(KTSG Online) - Ngay giữa trung tâm thành phố Nha Trang, hai bảng báo tạm 20 km/g tồn tại hơn mười năm trời. Tại Quảng Bình, sau khi mở rộng đường thì cột điện vẫn đứng giữa đường suốt nhiều tháng. Những điều bất ổn như vừa nêu có thể dẫn đến tai nạn bất cứ lúc nào nhưng không ai “thấy” cho đến khi báo chí lên tiếng.
- Tảng đá… không biết chữ, cũng không biết chờ!
- ‘Dẹp loạn xe ben’: Lời hứa sắp 10 năm, món nợ vẫn còn nguyên!
- Cây xanh bị ‘hành hạ’ nhiều năm, lẽ nào không ai thấy?
Đầu tuần này, báo chí phát hiện trên đường Thích Quảng Đức (phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) có hai bảng báo khu vực tốc độ tối đa 20 km/g (Zone 20) được gắn cách nhau gần 4 km. Bảng báo này có nguy cơ gây ra tai nạn vì nhiều người lái xe phải giảm tốc độ đột ngột vì đây là con đường rộng, thông thoáng, theo quy định có thể chạy với tốc độ 40-50 km/g
Bảng báo này không chỉ “lạ” vì không nằm trong quy chuẩn kỹ thuật giao thông đô thị mà còn “lạ” hơn ở chỗ ngay cả Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hoà cũng không trả lời được ai đã gắn khi báo chí hỏi dù chức năng quản lý thuộc về sở này.
Mọi việc chỉ sáng tỏ khi sau đó một doanh nghiệp cho biết họ đã gắn bảng báo. Theo doanh nghiệp này, đây là bảng báo tạm được gắn từ khoảng năm 2012 - 2013 khi đang thi công đường, để buộc xe ben chở đất thi công chạy chậm vì trong khu vực này có trường mầm non. Sau đó, tuyến đường Thích Quảng Đức đã được nghiệm thu và bàn giao nhưng các bảng báo tạm thời này cứ thế mà tồn tại cho đến nay(1).
Như vậy, trong suốt hơn 10 năm qua, những bảng báo tạm lẽ ra phải tháo gỡ sau khi nhận bàn giao thì một loạt cơ quan chức năng từ chính quyền phường, thành phố đến các đơn vị chức năng quản lý giao thông và Sở giao thông tỉnh này đều không ai “thấy” sự vô lý, sai luật để có hành động cần thiết.
Cũng liên quan đến sự nguy hiểm cho người đi đường mà chậm xử lý ở Nha Trang, có thể nhắc đến vụ tảng đá nặng hàng tấn treo lơ lửng ở gần đại lộ Nguyễn Tất Thành có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Hồi năm ngoái, trong suốt một tháng rưỡi có 7 cơ quan chức năng đến hiện trường kiểm tra, thế nhưng hòn đá vẫn còn nguyên vì các đơn vị cho rằng trách nhiệm xử lý không thuộc về họ. Mãi đến đầu tháng 11-2024, sau khi đích thân bí thư tỉnh ủy đến hiện trường khảo sát, chỉ đạo và chỉ 24 giờ sau tảng đá đã được phá hủy gọn gàng bằng cách đặt thuốc nổ.
Một kiểu “bẫy” người đi đường chậm xử lý đến mức vô lý là mở rộng đường xong nhưng không dời cột điện. Điều này xảy ra không phải ở vùng sâu vùng xa trên đường ít người qua lại mà là tại trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Cột điện nằm ngay giữa đường vừa không an toàn về điện vừa trở thành những cái “bẫy” tiềm ẩn gây tai nạn người dân và kéo dài cả năm không ai “thấy”(2).
Những vụ tắc trách trong quản lý an toàn giao thông như thế này có lẽ cũng không riêng ở tỉnh Khánh Hoà hay Hà Tĩnh mới có mà còn xảy ra ở một số địa phương khác.
Khi chức năng quản lý được phân công rõ ràng thì không khó xác định ai phải chịu trách nhiệm. Những vụ chậm trễ, tắc trách như vậy xảy ra là do người phụ trách thiếu trách nhiệm, vô cảm hoặc yếu kém chuyên môn. Trong đợt sắp xếp tinh gọn đang diễn ra, cơ quan chức năng cần “ưu tiên” mời những người như vậy ra khỏi bộ máy công chức.
-----------------------------
(1) https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-cam-2-bien-bao-toc-do-toi-da-20km-h-la-lung-o-nha-trang-noi-gi-20250107164555677.htm
(2) https://tuoitre.vn/cot-dien-dung-giua-duong-gay-bat-an-cho-nguoi-tham-gia-giao-thong-20240305154316695.htm
Bộ máy tinh gọn/ hiệu quả. Nói dễ nhưng làm rất khó. Nguyên nhân ở chỗ làm sao kích hoạt được nội lực của cán bộ công chức, để họ có cơ hội và điều kiện phát huy năng lực sở trường, cống hiến cho sự nghiệp chung. Đặc biệt là gìn giữ được phẩm chất, uy tín của “con người công vụ”, để không thể/ không dám sa cơ vào con đường tiêu cực. Thực tế hiện nay đang hình thành một “liên minh bí mật công – tư”, người trong bộ máy hành chính (kể cả bộ phận dịch vụ công) móc nối với lực lượng ngoài xã hội để cùng tham gia “xử lý riêng” những thủ tục hồ sơ “nhanh/ gọn theo đơn đặt hàng”, qua đó chiếm hưởng phí hoa hồng cao ngất ? Những lĩnh vực “hot” có liên quan mật thiết đến quốc kế dân sinh đều có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn bởi hiện tượng này. Thiết nghĩ đây cũng là chủ đề quan trọng cần đặt ra một cách nghiêm túc khi tiến hành xử lý sắp xếp lại bộ máy tổ chức hành chánh – công vụ hiện nay.
Ở TP HCM, hiện nay vấn nạn kẹt trên khắp các tuyến đường do cấm rẽ phải khi đèn đỏ, gây thiệt hại kinh tế rất lớn chưa kể ô nhiễm tăng cao do kẹt xe kéo dài. Nhưng những người có trách nhiệm đang nghiên cứu không biết khi nào mới nghiên cứu xong. Dù vấn đề này rất dễ giải quyết, không cần sửa qui định, chỉ cần gắn thêm các bảng cho phép quẹo phải khi đèn đỏ là xong, ở nhiều đường trong TP đã được gắn bảng này từ rất lâu rồi.
Nhà đất, tài nguyên, dự án đầu tư, vốn liếng… Mọi thứ liên quan đến tiền/ quyền, đều là những lĩnh vực nóng nhất hiện nay. Đối với việc thực thi chức trách công vụ, kiểm soát quyền lực sao cho công khai, minh bạch là vấn đề khó nhất. Nhưng không thể không làm được ? Cần nghiên cứu và vận dụng những gì mà các mô hình hành chính công hiệu quả nhất thế giới đã và đang làm, sẽ cho chúng ta những bài học bổ ích.