(KTSG Online) - Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong thời gian tới, có thể ngư dân các tỉnh sẽ bị hạn chế đánh bắt hải sản khi Chính phủ có thể ra quy định mùa đánh bắt và kích thước đánh bắt đối với một số loại hải sản hiện nay.
- Mỹ viện trợ 12,5 triệu đô la giúp Việt Nam phòng chống khai thác IUU
- Chính phủ cảnh báo: Khả năng gỡ ‘Thẻ vàng’ IUU rất thấp nếu còn nhiều tàu cá vi phạm
Đây là thông tin đáng chú ý được đề cập trong Thông báo số 30/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị lần thứ XII Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Liên quan đến IUU, một trong những khó khăn hiện nay của ngành thủy sản là xử lý tình trạng tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản) tại nhiều địa phương ven biển.
Theo dữ liệu được cung cấp trong thông báo 30 nói trên, đến nay vẫn còn 888 tàu cá “3 không”, việc gia hạn, cấp phép khai thác thủy sản theo quy định vẫn còn chậm, kết quả xác minh, xử lý hành vi vi phạm ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), tàu cá hoạt động sai vùng vẫn còn thấp so với các vụ việc được phát hiện.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương việc kiểm soát chất lượng nhật ký khai thác chưa đảm bảo theo quy định (chủ yếu là hồi ký, ghi lại trên VMS).
Nguyên nhân của tình trạng này được Chính phủ chỉ ra là do hành lang pháp lý cho quản lý các hoạt động về khai thác, đánh bắt thủy sản chưa theo kịp với thực tiễn, quản lý còn cắt khúc theo lãnh thổ, thiếu cơ chế xử lý liên địa phương dựa trên dữ liệu dùng chung, chế tài xử lý chưa đủ mạnh để phòng ngừa các hành vi vi phạm, thiếu cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững…. Đây là tổng hợp nhiều nguyên nhân dẫn đến Việt Nam vẫn chưa được gỡ thẻ vàng IUU.
Sau khi phân tích những lý do, Chính phủ đang có kế hoạch tập trung đánh giá, rà soát, sửa đổi quy định pháp luật thuỷ sản (Luật Thuỷ sản 2017, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, Nghị định 38/2024/NĐ-CP…) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho quản lý các hoạt động về khai thác, đánh bắt thuỷ sản theo ngư trường, theo mùa sinh sản và kích thước thuỷ sản khai thác, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, có biện pháp quản lý liên địa phương để khắc phục tình trạng quản lý cắt khúc theo lãnh thổ, bổ sung thêm các chế tài xử lý vi phạm của chủ tàu, thuyền trưởng… trong thời gian tới.
Cũng trong thông báo nói trên, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến IUU và chuẩn bị kế hoạch tổng thể để làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 5.