Thứ năm, 16/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Stress – sát thủ thầm lặng

TS. BS. Phạm Minh Triết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - LTS: Stress vừa là động lực mạnh mẽ giúp con người vượt qua thử thách, làm việc với hiệu suất cao lại vừa là một “sát thủ thầm lặng” nếu chúng vuột khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. TS. BS. Phạm Minh Triết - nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - đã có loạt bài viết chia sẻ về stress từ góc nhìn của một bác sĩ và cũng là người đồng hành với bệnh nhân. Kinh tế Sài Gòn xin đăng tải lần lượt các bài từ số báo này.

Một ngày gần cuối năm 202…, Z. nhắn tin đặt lịch hẹn với tôi. Trong tin nhắn, anh bày tỏ rằng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào buổi gặp, nhưng vẫn muốn thử xem liệu có thể tìm ra lối thoát nào khác. Điều này không làm tôi ngạc nhiên, vì hầu hết các trường hợp tôi tiếp nhận đều là trẻ em, trong khi Z. là người trưởng thành.

Z. là một thầy thuốc Đông Y tại TPHCM. Tuy nhiên, anh đã tạm gác công việc chuyên môn để nhận trách nhiệm quản lý xưởng sản xuất của anh trai, người hiện đang ở nước ngoài. Những khó khăn trong kinh doanh đã khiến Z. rơi vào trạng thái stress kéo dài. Anh thường xuyên cảm thấy chán nản, cáu gắt, nghĩ rằng không ai quan tâm đến mình, và tự cô lập bản thân. Z. đã lên kế hoạch hoàn tất việc bàn giao công việc ở xưởng, sau đó sẽ tự kết thúc cuộc đời mình…

Stress là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi đối diện với áp lực hoặc nguy cơ từ môi trường xung quanh. Phản ứng “chống lại hay bỏ chạy” (fight or flight), một cơ chế sinh học được nhà sinh lý học Walter Cannon phát triển, là trung tâm của hiện tượng này. Stress là một phản ứng sinh tồn quan trọng của cơ thể đã tiến hóa qua hàng triệu năm để bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm nguy tức thì, như đối mặt với kẻ thù hoặc các tình huống đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, các hiểm nguy vật lý mà tổ tiên chúng ta thường gặp phải ít xuất hiện hơn, nhưng phản ứng stress vẫn còn nguyên vẹn. Nó trở thành một phản xạ tự động không chỉ trước các mối nguy hiểm thực tế mà cả những khó khăn, thách thức mang tính tinh thần hoặc cảm xúc, như áp lực công việc, tài chính, hay các mối quan hệ xã hội.

Đối diện với một tình huống, hạch hạnh nhân (amygdala) trong não sẽ phân tích tín hiệu từ môi trường để xác định nguy cơ. Nếu mối nguy hiểm được xác nhận, nó sẽ gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi (hypothalamus), cơ quan điều phối phản ứng stress. Vùng dưới đồi kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến sự giải phóng các hormone stress chủ chốt ở tuyến thượng thận: adrenaline, noradrenaline và cortisol. Ở giai đoạn ban đầu, những hormone này phối hợp với nhau để tạo ra hàng loạt thay đổi sinh lý, giúp cơ thể sẵn sàng đối phó với tình huống nguy hiểm.

Adrenaline là hormone đầu tiên được tiết ra ngay khi cơ thể nhận diện nguy cơ. Nó làm tăng nhịp tim, giúp bơm máu nhanh hơn đến các cơ bắp lớn và não, cung cấp năng lượng tức thì để phản ứng. Đồng thời, huyết áp cũng tăng, đẩy máu qua hệ tuần hoàn với tốc độ cao hơn. Adrenaline còn kích thích giãn nở phế quản, giúp tăng lượng oxy vào máu, đảm bảo các cơ quan hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, noradrenaline, một hormone hoạt động chậm hơn nhưng kéo dài hơn, góp phần duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như não và tim. Noradrenaline cũng đóng vai trò tăng cường sự tỉnh táo và tập trung, giúp chúng ta xử lý tình huống một cách hiệu quả. Cả adrenaline và noradrenaline đều kích hoạt quá trình giải phóng glucose từ gan, cung cấp năng lượng tức thời để cơ thể vượt qua thách thức.

