Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên 55% GDP trong năm 2025

Bình Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân, nâng tỷ trọng đóng góp khoảng 55% GDP, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự cuộc họp sáng nay. Ảnh: VGP

Sáng nay (8-1), Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến, có sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, baochinhphu.vn đưa tin.

Chủ đề của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá". Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, ưu tiên triển khai 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu cùng 185 nhiệm vụ cụ thể.

Mục tiêu tổng quát đặt ra bao gồm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thúc đẩy đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu bao gồm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trung bình khoảng 4,5%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 0,8% đến 1% cùng 71 chỉ tiêu cụ thể khác.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Từ mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nêu lên 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025.

Cụ thể, nhiệm vụ 1 gồm hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy tinh gọn, loại bỏ cơ chế "xin-cho", thông qua các dự án luật, sửa đổi, cải cách hành chính, đổi mới thủ tục trên nền tảng số và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp.

Nhiệm vụ 2 gồm thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và tăng năng suất lao động.

Trong nhiệm vụ 3, Chính phủ sẽ tăng cường huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay trong và ngoài nước, hợp tác công tư và các nguồn hợp pháp khác để đẩy nhanh đầu tư vào các dự án lớn, tháo gỡ vướng mắc.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh vai trò kinh tế tư nhân, phấn đấu đến năm 2025, khu vực này đóng góp 55% GDP, ban hành Chiến lược phát triển doanh nhân đến 2035, tầm nhìn 2045 và xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp dân tộc và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Nhiệm vụ 4 là phát triển hạ tầng chiến lược, hoàn thành 3.000km đường cao tốc và hơn 1.000km đường ven biển, nâng cấp các tuyến cao tốc, ứng phó biến đổi khí hậu, quy hoạch năng lượng và nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian biển, ngầm, và vũ trụ.

Nhiệm vụ 5 là xây dựng Đảng, xử lý dự án tồn đọng, tăng hiệu quả thu, chi ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong nhiệm vụ 6, Nhà nước sẽ phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phấn đấu hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị.

Nhiệm vụ 7 bao gồm nâng cao quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, xử lý hiệu quả các nguy cơ từ không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Cuối cùng là tăng cường truyền thông về các sự kiện lớn, chủ động thông tin tuyên truyền, tạo động lực và đồng thuận xã hội.

"Chúng ta bước vào kỷ nguyên mới. Trên nền tảng thành tựu sau 40 năm đổi mới, chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thách thức", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới