Thứ sáu, 1/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nên có Luật Thú y để phòng chống dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên có Luật Thú y để phòng chống dịch bệnh

Ban Mai

Nên có Luật Thú y để phòng chống dịch bệnh
Định hướng quản lý dịch bệnh trong năm 2013 và kiểm soát dịch bệnh trong những năm tới, theo Cục Thú y, là nhanh chóng hoàn thiện xây dựng Luật Thú y, để trình Quốc hội sẽ được ưu tiên thực hiện. Ảnh: Chi cục Thú y TP.HCM

(TBKTSG Online) - Trước tình trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan sang người có xu hướng tăng nhanh trong năm gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, Pháp lệnh về Thú y năm 2004 hiện đã không còn phù hợp trong việc giải quyết và xử lý những vụ việc phát sinh. Vì vậy, Nhà nước cần sớm xây dựng Luật Thú y để quản lý tốt hơn công tác phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y…

Diễn biến phức tạp, pháp lệnh khó kiểm soát…

Nhiều chuyên gia trong ngành thú y cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những năm qua, Pháp lệnh Thú y đã trở nên “quá chật” so với thực tế. Cụ thể, có những vấn đề tồn tại nhiều năm qua cũng là tác nhân của bệnh dịch, nhưng Pháp lệnh Thú y có hiện lực năm 2004 vẫn chưa có chế tài xử lý triệt để.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Cục phó Cục Thú y, trong năm 2012, cả nước có ổ dịch heo tai xanh tại 353 xã, phường, thị trấn của 74 quận, huyện thuộc 23 tỉnh. Tổng số heo mắc bệnh là 77.482 con, tổng số chết là 13.290 con, tổng số heo phải tiêu hủy là 44.962 con. Chính quyền và người dân nhiều địa phương có tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Cụ thể, theo Cục Thú y, công tác tuyên truyền phổ biến về các chủ trương biện pháp phòng chống dịch cũng như sự nguy hại của bệnh chưa được làm tốt. Tại một số địa phương, người dân chủ quan, lơ là, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vi phạm Pháp lệnh Thú y. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp kỹ thuật như công tác giám sát dịch bệnh còn lơ là buông lỏng. Việc phát hiện dịch chậm hoặc giấu dịch, chưa thực hiện việc tiêm phòng vắc xin ở những vùng có nguy cơ cao, vùng ổ dịch cũ hoặc kết quả tiêm phòng vắc xin còn đạt tỷ lệ thấp, có nơi không tiêm phòng. Ngoài ra, công tác kiểm dịch vận chuyển chưa được thực hiện chặt chẽ, việc giám sát phát hiện sớm các ổ dịch còn chưa tốt, nên khi dịch phát ra không được xử lý kịp thời... đã để dịch lây lan sang các địa phương khác.

PGS.TS Nguyễn Viết Không, Viện thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng cho rằng khâu kiểm soát vận chuyển, lưu thông gia súc gia cầm vẫn chưa được thực hiện tốt. Công tác này chỉ thực thi khi có đội kiểm tra liên ngành, các địa phương ít có những hoạt động độc lập trong việc kiểm soát kiểm tra triệt để trên địa bàn. Liên quan đến các vấn đề buôn lậu gia cầm qua biên giới, mức phạt khi vi phạm thấp, hiện vẫn chưa có quy định kiểm soát các trường hợp vận chuyển dưới 50 gia cầm

Bên cạnh đó, các địa phương còn phó mặc công tác kiểm soát vận chuyển động vật qua biên giới cho ngành thú y, thiếu sự phối hợp chặt giữa chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể dẫn tới không kiểm soát được trâu bò vận chuyển theo đường tiểu ngạch qua biên giới. Nhiều tỉnh thành ở biên giới vẫn thiếu các khu cách ly kiểm dịch động vật tại khu vực biên giới để nuôi nhốt động vật kiểm dịch trước khi đưa vào nội địa tiêu thụ. Công tác kiểm dịch vận chuyển nội địa còn nhiều kẽ hở dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Một số dự án phát triển chăn nuôi của địa phương không tuân thủ quy định về con giống, kiểm dịch vận chuyển, nuôi cách ly để theo dõi, tiêm phòng 2 mũi theo quy định, dẫn đến dịch bệnh lây lan.

Nên sớm có Luật Thú y

Định hướng quản lý dịch bệnh trong năm 2013 và kiểm soát dịch bệnh trong những năm tới, theo Cục Thú y, việc nhanh chóng hoàn thiện xây dựng Luật Thú y, để trình Quốc hội sẽ được ưu tiên thực hiện. Việc sớm xây dựng và ban hành Luật Thú y cũng giúp ngành thú y hoàn thiện chiến lược phòng, chống cúm gia cầm giai đoạn 2013 – 2017. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình quốc gia như cúm gia cầm, lở mồm long móng…

Việc Luật Thú y đi vào hoạt động, cũng giúp nhà nước đầu tư cho hoạt động thú y như nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đào tạo nhân lực; phát triển hệ thống thông tin, giám sát dịch bệnh tốt hơn. Ngoài ra, với những quy định rõ ràng, chính sách cụ thể ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng cũng giúp cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi hoạt động và xây dựng mạng lưới phòng bệnh hiện quả hơn. Mạng lưới thú y cơ sở cũng cần được xây dựng lại thông qua luật. Vì đây chính là lực lượng trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương như phát hiện, theo dõi báo cáo tình hình dịch bệnh, tham gia công tác tiêm phòng và phòng chống dịch khi xẩy ra bệnh truyền nhiễm nguy hiểm..

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng cần được luật hóa để giám sát bệnh và dự báo tình hình dịch bệnh mang tính chủ động trong suốt quá trình (chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật). Ngoài ra thẩm quyền chống dịch của Ủy ban nhân dân các cấp khi xẩy ra ổ dịch nhỏ, lẻ tẻ ban đầu cũng cần được quy định cụ thể và rõ ràng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới