(KTSG Online) - Tại kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Thủ tướng hai nước đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương năm 2025 tăng từ 10-15% so với năm 2024, hướng tới sớm đạt mục tiêu 5 tỉ đô la Mỹ.
- Kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam – Lào
- Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào với giá từ 6,4 cent/kWh
Sáng 9-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Baochinhphu.vn đưa tin.
Bàn về hợp tác năm 2025, hai bên cho biết, sẽ thúc đẩy, đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện.
Cùng với đó là tăng kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại hai bên; tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Chính phủ Lào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; rà soát thúc đẩy các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào.
Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam; nghiên cứu điều chỉnh các quy định về thời gian thực hiện trong đầu tư thủy điện, khai khoáng phù hợp với tình hình thực tế.
Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương năm 2025 tăng từ 10-15% so với năm 2024, hướng tới sớm đạt mục tiêu 5 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam - Lào coi nông nghiệp và phát triển nông thôn một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước; thúc đẩy thanh toán bằng bản tệ trong quan hệ giữa hai nước.
Đặc biệt, hai bên sẽ tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông, nghiên cứu các phương án huy động nguồn lực để triển khai dự án trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, đường sắt Vũng Áng - Vientiane, trong đó, huy động cả nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi của các đối tác phát triển và sự tham gia của doanh nghiệp hai nước.
Cùng với đó là nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để báo cáo cấp có thẩm quyền về khả năng xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, mô hình kinh tế cửa khẩu qua biên giới, kho chứa xăng dầu tại khu vực biên giới…
Lũy kế đến hết năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào đạt 267 dự án, với tổng vốn đăng ký là 5,7 tỉ đô la; vốn thực hiện đạt khoảng 2,8 tỉ đô la. Đáng chú ý là đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2024, vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 191,1 triệu đô la Mỹ, tăng 62,1% so với năm 2023; đóng góp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp Việt Nam cho Chính phủ Lào trong 5 năm trở lại đây đạt bình quân khoảng 200 triệu đô la/năm.
Trong năm qua, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào ghi dấu ấn khi tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,2 tỉ đô la, tăng gần 34% so với năm 2023, trong đó đáng ghi nhận là Lào đã xuất siêu sang Việt Nam khoảng 732,7 triệu đô la.
Ngay sau kỳ họp, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước, gồm biên bản kỳ họp lần thứ 47; thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa Lào và Việt Nam năm 2025; Hiệp định giữa hai nước về mua bán điện than; kế hoạch hợp tác năm 2025 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.