Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đột phá về thể chế là động lực mới cho phát triển trong năm 2025

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đột phá về thể chế được xem là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vàng" mở ra cánh cửa phát triển mới. Theo đó, Chính phủ đã xác định việc hoàn thiện thể chế phải được ưu tiên đầu tiên, đi trước một bước để tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững.

TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% trong năm 2025. Ảnh: LÊ VŨ

Đó là thông tin chú ý trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 vừa được Chính phủ ban hành, theo Chinhphu.vn. 

Theo đó, Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó, Chính phủ xem đột phá về thể chế là "đột phá của đột phá", phải đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển. 

Vì thế, thời gian tới Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, cần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết thì không quản"; đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả"; hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo minh bạch, đồng bộ, công bằng. 

Theo đó, thời gian tới sẽ sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số. 

Cùng với đó là xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; tạo khung khổ pháp lý phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, lao động, bất động sản, mua bán tín chỉ carbon…).

Bên cạnh việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách đột phá để giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp, gây thất thoát, lãng phí.

Cùng với đó là tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng. 

Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%), chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Thành phố Hà Nội, TPHCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu kinh tế của cả nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới