(KTSG) - Đạo diễn Xuân Phượng đã được kênh BBC của Vương quốc Anh vinh danh là 1 trong 100 người phụ nữ có sức ảnh hưởng của năm 2024. Với các trải nghiệm trong chiến tranh như một bác sĩ quân y, là một đạo diễn phim tài liệu cũng như trở thành chủ phòng tranh Lotus và tác giả hồi ký Khắc đi… Khắc đến…, ở “cuộc đời thứ hai”, có thể nói bà đã có “một cuộc đời vô cùng trọn vẹn”. Kinh tế Sài Gòn vừa có cuộc trò chuyện cùng bà.
- Từ cựu binh tham chiến ở Việt Nam đến đạo diễn hàng đầu Hollywood
- Hậu trường sóng gió phim Tết của cặp đôi nhà sản xuất - đạo diễn
KTSG: Được biết gần đây bà được kênh BBC của Anh vinh danh là 1 trong 100 người phụ nữ có sức ảnh hưởng của năm 2024. Cảm xúc của bà khi nghe tin mình có tên trong danh sách như thế nào?
- Đạo diễn Xuân Phượng: Lẽ thường như mọi người thôi, khi được vinh danh thì tôi rất vui. Thời gian trước, tôi nhận được e-mail của một thành viên trong ban tổ chức, nhưng vì tiếng Anh không giỏi nên đã nhờ cháu mình ở nước ngoài xem hộ xem họ nhắn gì. Sau khi đọc qua thì nó bảo rằng “Bà hãy cẩn thận, sợ là lừa đảo đấy!” (Cười). Riêng tôi thì nghĩ mình đường đường chính chính, chả làm gì sai để người ta lừa gạt. Nếu họ có thiện chí như thế thì mình cứ trả lời thôi! Họ có lợi dụng thì đó là lỗi của họ chứ không phải mình. Tôi nghĩ thế, nên họ hỏi gì thì tôi phản hồi. Bẵng sau hai tháng, tôi nhận được hàng trăm tin nhắn chúc mừng từ bạn bè, người thân, gia đình… thì tôi mới biết việc mình lọt vào danh sách của BBC.
KTSG: Trong danh sách cũng có những người phụ nữ khác ở nhiều lĩnh vực. Bà có được truyền cảm hứng từ “những người bạn” này không?
- Có chứ. Khi nghe tin tôi khá tò mò muốn tìm xem mình được gọi tên cùng với những ai. Tôi thấy đó là những nhà bảo tồn động vật, những người tàn tật, những nhà văn, nhà làm điện ảnh... Ví dụ như nữ diễn viên Sharon Stone nổi tiếng với phim Bản năng gốc mà tôi rất thích vì sự chân thật, rất là con người. Tôi không ngờ mình được xếp hạng cùng cô ấy. Hay nhà văn của Afghanistan là một nhà văn tàn tật nhưng vẫn cố hết sức truyền tải sức mạnh thông qua từng câu chữ…
Được đứng cùng những nhân vật này tôi cảm thấy rằng thế giới có những lẽ tất nhiên, rằng điều này thì hơn điều kia nhưng tựu trung lại thì tất cả đều chung một khát vọng sống, khát vọng cống hiến hết mình và đến một độ tuổi nào đó thì có thể truyền cảm hứng cho những người khác nữa.
KTSG: Hãng thông tấn cho biết bà có một cuộc sống đầy biến động, nhưng đã mạnh mẽ bước tiếp một cách trọn vẹn để các thế hệ tiếp nối có thể nhìn vào như một tấm gương. Bà nghĩ thế nào về lời giới thiệu này?
- Có thể họ chỉ biết tôi qua những cuốn sách tôi viết hoặc phim tôi làm mà thôi! Nhưng nếu để nói một cách đầy đủ thì tôi có hai cuộc đời. Cuộc đời đầu là trong chiến tranh, khi tôi là một cô gái Huế sinh trưởng trong gia đình phong kiến nhưng đã can đảm vứt bỏ tất cả để theo đuổi công việc mà mình phải làm trong thời kỳ đó, tức là tham gia kháng chiến, đánh đuổi thực dân ra khỏi đất nước. Trong chiến khu biết bao lần nếm mật nằm gai thì tôi cũng đã trải qua một cách trọn vẹn. Cái gì tôi cũng làm được và phải cám ơn tuổi trẻ, thanh xuân và quyết tâm của bản thân mình. Bây giờ nhìn lại, tôi không nghĩ là mình đã làm được những điều đó, dù đóng góp của tôi chỉ là một phần rất nhỏ nhoi thôi.
Cuộc đời thứ hai của tôi là sau tuổi hưu. Theo tâm lý, nhiều bạn nghĩ thôi đã quá 60 rồi, làm gì nữa cho mệt, cứ ở nhà mà nghỉ ngơi thôi! (Cười). Nhưng với tôi không làm gì không có nghĩa là ngơi nghỉ. Khi được làm việc, được tiếp xúc với nhiều người, có băn khoăn, lo lắng, có chạy lo tất bật… thì lúc ấy tôi mới thật sự là đang nghỉ ngơi.
KTSG: Nếu mô tả thì cuộc đời thứ hai của bà sẽ như thế nào?
- Đó là cuộc đời của người phụ nữ muốn giới thiệu những họa sĩ chưa có tên tuổi đến với những người thưởng lãm ở nhiều châu lục. Việc tôi dám làm là đem những tác phẩm của những họa sĩ chưa ai từng biết, chưa có tên tuổi ra với thế giới. Tôi muốn giới thiệu nền mỹ thuật Việt Nam đương đại để bên ngoài thấy nước mình không chỉ có chiến tranh mà còn có một nền văn hóa riêng biệt. Lúc đầu rất vất vả, vô cùng khó khăn. Ai đọc Khắc đi… Khắc đến… sẽ hiểu. Cuộc đời cho đến bây giờ của tôi có thể nói là tràn đầy phấn khởi.
KTSG: Bà cũng vừa nhắc đến cuốn hồi ký mới nhất của mình. Gần đây Khắc đi... Khắc đến... cũng được trao giải Mai vàng. Bà có thể chia sẻ thêm về tác phẩm này không?
- Khắc đi… Khắc đến… viết về cuộc sống thứ hai như tôi đã nói. Tôi viết cái này hướng đến những doanh nghiệp trẻ của đất nước mình. Những người khi mới bắt đầu thì cũng sẽ gặp không ít khó khăn như tôi trải qua khi mới về hưu. Đấy là một “người bạn lớn tuổi” muốn viết để truyền kinh nghiệm cho những cá nhân vừa mới khởi nghiệp, cũng giống như cuốn trước đó Gánh gánh… gồng gồng… hướng đến lứa thế hệ trẻ hơn, vừa bước vào đời vậy.
Khi sách ra mắt tôi lại được đón tiếp nồng nhiệt ở nhiều nơi, từ Hà Nội, Huế cho đến Sài Gòn. Bạn đọc các tỉnh cũng viết thư về cho tôi nữa... Đến nay mới ra mắt chừng bốn tháng mà tôi đã tái bản lần thứ 3 rồi!
KTSG: Dành cho hội họa cả một cuốn sách trước các “sứ mệnh” khác của bà như quá trình làm phim. Có phải vì nó là trải nghiệm tuyệt vời nhất của bà?
- Thật ra tôi viết cuốn này vì thấy xúc động trước triển lãm của một cháu khuyết tật. Khi nhìn thấy những bức tranh ấy, nó làm tôi nhớ đến những năm tháng đầu tiên rẽ hướng của mình. Xin bật mí là đáng lẽ tôi định viết về việc làm phim trước, nhưng sự kiện này đã thay đổi tôi. Hội họa làm tôi xúc động, vì vậy mà tôi phải viết.
Viết văn cũng cần có những xúc động rung động nên trong quá trình cầm bút, tôi đã tự hỏi bản thân cuộc đời thứ hai của mình là gì? Nếu Gánh gánh… gồng gồng… là phần đời đầu tiên, thì cuộc đời thứ 2 là gắn liền với ngành hội họa. Nếu còn đủ can đảm và sức khỏe tôi sẽ viết tiếp về những năm tháng làm phim ở chiến trường cũng như một cuốn sách ghi dấu kỷ niệm với những người đã khuất, những người đã đi cùng tôi trong những năm tháng biến động. Năm mới 2025, mong rằng các bạn sẽ tiếp tục ủng hộ!
KTSG: Và hẳn là qua cuốn sách này bà cũng muốn gửi những lời ủi an đến những người đang trải qua cuộc đời thứ hai như mình?
- Vì những người bạn già của tôi thường sầu não, buồn bã nên qua cuốn sách, tôi muốn họ biết cuộc đời thứ hai vẫn hấp dẫn lắm! Vì cảm động trước những em bé tật nguyền vẫn còn màu sắc để vẽ, đi xe lăn mà vẫn sáng tạo nên tôi muốn gửi gắm thông điệp hy vọng vẫn luôn tồn tại trong thế giới này.
Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn đã và đang về hưu rằng hãy cứ yên lòng. Dẫu khi đã về hưu thì chúng ta vẫn sẽ có một cuộc đời trọn vẹn nếu không ngừng giữ cho bản thân một trái tim thanh xuân. Tuổi tác không phải là thứ khiến tâm hồn ta thôi làm việc. Hãy nghĩ rằng nếu ta giúp ích cho đời thì đó là điều tuyệt vời và cũng vô tình là tấm gương cho các bạn trẻ nhìn vào, từ đó trở thành nghị lực để bước tiếp cuộc đời. Tôi nghĩ chính hai điều đó là lý do tại sao người ta đã đặt hai chữ “trọn vẹn” khi giới thiệu tôi.