Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng lớn của Mỹ ‘tháo chạy’ khỏi liên minh Net-Zero

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tuần này, các ngân hàng đầu tư hàng đầu ở Phố Wall gồm Morgan Stanley, Citigroup và Bank of America (BofA) thông báo rút khỏi Liên minh ngân hàng Net-Zero. Động thái trên diễn ra khi các ngân hàng bị đảng Cộng hòa chỉ trích.

Liên minh ngân hàng Net-Zero (NZBA) là một sáng kiến toàn cầu được Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn nhằm khuyến khích ngành ngân hàng tăng cam kết tài chính xanh, giảm khí thải carbon. Động thái trên diễn ra khi các ngân hàng hứng chỉ trích từ đảng Cộng hòa của Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng, việc tham gia NZBA chẳng khác nào hành động tẩy chay ngành công nghiệp dầu khí và có thể vi phạm luật chống độc quyền.

Chỉ trong hai tháng qua, 5 ngân hàng đầu tư lớn ở Mỹ gồm Morgan Stanley, Citi, BofA, Wells Fargo và Goldman Sachs tuyên bố rút khỏi NZBA. Ảnh minh họa: Facebook

Ra mắt vào năm 2021, với Citi và BofA nằm trong nhóm thành viên sáng lập, NZBA là một liên minh tập hợp hơn 140 ngân hàng lớn ở 44 quốc gia. Các thành viên của NZBA cam kết điều chỉnh hoạt động kinh doanh để hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero) vào năm 2050. Cam kết này có nghĩa là các ngân hàng có thể sẽ hạn chế cho vay và đầu tư vào các dự án phát thải nhiều carbon như dầu khí, xây dựng, bất động sản, đồng thời dành nhiều nguồn lực hơn cho các dự án xanh như năng lượng tái tạo.

NZBA là một phần của Liên minh tài chính Glasgow vì Net-Zero (GFANZ), một sáng kiến khí hậu rộng lớn hơn được LHQ hậu thuẫn, có sự tham gia của các công ty quản lý tài sản và các ngành công nghiệp khác.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ngân hàng của Mỹ “tháo chạy” khỏi NZBA. Trong tuần qua, Morgan Stanley, Citi và BofA thông báo rút khỏi liên minh này. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, hai ngân hàng đầu tư lớn khác của Mỹ, Wells Fargo và Goldman Sachs cũng đã hành động tương tự.

Morgan Stanley cho biết vẫn cam kết đạt mục tiêu Net-Zero bằng cách cung cấp cho khách hàng lời khuyên và nguồn vốn cần thiết để chuyển đổi mô hình kinh doanh. Goldman Sachs khẳng định, ngân hành này đã đạt được tiến triển đáng kể về mục tiêu Net-Zeo và sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu này.

JPMorgan Chase là ngân hàng lớn duy nhất của Mỹ còn lại trong liên minh. Tuy nhiên, một nguồn thạo tin cho biết, JPMorgan cũng đang cân nhắc rút lui. Người phát ngôn của JPMorgan cho biết, ngân hàng này thường xuyên đánh giá các tư cách thành viên để bảo đảm thúc đẩy lợi ích của khách hàng và trong hoạt động kinh doanh.

Làn sóng ngân hàng Mỹ rút khỏi NZBA phản ánh sự rút lui rộng rãi của giới doanh nghiệp Mỹ khỏi các sáng kiến ​​về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngay trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống. ESG là chủ đề đầu tư gây sốt ở Phố Wall vào nhiều năm trước nhưng kể từ đó bị các nhóm bảo thủ chỉ trích. Ông Donald Trump đã gọi biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp” và dự kiến ​​sẽ bãi bỏ các quy định liên quan.

Các tổ chức và nhà hoạt động bảo thủ của Mỹ đã gây sức ép buộc các doanh nghiệp từ bỏ các sáng kiến và cam kết liên quan ESG. Các chiến dịch vận động hành lang và thách thức pháp lý chống lại xu hướng đầu tư ESG dự kiến ​tăng lên trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ hoan nghênh các nỗ lực này.

Các ngân hàng Mỹ đang đối mặt với sự chỉ trích gay gắt của các thành viên đảng Cộng hòa về mối quan hệ với NZBA, cho rằng sự tham gia  liên minh này đồng nghĩa với việc tẩy chay ngành dầu khí và có thể vi phạm luật chống độc quyền.

Aniket Shah, giám đốc toàn cầu về chiến lược chuyển đổi và phát triển bền vững ở ngân hàng Jefferies lưu ý, các ngân hàng nên xem xét kỹ lưỡng hơn về các tác động pháp lý tiềm ẩn và tính khả thi trước khi h tham gia NZBA.

“Trong giai đoạn hào hứng về vấn đề khí hậu này, các ngân hàng đã quên kiểm tra vấn đề pháp lý”, Shah nói.

John D. Sterman, giáo sư ở Trường Quản lý Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) xem động thái rút khỏi NZBA của các ngân hàng lớn là "phản ứng ngắn hạn, thiển cận” trước những thay đổi chính trị ở Mỹ và các nước khác cũng như làn sóng chống đối ESG và phủ nhận biến đổi khí hậu.

Sau khi Wells Fargo rút khỏi NZBA hồi tháng trước, Ken Paxton, Tổng chưởng lý bang Texas (bang sản xuất dầu mỏ lớn nhất Mỹ) đã hoan nghênh ngân hàng này và thúc giục các tổ chức khác hủy bỏ cam kết ESG mà ông gọi là “bất hợp pháp”.

Hồi tháng 11 ông Ken Paxton cùng Tổng chưởng lý của 10 bang khác, nơi đảng Cộng hòa nắm quyền, phát động vụ kiện chống lại các công ty quản lý tài sản gồm BlackRock, Vanguard Group Inc. and State Street Corp., với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền vì sử dụng các chiến lược đầu tư thân thiện môi trường để kìm hãm nguồn cung than.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới