(KTSG Online) - Hàng ngàn tỉ đồng đầu tư đã được rót vào các dự án giao thông lớn nhưng trong một số trường hợp, hiệu quả giải tỏa kẹt xe vẫn không đạt yêu cầu do cách điều tiết không đồng bộ, thiếu linh hoạt. Đây có thể xem là một kiểu “lãng phí kép” vì hiệu quả đầu tư chưa đạt và nền kinh tế gánh chịu thêm khoản tốn kém do kẹt xe gây ra.
- Kẹt xe khắp nơi, ‘nồi cơm’ tài xế xe công nghệ teo tóp
- Kẹt xe có thể thấy trước, sao cứ để dân lãnh đủ?
Mới đây, hai hầm chui tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TPHCM) đã được thông xe từ ngày 25 Tết Âm lịch. Người dân ở khu Nam Sài Gòn kỳ vọng việc hoàn thành dự án này sẽ giúp họ đi lại thông suốt, chấm dứt nạn kẹt xe triền miên hơn một năm qua do đóng nút giao này để thi công. Tuy nhiên, dù toàn bộ khu vực nút giao đã được khôi phục nguyên trạng, kèm thêm hai hầm chui nhưng giao thông chỉ thông thoáng mấy ngày trước và sau Tết Nguyên đán khi lưu lượng giao thông giảm mạnh.
Từ giữa tuần này, khi lượng xe cộ tăng trở lại thì khu vực giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ lại tái diễn tình trạng ùn ứ xe cộ vào giờ cao điểm sáng và chiều. Tại thời điểm hiện nay, vẫn còn một lượng lớn sinh viên chưa trở lại thành phố sau tết. Nếu lưu lượng xe tăng trở lại mức bình thường vào cuối tháng 2 này khi sinh viên trở lại trường thì tuyến đường Nguyễn Văn Linh với nhiều trường đại học lớn có thể còn ùn tắc nhiều hơn.
Nguyên nhân chính gây kẹt xe ở “giao lộ ngàn tỉ” này là do cách thiết lập đèn giao thông chưa hợp lý, vào giờ cao điểm có lúc xe cộ phải chờ tới 3 chu kỳ đèn mới qua được nút giao. Do đèn đỏ tới gần 90 giây trong khi đèn xanh chỉ hơn 30 giây, xe chưa kịp đi đã phải dừng chờ đèn tiếp và lại không có đèn cho xe máy (vốn rất đông đúc ở tuyến đường này) rẽ trái từ đường Nguyễn Hữu Thọ vào đường Nguyễn Văn Linh, khiến luồng xe nên xe cộ dồn ứ lại. Tại nhiều thời điểm, lượng xe dồn ứ nhiều đã gây kẹt dây chuyền, kéo dài từ giao lộ này đến vòng xoay gần đó(1).
Không riêng vì hầm chui nói trên, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trên suốt tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông (CT.01) từ Nhà Trang đến Cần Thơ cũng xảy ra nhiều vụ kẹt xe lan rộng ra quốc lộ 1A, nhiều nhất là tại một số nút giao từ quốc lộ 1A vào cao tốc thuộc địa phận các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang.
Dù năm nay Cục Cảnh sát giao thông (chịu trách nhiệm quản lý cao tốc) đã chủ động hơn trong việc điều tiết đóng - mở lối vào mỗi khi trên cao tốc có tai nạn hay sự cố nhưng phần tiếp theo lại chưa được điều tiết tốt. Trên các hội nhóm cập nhật tình hình kẹt xe trên cao tốc, nhiều tài xế cho biết, khi dòng xe từ cao tốc dồn ra quốc lộ 1A thì không ít trường hợp lực lượng cảnh sát giao thông địa phương (chịu trách nhiệm quản lý quốc lộ) điều tiết không đồng bộ.
Tình trạng phổ biến nhất là đèn giao thông không được điều chỉnh hợp lý, xe từ cao tốc ra quốc lộ chỉ có 25-30 giây đèn xanh trong khi đến 90-120 giây đèn đỏ. Cách thiết lập đèn giao thông ưu tiên cho luồng xe trên quốc lộ này hợp lý trong điều kiện giao thông bình thường nhưng khi lượng lớn xe cộ dồn ra từ cao tốc mà chu kỳ đèn không được thay đổi linh hoạt hay điều khiển giao thông trực tiếp thì kẹt xe lan rộng rất nhanh.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, nhiều tài xế chia sẻ do kẹt xe mà đi từ Cần Thơ lên TPHCM mất 7 tiếng, từ TPHCM đi Đà Lạt mất 12 tiếng, đi Nha Trang mất 20 tiếng… do cả cao tốc lẫn quốc lộ đều kẹt xe kéo dài nhiều kí lô mét.
Một nguyên nhân gây kẹt xe cao tốc nữa cũng cần được điểm danh chính là trạm thu phí tự động không dừng (ETC). Người viết bài này trực tiếp ghi nhận khi đi từ Vĩnh Long lên TPHCM vào chiều mùng 4 Tết, dòng xe kẹt kéo dài nhiều cây số trước trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa thuộc cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại trạm thu phí Long Phước thuộc cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (2).
Lý do ùn tắc xe tại trạm thu phí do lỗi kỹ thuật khiến không đọc được tem thu phí, tài khoản ETC của xe không đủ tiền qua trạm, máy đọc chập chờn khiến xe phải dừng lại chờ... Dù tên gọi là “thu phí tự động không dừng” và thông tin công bố là xe chạy qua trạm tốc độ 30km/g nhưng thực tế, không ít xe phải chạy với tốc độ thấp hơn nhiều hay gần như dừng hẳn khi qua trạm. Ngày thường thì có thể không ảnh hưởng nhưng trong dịp lễ tết khi lượng xe tăng cao thì điều này khiến trạm thu phí thành điểm gây tắc nghẽn.
Ngoài lỗi kỹ thuật, tình trạng ùn xe tại trạm thu phí còn do cách điều phối thiếu linh hoạt. Phía trước sau trạm thu phí luôn có một khu vực đậu xe rộng, với xe không đọc được tem hay không đủ tiền trong tài khoản ETC cần đưa ngay xe ra đậu ở khu đó để nhân viên trạm làm việc thay vì để đậu chờ trước barie gây ùn tắc cho đoàn xe phía sau.
Thế nhưng, đó cũng chỉ là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài thì cần triển khai nhanh giao đoạn 3 của kế hoạch thu phí không dừng mà Bộ Giao thông Vận tải đã đặt ra. Ở giai đoạn 3, trạm thu phí sẽ trang bị thiết bị đọc phía trên, không còn barie để xe có thể chạy qua với tốc độ cao. Song song với việc bỏ barie thì cần thêm chính sách “thu phí nguội” đối với các xe qua trạm mà không trừ được tiền trong tài khoản ETC.
Điều này không khó vì với 100% bảng số xe ô tô đã định danh chủ xe và gần 100% dân số có căn cước công dân gắn chip, thêm vào đó là 95% xe hơi có tài khoản ETC thì việc thu phí nguội kèm theo lãi suất phạt chậm trả như các nước khác không có gì khó khăn cả. Cách thu phí ETC chậm trả nên áp dụng như cách thu tiền phạt nguội vi phạm giao thông đang áp dụng hiện nay, xe nào còn nợ phí ETC thì sẽ bị từ chối đăng kiểm.
Những chuyện “nhỏ” như chu kỳ đèn giao thông, cải tiến trạm thu phí, điều tiết giao thông linh hoạt… sẽ góp phần tiết kiệm rất lớn cho nền kinh tế. Khi giảm được kẹt xe thì doanh nghiệp và người dân giảm được chi phí vận chuyển, xăng dầu, thời gian, hao mòn xe cộ…
Chỉ riêng TPHCM, theo tính toán công bố năm 2022 của Sở Giao thông Vận tải và Viện Nghiên cứu phát triển, tình trạng kẹt xe khiến mỗi năm TPHCM thiệt hại khoảng 6 tỉ đô la Mỹ, tức khoảng 150.000 tỉ đồng (3). Như vậy, tổng thiệt hại mà nền kinh tế Việt Nam phải gánh chịu vì kẹt xe còn lớn hơn gấp nhiều lần con số này.
Hàng trăm ngàn tỉ đồng ngân sách đã được đầu tư vào công trình giao thông lớn như cao tốc, nút giao, cầu, hầm... Tuy nhiên, nếu sau khi đầu tư mà vẫn không giải toả kịp lưu lượng giao thông chỉ vì cách quản lý vận hành thì điều đó cũng phải xem là lãng phí cần sớm chấm dứt.
------------------------
(1) https://thanhnien.vn/nut-giao-lon-nhat-khu-nam-tphcm-da-thong-sao-duong-van-chua-thoang-185250206110153418.htm
(2) https://tuoitre.vn/giai-ma-nguyen-nhan-ket-xe-o-tram-thu-phi-cao-toc-tp-hcm-long-thanh-dau-giay-20250124134022664.htm
(3) https://thanhnien.vn/tp-hcm-mat-6-ti-usd-moi-nam-do-ket-xe-1851477406.htm