Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngẫm lại nguy và cơ trong kỷ nguyên mới

Lê Hoài Ân (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dù đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam vẫn cần nhìn thẳng vào những hạn chế cốt lõi nếu muốn đạt được tăng trưởng đột phá trong giai đoạn tiếp theo. Với cải cách thể chế phù hợp và tận dụng công nghệ, đất nước có thể đạt tăng trưởng bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình trong bối cảnh già hóa dân số và áp lực kinh tế ngày càng lớn.

Saigon Co.op xuất khẩu gần 70.000 USD hàng Việt sang Mỹ

Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; thứ 7 thế giới về gia công phần mềm và thứ 8 thế giới về xuất khẩu linh kiện điện tử. Đây là những kết quả đáng ghi nhận nhưng nó chỉ có ý nghĩa về mặt thống kê tăng trưởng. Ví dụ, ngành điện tử và sản xuất điện thoại - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu - lại nhập khẩu tới 89% giá trị linh kiện. Những con số này cho thấy Việt Nam đang ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị, chủ yếu đảm nhận gia công và cung cấp các dịch vụ phụ trợ. Đây không chỉ là thách thức mà còn là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải nâng cao năng lực nội tại để đạt được tăng trưởng bền vững.

Tăng trưởng bền vững trong bối cảnh dân số già

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng dài hạn, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề cốt lõi liên quan đến động lực tăng trưởng hiện tại. Trong đó, vai trò của xuất khẩu là yếu tố quan trọng đầu tiên cần được phân tích kỹ lưỡng. Quy mô xuất khẩu hiện bằng hơn hai phần ba GDP của Việt Nam, với những ngành gia công như điện thoại, linh kiện điện tử và dệt may đóng vai trò trụ cột. Tuy nhiên, phần lớn giá trị xuất khẩu nằm ở khâu sản xuất thô hoặc lắp ráp, trong khi giá trị nội địa chỉ đạt khoảng 30%. Đặc biệt, trong chuỗi cung ứng của Samsung - nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam - chỉ có 5/60 doanh nghiệp cấp 1 tại Thái Nguyên và 12/176 doanh nghiệp tại Bắc Ninh là của Việt Nam, còn lại đều là doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về việc Việt Nam có đang tối ưu hóa được cơ hội từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay không.

Khu vực FDI hiện đóng góp hơn 70% giá trị xuất khẩu, nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp nội địa chỉ đảm nhận vai trò cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, hoặc xử lý rác thải. Những đóng góp này, dù cần thiết, vẫn cho thấy khoảng cách lớn về năng lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Năm 2024 chúng ta xuất siêu gần 25 tỉ đô la Mỹ, nhưng thực tế xuất siêu của khu vực FDI lên đến hơn 50 tỉ đô la trong khi khu vực trong nước lại thâm hụt gần 26 tỉ đô. Bức tranh xuất siêu rõ ràng không màu hồng như chúng ta thấy trên các con số thống kê. Để giảm sự phụ thuộc này, Việt Nam cần thúc đẩy các chính sách liên kết chặt chẽ hơn giữa hai khu vực, đồng thời khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tăng giá trị nội địa, từ đó mới có thể hấp thụ được việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI và từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhìn rộng ra, tín dụng ngân hàng đóng vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời cũng tạo ra những rủi ro lớn. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đang phát triển có tỷ lệ nợ trên GDP cao trên thế giới và tỷ lệ đó liên tục tăng đều trong suốt nhiều thập niên qua. Việc bơm tín dụng góp phần thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, nhưng gánh nặng lãi vay đang ngày càng lớn. Điều này làm giảm khả năng chi tiêu của người dân và doanh nghiệp, đe dọa tăng trưởng trong dài hạn. Nợ của hệ thống ngân hàng sẽ tạo ra một khoản lãi mà xã hội sẽ gánh chịu, do đó nếu không thể sử dụng nguồn vốn này để gia tăng tốc độ tăng thu nhập cho quốc gia thì chi phí lãi vay sẽ khiến cho tiêu dùng ngày càng sụt giảm trong tương lai. Để giảm phụ thuộc vào tín dụng, Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động và tăng cường đầu tư vào sản xuất bền vững.

Dân số già hóa cũng đang trở thành thách thức lớn, khi tỷ lệ người cao tuổi dự kiến đạt 18% vào năm 2030. Điều này không chỉ làm suy giảm lực lượng lao động mà còn đe dọa tiêu dùng nội địa - động lực tăng trưởng chính trong một thập niên qua. Cụm từ “chưa giàu mà đã già” bắt đầu được nhắc đến ngày càng nhiều khi nói về vấn đề chúng ta chỉ còn là dân số trẻ trong một thập niên tới. Khi tiêu dùng giảm sút, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình càng trở nên hiện hữu hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết về những giải pháp dài hạn để thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng suất và mở rộng thị trường quốc tế.

Đó là những thực trạng mà chúng ta không thể chối bỏ, nhưng đằng sau đó cũng có nhiều cơ hội cho Việt Nam mà không dễ quốc gia nào có được, như lời các lãnh đạo nói về một thập niên chuyển mình. Việt Nam đang trở thành một quốc gia đặc biệt khi được cả Mỹ và Trung Quốc dành sự quan tâm sâu sắc. Mỹ xem Việt Nam như một nhân tố chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng kinh tế vượt bậc. Các tập đoàn lớn như Apple, Google và Microsoft… đang dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc lại coi Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu trong ASEAN, với kim ngạch thương mại song phương vượt 200 tỉ đô la mỗi năm. Cả hai cường quốc đều nhận ra vai trò trung tâm của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự quan tâm này mang đến cơ hội lớn, nhưng thành công sẽ phụ thuộc vào khả năng khai phá tiềm năng của Việt Nam.

AI có thể giải quyết vấn đề dân số già

Việc đối mặt với thách thức từ già hóa dân số không chỉ đòi hỏi cải cách cơ cấu kinh tế mà còn yêu cầu tận dụng các cơ hội từ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). AI đang nổi lên như một giải pháp mang tính đột phá, không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn hỗ trợ hiệu quả trong quản lý xã hội.

Dân số già thường đi kèm với những thách thức lớn, đặc biệt là khả năng chi tiêu thấp hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng nội địa - một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong thập niên qua. Tuy nhiên, lực lượng lao động già cũng mang lại lợi thế lớn về kinh nghiệm và chuyên môn. Nếu có thể phát huy những lợi thế này kết hợp với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam sẽ có cơ hội chuyển nguy thành cơ. AI có thể hỗ trợ tối ưu hóa khả năng làm việc của người cao tuổi thông qua các công cụ tự động hóa và hỗ trợ thông minh, giúp họ tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế. Ví dụ, các hệ thống AI có thể giúp người lao động lớn tuổi duy trì hiệu suất làm việc cao bằng cách cung cấp hỗ trợ phân tích dữ liệu, giảm thiểu các công việc nặng nhọc, hoặc tăng cường khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn. Điều này không chỉ giúp họ duy trì vị thế trong lực lượng lao động mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm này.

Để tận dụng AI và đón đầu làn sóng đầu tư FDI trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao, Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng lao động. Trong quá khứ, chúng ta từng bỏ lỡ cơ hội hấp thụ công nghệ từ các tập đoàn FDI lớn do chưa đầu tư đủ vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Làn sóng FDI lần này, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng cung ứng nhân lực chất lượng cao. Đó là lý do tại sao Nghị quyết 57, được ban hành cuối tháng 12-2024, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ và đầu tư R&D để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một hội nghị gần đây đã khẳng định rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng hai con số nếu thực hiện các cải cách thể chế mạnh mẽ. Các cải cách này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giảm các rào cản pháp lý cho doanh nghiệp công nghệ. Một số chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ đang phát huy hiệu quả, nhưng cần thêm các chính sách toàn diện hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó khai thác triệt để tiềm năng của công nghệ AI.

(*) CFA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới