(KTSG XUÂN) - Không hài lòng với hiện tại, luôn muốn thay đổi theo hướng tốt hơn là bản tính của con người. Cả ở cấp độ cá nhân, cộng đồng hay toàn xã hội, người ta luôn muốn thay đổi để ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay, hôm nay tốt đẹp hơn hôm qua. Và khi mà ước vọng đổi thay gặp điều kiện thuận lợi, những thay đổi lớn lao có thể diễn ra, mang lại điều mà người ta có thể gọi là thời kỳ, thậm chí là kỷ nguyên mới.
Vậy điều gì làm nên một kỷ nguyên mới? Người ta đã tổng kết như sau về 10 đặc điểm làm nên hay đánh dấu một kỷ nguyên mới:
1. Trước hết là những chuyển đổi có ý nghĩa về chuẩn mực văn hóa, công nghệ và xã hội:
- Thay đổi về văn hóa: Những xu hướng mới trong hội họa, âm nhạc, văn chương, thời trang, và những hình thức biểu hiện văn hóa khác.
- Tiến bộ công nghệ: Những đổi mới có tính đột phá về công nghệ, làm biến đổi xã hội và thay đổi cách con người sinh sống.
- Biến đổi xã hội: Những thay đổi trong các giá trị xã hội, các mối quan hệ và các kỳ vọng của người dân.
2. Những biến cố hoặc những cá nhân đánh dấu một sự khởi đầu mới:
- Những biến cố lịch sử: Đó có thể là chiến tranh, cách mạng, thiên tai, hoặc những biến cố lớn khác tạo nên một kỷ nguyên.
- Những gương mặt có tầm ảnh hưởng: Đó có thể là nhà lãnh đạo, nhà khoa học, những nghệ sĩ, hoặc những cá nhân khác có tác động lâu dài tới cả một kỷ nguyên.
3. Một cảm thức cùng chia sẻ những trải nghiệm toàn cầu hay khu vực:
- Về kinh tế: Đó là thời kỳ thịnh vượng hay suy thoái hay đình trệ, và có ảnh hưởng đến người dân trên khắp thế giới.
- Bầu không khí chính trị: Thời kỳ chiến tranh hay hòa bình hay bất ổn chính trị, có tác động lên các mối quan hệ toàn cầu.
- Những thách thức về môi trường: Những vấn đề như sự biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm hay sự cạn kiệt tài nguyên ảnh hưởng tới cả hành tinh.
4. Cảm thức mới về căn tính, nơi người ta thuộc về:
- Các giá trị và niềm tin mới: Người dân sống trong một kỷ nguyên mới thường chấp nhận những giá trị, những niềm tin và thái độ mới.
- Tầm nhìn tập thể về tương lai: Những khát vọng và mục tiêu chung khiến người ta đoàn kết lại và hình thành nên kỷ nguyên mới.
5. Bối cảnh lịch sử khác biệt:
- Mốc thời gian: Các kỷ nguyên mới thường được đánh dấu bằng những mốc thời gian hoặc khoảng thời gian cụ thể.
- Bối cảnh lịch sử: Là điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa của khoảng thời gian ấy.
6. Cảm nhận về những hy vọng và khả năng:
- Khởi đầu mới: Với những cảm nhận lạc quan và phấn khích về tương lai nơi người dân.
- Cơ hội thay đổi: Niềm tin rằng kỷ nguyên mới mang lại cơ hội cho những thay đổi tích cực.
7. Học từ quá khứ:
Lý giải lại và học từ quá khứ: Một kỷ nguyên mới thường dẫn người ta đến việc xem xét và giải thích lại lịch sử, nhằm áp dụng những bài học từ quá khứ vào việc xây dựng tương lai.
8. Các kỷ nguyên luôn biến chuyển và thay đổi thường trực:
- Các kỷ nguyên luôn biến chuyển: Các kỷ nguyên mới không phải là những thực thể, trạng thái tĩnh mà chúng thường xuyên biến chuyển và thay đổi.
- Tính không thể tiên đoán: Tương lai là không chắc chắn, và những thách thức và cơ hội mới luôn xuất hiện.
9. Trải nghiệm chủ quan và cá nhân:
- Lăng kính cá nhân: Trải nghiệm của mỗi người về một kỷ nguyên mới là độc nhất vô nhị và hình thành bởi hoàn cảnh cá nhân của họ.
- Bối cảnh văn hóa và lịch sử: Cái cách mà người ta cảm nhận và giải thích một kỷ nguyên mới cũng chịu ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa và lịch sử của họ.
10. Dự cảm và phấn khích:
- Nhìn tới trước: Người ta thường nhìn tới trước, tới những kỷ nguyên mới, với đầy dự cảm và phấn khích.
- Sẵn sàng chấp nhận ẩn số: Sẵn sàng đón nhận những thách thức cũng như cơ hội mà tương lai mang lại.
*
* *
Lãnh đạo và truyền thông, báo chí ở ta đang nói nhiều về “kỷ nguyên mới”.
Vì sao? Dễ thấy rằng, sau 40 năm đổi mới, nền kinh tế nước nhà tuy đã đạt được những thành tựu quan trọng nhất định, song đưa nền kinh tế hiện tại trở thành nền kinh tế phát triển, đất nước giàu mạnh và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vẫn là mục tiêu đòi hỏi còn phải nỗ lực phấn đấu nhiều mới có thể vươn tới.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 đô la Mỹ, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015, nhưng vẫn thuộc nhóm nước có GDP bình quân đầu người trung bình thấp (dưới 4.255 đô la/năm).
Dự báo GDP bình quân đầu người cuối năm 2024 là 4.500 đô la (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ dẫn nguồn S&P) và đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 đô la. Nếu đạt, lúc đó đất nước mới ra khỏi nhóm nước thu nhập bình quân đầu người trung bình thấp để trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người trung bình cao (trên 4.255 đô la/năm). Và, để trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao (trên 14.000 đô la), đường còn rất dài và đòi hỏi còn phải nỗ lực gấp bội. Với điều kiện có một chiến lược, một mô hình phát triển đúng đắn để nhanh chóng bứt lên, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Nhìn lại thành tựu 40 năm đổi mới rồi nhìn tới, không ai không mong mau đến ngày ấy, đến kỷ nguyên đất nước phát triển. Nhưng ước vọng là một chuyện; giải pháp, biện pháp, cách thức để đạt mục tiêu, ước vọng mới là quyết định. Những giải pháp, biện pháp, cách thức đó đang được bàn hoặc đang triển khai, như tinh gọn bộ máy sao cho hiệu quả mà không lãng phí. Và còn bao nhiêu giải pháp, biện pháp khác?
Đối chiếu với 10 đặc điểm của một kỷ nguyên mới mà người ta đã tổng kết ở trên, bạn thấy chúng ta đã có những điều kiện nào? Và còn những gì có thể và phải chủ động thúc đẩy để ước vọng sớm thành hiện thực?
Xuân tới, mong sao!