(KTSG Online) – Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ở Đông Nam Á (ASEAN) được kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025 nhờ sự quan tâm ngày càng tăng của các quỹ quản lý tài sản có chủ quyền và nguồn vốn tư nhân dồi dào đang chờ triển khai.
- Tiền mặt dôi dư, doanh nghiệp Nhật tìm kiếm các thương vụ M&A lớn ở nước ngoài
- Dự báo thị trường M&A ở Việt Nam sẽ sôi động trở lại vào năm 2025
Abbas Rangwala, người đứng đầu bộ phận M&A của ASEAN và Ấn Độ ở ngân hàng Natixis (Pháp) mô tả năm 2024 là năm trì trệ của thị trường M&A ở khu vực ASEAN, với tổng giá trị của các thương vụ giảm đến 54% so với năm 2023.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhìn thấy một số xu hướng quan trọng của bên mua ủng hộ dự báo của ông về sự phục hồi của hoạt động M&A ở ASEAN trong năm nay.
Một trong những xu hướng đó là sự gia tăng hiện diện của các quỹ quản lý tài sản có chủ quyền được giao nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp quan trọng và doanh nghiệp địa phương.
Chẳng hạn, vào năm ngoái, một nhóm nhà đầu tư do Khazanah Nasional, quỹ đầu tư nhà nước Malaysia dẫn đầu đã đưa ra đề nghị thâu tóm Malaysia Airports Holdings, công ty quản lý hầu hết các sân bay ở Malaysia, với giá 11 ringgit (2,5 đô la Mỹ)/cổ phiếu.
Trong khi đó, theo số lệu của ngân hàng Bank of America (BofA), số lượng các thương vụ M&A trong năm 2024 ở ASEAN tăng 51% so với năm trước đó. Điều này báo hiệu sự lạc quan về triển vọng trong năm 2025.
John Lin, người đứng đầu bộ phận M&A Đông Nam Á của BofA cho biết, dữ liệu trong nửa cuối năm 2024 cho thấy niềm tin đã quay trở lại thị trường M&A của khu vực.
“Chúng tôi tin rằng, các bên mua sẽ chạy đua chớp lấy các cơ hội M&A xuất hiện trên thị trường trong nửa đầu năm 2025”, Lin nói.
Ông lưu ý, lượng vốn tư nhân huy động để đầu tư vào các tài sản thay thế vẫn ở mức cao.
“Một phần số vốn này đã được triển khai và chúng tôi kỳ vọng, tốc độ triển khai sẽ tăng tốc trong năm 2025”, ông nói.
Đồng ý với nhận định này, Rangwala của Natixis ghi nhận đang có áp lực ngày càng gia tăng về việc triển khai nguồn vốn tư nhân đang ứ đọng sau khi kết thúc đại dịch Covid-19.
Chu kỳ cắt giảm lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu cũng được xem là chất xúc tác thuận lợi để thúc đẩy giá trị của các thương vụ M&A ở ASEAN trong năm nay khi các điều kiện thị trường cải thiện.
Ngoài ra, nền kinh tế ASEAN tiếp tục được hưởng lợi nhờ sự ổn định địa chính trị, nền tảng vĩ mô mạnh mẽ. Trong khi đó, Singapore là thỏi nam châm đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là những yếu tố thuận lợi hứa hẹn giúp hoạt động M&A trong khu vực khởi sắc hơn.
Ngân hàng Natixis lưu ý, ASEAN đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư chiến lược của Nhật Bản và Trung Quốc đã mở văn phòng đại diện ở Singapore.
Cơ hội đầu tư ở ASEAN vẫn hấp dẫn vì mức định giá tài sản trong khu vực còn tương đối thấp, trong khi xuất khẩu dự báo tăng.
Ngân hàng BofA dự báo, nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc tiếp tục chảy vào ASEAN giữa lúc Bắc Kinh triển khai một loạt chính sách để hồi sinh nhu cầu tiêu dùng trong nước.
“Hơn nữa, giữa lúc Mỹ có thể tiếp tục dựng lên các rào cản quản lý đối với quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi tin rằng, các bên mua Trung Quốc và Nhật Bản sẽ dành nhiều thời gian ở khu vực ASEAN để triển khai vốn”, John Lin của BofA lưu ý.
Trong báo cáo mới đây, PitchBook Data, nhà cung cấp dữ liệu vốn cổ phần tư nhân cho biết, một nhóm doanh nghiệp có mức định giá cao và được các quỹ mạo hiểm hậu thuẫn vốn trong khu vực dự kiến sẽ dẫn đầu việc mở rộng kinh doanh xuyên biên giới.
Chăm sóc sức khỏe, công nghệ, truyền thông, viễn thông, công nghiệp và tài chính là những lĩnh vực diễn ra hoạt động M&A tích cực nhất trong năm 2024. Ngoài những lĩnh vực này, Rangwala của Natixis nhận định, lĩnh vực bền vững, năng lượng sạch, logistics cũng như các nền tảng giáo dục trực tuyến và quản lý chuỗi cung ứng sẽ được chú ý trong hoạt động M&A ở ASEAN năm nay.
Ngân hàng BofA nhận thấy hoạt động M&A nổi bật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính nhờ tầng lớp trung lưu của ASEAN ngày càng mở rộng và triển vọng kinh tế cải thiện.
“Chúng tôi cũng tiếp tục kỳ vọng lĩnh vực hạ tầng số hóa sẽ là động lực thúc đẩy M&A trong khu vực. Chúng tôi dự báo, lĩnh vực này sẽ bước vào thời kỳ cấu trúc thị trường bão hòa hơn, mở ra tiềm năng cho hoạt động M&A”, John Lin nói.
Theo Business Times