Cortisol, được tiết ra chậm hơn trong giai đoạn sau, đóng vai trò duy trì năng lượng lâu dài. Hormone này giúp điều chỉnh đường huyết, đảm bảo cơ thể không cạn kiệt năng lượng sau những phản ứng cấp tính. Trong tình huống cấp tính, sự phối hợp của ba hormone này giúp chúng ta đạt được trạng thái sẵn sàng tối ưu, như cảm giác hồi hộp trước một bài thuyết trình quan trọng hoặc khi đối mặt với nguy hiểm.

Tuy nhiên, stress không phải lúc nào cũng là người bạn đồng hành tích cực. Khi tình trạng stress kéo dài và trở thành mãn tính, mức độ cao của adrenaline, noradrenaline và cortisol trong cơ thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Adrenaline và noradrenaline liên tục kích thích hệ tim mạch, khiến tim làm việc quá sức, dẫn đến rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, và nguy cơ xơ vữa động mạch. Noradrenaline, ngoài tác dụng co mạch máu để điều hướng lưu lượng máu, cũng có thể gây tổn thương mạch máu ngoại biên khi duy trì ở mức cao quá lâu.

Cortisol, mặc dù cần thiết để duy trì năng lượng, lại gây nhiều tác hại khi tích tụ trong thời gian dài. Nó ức chế hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh và hồi phục chậm. Đồng thời, cortisol làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu đường và chất béo, dẫn đến nguy cơ béo phì và tiểu đường. Hơn nữa, hormone này ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, đặc biệt là vùng hồi hải mã (hippocampus), nơi điều chỉnh trí nhớ và khả năng học tập. Cortisol ở mức cao làm tổn thương các tế bào thần kinh tại đây, gây giảm trí nhớ, mất tập trung và khó khăn trong việc đưa ra quyết định. Tình trạng này khiến nhiều người cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, như những gì Z. đã trải qua.

Quay trở lại câu chuyện của Z., anh đã phải đối mặt với một chuỗi áp lực không ngừng từ công việc kinh doanh không thuận lợi. Vì xưởng sản xuất nằm ở ngoại thành, Z. và vợ chỉ có thể gặp nhau vào cuối tuần, càng làm tăng cảm giác cô đơn và bế tắc. Stress kéo dài không chỉ khiến Z. trở nên cáu gắt, mà còn làm anh mất dần sự kết nối với những người xung quanh, đặc biệt là gia đình. Sau một thời gian suy nghĩ, anh quyết định tâm sự với vợ về kế hoạch của mình. Nhờ sự hỗ trợ và động viên của cô, Z. mới tìm đến tôi để thử tìm một hướng giải quyết khác dù không có nhiều hy vọng.

Stress có hai mặt. Ở giai đoạn ngắn hạn, nó là động lực mạnh mẽ, giúp chúng ta vượt qua thử thách, tăng cường khả năng tập trung và hiệu suất làm việc. Nhưng khi stress kéo dài và không được quản lý, nó âm thầm bào mòn sức khỏe, trở thành “sát thủ thầm lặng” phá hoại cả thể chất lẫn tinh thần, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ xung quanh. Vậy làm thế nào để phòng ngừa và điều trị stress một cách hiệu quả? Đây sẽ là nội dung được thảo luận trong bài viết tiếp theo(*).

(*) Mời quý độc giả đón đọc Phần 2: Stress - Đi cùng sát thủ trên KTSG số 03-2025, phát hành vào ngày 16-2-2025.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới