Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chúng ta không vô can

Vũ Thị Huyền Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thằng cháu mười lăm tuổi, sau khi từ trường trở về nhà thường được giao nhiệm vụ chơi cùng bà nội. Với nó đó là nhiệm vụ nhàm chán nhất trên đời. Bởi hai bà cháu đâu thể xem chung một bộ phim hoặc nói chuyện về bất cứ một vấn đề gì đó mà không bất đồng quan điểm.

Trẻ em từ trường mẫu giáo Litte Seeds được tham gia chương trình thử nghiệm kết nối với người cao tuổi tại Viện Dưỡng lão St John’s-St Margaret’s Village gần trường. Ảnh: CAN

Với thằng nhỏ, bà cũ kỹ, nhàm chán và lẩm cẩm vô cùng. Thấy người ta ship đồ ăn đến nhà toàn hộp xốp với túi nylon bọc trong bọc ngoài là thể nào bà cũng càm ràm: “Trời ơi! Ăn uống có là bao mà sao lại vứt ra môi trường nhiều rác thải độc hại thế này?”. Thấy đống giấy nháp thằng nhỏ vò nát vứt đầy sọt, bà cụ than: “Bà thấy giấy vẫn còn trắng tinh sao cháu đã vứt đi? Cháu có biết làm như thế là vừa lãng phí tài nguyên rừng lại vừa gây tổn hại môi trường sống hay không?”.

“Bà phiền thật!”, thằng nhỏ thường nghĩ thầm trong bụng và chẳng buồn để tâm đến những gì bà nói. Nó không hiểu tại sao bà cứ nhất quyết tự gán cho mình một phần trách nhiệm trong vụ cháy rừng tận miền Trung? Trong cái chết của những sinh vật biển bụng chứa đầy rác thải nhựa? Ngay cả khi nó quên tắt vài bóng đèn trong nhà thì cũng ảnh hưởng gì đến sự tuyệt chủng của loài gấu Bắc Cực sống đâu đó tận Bắc Băng Dương?

Thật ra những điều bà cụ nói thằng nhỏ cũng được dạy ở trường, hoặc nghe nhìn đâu đó trên phương tiện truyền thông. Thằng cháu chẳng buồn để tâm vì không thể tin rằng chiếc ống hút nhựa cắm vào mũi một con rùa ngoài đại dương bao la kia lại có thể là chiếc ống hút nó từng thản nhiên vứt xuống biển trong một chuyến du lịch mùa hè nào đó. Hay 40 ki lô gam các loại túi nylon được tìm thấy trong bụng một chú cá voi chết trôi dạt vào vùng biển Philippines, thằng cháu nghĩ mình không hề can dự.

Chúng ta chỉ quan tâm hoặc sợ hãi những thứ nhìn thấy ngay trước mắt mình. Khi vứt một chiếc túi nylon, người ta ít bận tâm đến cả ngàn năm sau chúng mới phân hủy được.

Nhưng đến một ngày thằng cháu bỗng nhận ra sự bất ổn của thiên nhiên diễn ra ngay sát sườn mình. Khi trong một buổi sáng thành phố nơi nó sống hứng hàng loạt đợt sấm sét dội xuống. Khi một cơn siêu bão quét qua tàn phá miền Bắc với con số thiệt hại lên đến hơn 80.000 tỉ đồng, hàng trăm người chết và mất tích. Khi liên tiếp xảy ra sạt lở, lũ quét ở miền Bắc, miền Trung đã vùi lấp biết bao nhiêu mái nhà, bao nhiêu số phận. Thằng cháu ngấm ngầm nhận ra cụm từ “biến đổi khí hậu” hay “mẹ thiên nhiên nổi giận” không phải ở một châu lục xa xôi nào đó hay là câu chuyện của trăm ngàn năm sau nữa. Lúc đứng ở ban công nhìn ra lớp sương mù dày đặc bao phủ các tòa nhà cao tầng, thằng cháu đã không còn dửng dưng trước dòng tin trên báo: “Nhiều khu vực nội thành Hà Nội “chìm” trong bụi mịn, chỉ số ô nhiễm không khí ở tốp đầu thế giới”. Hay khi trải qua một mùa hè nắng nóng khắc nghiệt kéo dài, thằng nhỏ đã không còn chỉ biết trách ông trời.

Thằng cháu thuộc thế hệ những đứa trẻ gen Z “đu” không sót một trend nào, cập nhật không thiếu một tiếng lóng nào vừa mới nổi trên các nền tảng mạng xã hội. Ấy thế mà mấy cụm từ như “tín chỉ carbon”, “tiêu dùng xanh”, “ứng xử xanh”... thì thằng cháu lại được chính người bà “lẩm cẩm” của mình cập nhật. Lẹt xẹt sóng FM, bà dí sát bên tai nghe không sót một câu nào của bản tin biến đổi khí hậu. Bà bảo thật ra vạn vật hữu linh, mình cứ tôn trọng và chung sống hòa hợp với thiên nhiên thì tự khắc Trái đất sẽ dịu dàng với loài người. Bà cụ thường nói với con cháu rằng mình già rồi, chẳng làm được điều gì lớn lao nên chỉ biết trồng thêm vài cái cây trong vườn và bớt tiêu dùng lại. Bà không muốn ngay cả khi chết đi thì lượng rác thải độc hại mà bản thân để lại vẫn còn nguy hại cho thế hệ tương lai.

“Bà già rồi, còn sống được là bao, có lo là lo cho đời của các con các cháu”.

Mà thật ra thực trạng biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và thảm họa thiên tai, dịch bệnh xảy ra trong những năm gần đây đã cho thấy cái giá phải trả cho việc tàn phá môi trường đâu cần phải đợi đến thế hệ sau hứng chịu.

Tết này thằng cháu đã vui vẻ cùng gia đình chuẩn bị ăn một cái Tết “xanh”. Mua vừa đủ dùng, xài vừa đủ vui, tránh lãng phí và giảm tác động đến môi trường, nên trong bếp thấy tủ lạnh không ứ đầy đồ ăn, trên bàn thờ thấy ít đi vàng mã... Trước nhà cây đào, chậu cúc bà cụ tính chơi Tết xong sẽ mang ra vườn trồng lại. Lần đầu tiên thằng cháu thấy chẳng cần chăng chằng chịt đèn nháy, bóng điện khắp nơi mà Tết vẫn lấp lánh trong lòng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới