phạm, dẫn đến giảm tính hiệu lực của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Phát biểu tại hội nghị ngày 4-1, từ góc độ các đơn vị nước ngoài tham gia hỗ trợ tư vấn, các chuyên gia đều đánh giá cao diễn tiến thực hiện đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam hiện nay, nhưng "thách thức rất lớn” cũng là nhận định chung của họ. “Đây là dự án hết sức phức tạp, có sự tham gia của nhiều cơ quan và nhiều tổ chức, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau”, ông Richard McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair (TBI) nói.

Các chuyên gia nước ngoài, đại diện cho các tổ chức tư vấn quốc tế thảo luận về các giải pháp xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam. Ảnh: V.D.

Xây dựng khung pháp lý và lộ trình tự do hóa tài chính

Liên quan đến việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đã đủ điều kiện để thực hiện đề án này và nếu không làm thì không có động lực tăng trưởng mới.

Với TPHCM, đầu tàu kinh tế, đô thị có dân số cao nhất cả nước, việc quy hoạch và xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (Đà Nẵng là trung tâm tài chính khu vực) có thuận lợi riêng. Nhiều chuyên gia đánh giá là có “mức độ sẵn sàng tương đối tốt và một số lợi thế cạnh tranh về chi phí hoạt động so với nhiều trung tầm tài chính quốc tế khác”.

Tuy nhiên, thách thức lớn trong việc xây dựng khung pháp lý cho mô hình trung tâm tài chính quốc tế là rào cản dòng vốn luân chuyển tự do. Hiện chiến lược phát triển tài chính của Ngân hàng Nhà nước cũng như Bộ Tài chính chưa đề cập đến lộ trình tự do hóa tài chính.

Chia sẻ với báo giới trước đó, TS. Nguyễn Tuấn Anh, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, đánh giá khung pháp lý đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và vận hành trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam có thể cần ít nhất một thập kỷ để hoàn thiện hệ thống pháp lý, do sự phức tạp về mặt quản lý tiền tệ cũng như đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia.

Báo cáo tổng hợp Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng dẫn lại đánh giá xếp hạng của Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), cho biết TPHCM hiện xếp hạng thấp hơn so với các Trung tâm tài chính toàn cầu lớn ở tất cả các khía cạnh về năng lực cạnh tranh. Trong đó, có năm khía cạnh chính bao gồm môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, độ phát triển lĩnh vực tài chính và danh tiếng.

Theo các chuyên gia từ GFCI, TPHCM cần cải thiện năng lực cạnh tranh. Trong đó, đặc biệt là ba khía cạnh gồm môi trường thân thiện với doanh nghiệp, các định chế tài chính uy tín và nguồn nhân lực trình độ cao.

Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), khi so sánh với các thị trường tài chính của các quốc gia phát triển trong trung hạn (Thái Lan, Malaysia, UAE) và trong dài hạn (Singapore, Hồng Kong, Anh, Mỹ, Nhật Bản), các chỉ số về tổ chức và thị trường tài chín.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới