(KTSG Online) - Mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ mà Tổng thống Donald Trump mới công bố sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến Canada, Mexico và các nhà xuất khẩu thép lớn ở châu Á gồm Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản.
- Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép: Thép Việt vẫn có cơ hội xuất khẩu trong ngắn hạn nhưng cần gấp rút chuẩn bị cho tương lai
- Ông Trump sắp áp thuế 25% với nhôm thép bán vào Mỹ
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2024/03/Thep-la-mat-hang-cua-Trung-Quoc-bi-nhieu-nuoc-ap-thue-chong-ban-pha-gia.jpg)
Tối 10-2, theo giờ Mỹ, Tổng thống Donald Trump ký hai sắc lệnh áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm bán vào Mỹ từ tất cả các nước, có hiệu lực vào ngày 4-3 tới. Các sắc lệnh này cũng loại bỏ các miễn trừ áp thuế nhôm thép trước đây đối với một số đối tác thương mại.
Các sắc lệnh còn áp đặt một tiêu chuẩn mới của Bắc Mỹ, yêu cầu thép nhôm nhập khẩu vào Mỹ phải được “nấu chảy” và “đổ đúc” trong khu vực. Mục đích của động thái này có thể là hạn chế dòng thép Trung Quốc được chế biến tối thiểu chảy vào Mỹ thông qua các nước thứ ba.
Giá cổ phiếu công ty thép của Mỹ tăng vọt
Động thái áp thuế mới nhất của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ làm hài lòng các nhà sản xuất thép hàng đầu của Mỹ như U.S. Steel, Cleveland Cliffs và Nucor, tất cả đều chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh kể từ khi ông Trump tuyên bố tuần trước rằng sẽ áp thuế nhôm thép. Chốt phiên giao dịch 10-2, cổ phiếu của Cleveland Cliffs tăng gần 18% còn cổ phiếu của U.S. Steel và Nucor lần lượt tăng gần 5% và 6%.
Trong năm 2024, Mỹ nhập khẩu thép từ 79 quốc gia và nhôm từ 89 quốc gia. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, tổng giá trị nhập khẩu của những mặt hàng này là hơn 49 tỉ đô la. Các nhà sản xuất thép của Mỹ đang vật lộn khi nhu cầu sản phẩm giảm mạnh do lượng hàng nhập khẩu giá rẻ ồ ạt đổ vào, buộc doanh nghiệp phải giảm giá và đóng cửa nhà máy. Gần 25% tổng lượng thép sử dụng ở Mỹ đến từ nguồn nhập khẩu.
Tuy nhiên, những công ty khác của Mỹ, vống đang sử dụng các thành phần nhôm thép nhập khẩu trong quá trình sản xuất cho rằng, mức thuế quan mới sẽ làm tăng chi phí đầu vào, cuối cùng dẫn đến giá hàng hóa của họ tăng cao.
Hội đồng Thương mại quốc gia Mỹ, một tổ chức đại diện cho các công ty lớn của Mỹ nhận xét, thuế nhôm thép của ông Trump sẽ gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh và làm tăng chi phí của các nhà sản xuất Mỹ.
Dữ liệu chính thức cho thấy, lượng thép nhập khẩu của Mỹ giảm đáng kể trong thập niên qua, giảm tổng thể 35% từ năm 2014 đến năm 2024, dù năm ngoái lượng thép nhập khẩu tăng 2,5%, lên 26,2 triệu tấn. Nguyên nhân có thể do mức thuế nhôm thép được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Tuy nhiên, lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ tăng 14% trong thập niên qua.
“Ban đầu, thuế nhôm thép sẽ gây tổn hại nhu cầu ở Mỹ nhưng về lâu dài, chúng ta có thể thấy đầu tư vào ngành thép trong nước tăng lên”, nhà phân tích James Campbell của công ty tư vấn hàng hóa CRU chia sẻ với hãng tin CNBC.
Campbell cho biết, kể từ đợt áp thuế nhôm thép đầu tiên của ông Trump vào năm 2018, Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư vào cả lĩnh vực thép và nhôm.
ArcelorMittal (Luxembourg), nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất ở bang Alabama của Mỹ để cung cấp cho ngành ô tô. Hyundai Steel của Hàn Quốc cũng lên kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Mỹ.
Các nhà phân tích của ngân hàng J.P. Morgan dự báo, thuế quan bổ sung đối với nhôm nhập khẩu có thể thúc đẩy sản lượng nhôm hàng năm của Mỹ tăng tăng từ gần 750.000 tấn lên khoảng 1 triệu tấn. Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhôm nhập khẩu do nhu cầu hàng năm trong nước lên tới khoảng 5 triệu tấn.
Theo Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, thuế quan sẽ giúp ích cho các nhà sản xuất thép và nhôm trong nước, củng cố nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/Cac-nuoc-xuat-khau-thep-lon-nhat-sang-My-nam-2024.jpg)
Những bên bị ảnh hưởng lớn nhất
Thuế nhôm thép mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu từ các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Trong năm 2024, Canada là nước cung cấp thép nhập khẩu hàng đầu của Mỹ, tiếp theo là Brazil v à Mexico. Canada cũng là nước xuất khẩu nhiều nhôm nhất sang Mỹ.
Bộ trưởng Công nghiệp Canada, François-Philippe Champagne chỉ trích, thuế nhôm thép đối với Canada là “hoàn toàn vô lý”. Ông lưu ý, nhôm thép của Canada hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng ở Mỹ gồm quốc phòng, đóng tàu, năng lượng và ô tô.
Ông cho biết, chính phủ Canada đang tham khảo ý kiến của các đối tác quốc tế và cam kết sẽ đưa ra phản ứng “rõ ràng và có cân nhắc”.
Các nhà xuất khẩu nhôm thép ở châu Á cũng hứng đòn thuế mới nhất của ông Trump. Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản lần lượt là những nhà xuất khẩu thép lớn thứ 4, 5 và 6 sang Mỹ trong năm ngoái. Nhập khẩu thép từ Việt Nam của Mỹ tăng hơn 140% trong năm 2024, theo phân tích của CNBC dựa vào dữ liệu thương mại của Mỹ.
Ngay trước thông báo áp thuế của ông Trump, Quyền Tổng thống kiêm Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choi Sang-mok đã chủ trì cuộc họp với các quan chức chính phủ cấp cao để thảo luận về những hậu quả tiềm tàng từ thuế nhôm thép mới của Mỹ và cách phản ứng.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất thép Hàn Quốc giảm mạnh vào hôm 10-2 sau khi đón nhận thông tin Tổng thống Donald Trump sắp công bố mức thuế nhôm thép 25%.
Giá cổ phiếu của POSCO Holdings giảm tới 3,6% xuống còn 230.500 won, mức thấp nhất kể từ tháng 10-2022, trong khi giúa cổ phiếu của Hyundai Steel giảm 2,9%, xuống mức thấp kỷ lục. Trong phiên giao dịch sáng này, giá cổ phiếu của công ty này chỉ giảm nhẹ.
Tại Việt Nam, cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành thép như HPG giảm 4,7%, HSG giảm 4,5% và NKG giảm 3,6% trong phiên giao dịch hôm 10-2.
Mục tiêu chính là Trung Quốc
Những người ủng hộ thuế nhôm thép mới của Mỹ cho rằng, hành động áp thuế quan rộng rãi là cần thiết để chống lại cái gọi là hoạt động trung chuyển nhôm thép từ Trung Quốc. Theo đó, một số nước nhập khẩu sản phẩm nhôm thép thô từ Trung Quốc, sau đó chế biến và bán sang Mỹ. Bằng cách này, nhôm thép có nguồn gốc Trung Quốc có thể né thuế quan của Mỹ.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, sắc lệnh thuế nhôm thép áp dụng toàn cầu được thiết kế để bịt các lỗ hổng và nhiều miễn trừ giúp một số nhà nhập khẩu gian lận hệ thống. Quan chức này cho biết thêm, tiêu chuẩn thép nhập khẩu vào Mỹ phải được tinh luyện ở Bắc Mỹ sẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc và Nga trung chuyển các sản phẩm nhôm thép thô sang Canada và Mexico để hoàn thiện rồi xuất khẩu sang Mỹ để né thuế quan.
Trung Quốc không xuất khẩu nhiều thép hoặc nhôm trực tiếp sang Mỹ do các mức thuế quan tăng dần lên qua nhiều đời tổng thống. Tháng tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã tăng mức thuế hiện hành đối với nhiều sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc lên tới 25 %.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang thống trị ngành nhôm thép toàn cầu. Các nhà máy hiện đại, công suất lớn của nước này sản xuất nhôm và thép này với sản lượng nhiều hơn phần còn lại của thế giới.
Gần đây, xuất khẩu nhôm thép của Trung Quốc đang tăng lên vì nền kinh tế gặp khó khăn, làm giảm nhu cầu trong nước. Nhiều thành phần nhôm thép giá rẻ của Trung Quốc được bán sang Canada và Mexico để hoàn thiện và gia tăng giá trị trước khi xuất khẩu sang Mỹ.
Trung Quốc cũng vận chuyển khối lượng lớn thép bán thành phẩm sang nước khác để hoàn thiện rồi sau đó tái xuất khẩu. Sự gia tăng xuất khẩu của nước này khiến các nhà sản xuất và công đoàn lao động trong ngành nhôm thép của Mỹ bất bình.
Tình trạng dư thừa căn hộ trống hiện nay ở Trung Quốc do khủng hoảng bất động sản đã làm đình trệ hoạt động xây dựng, vốn tiêu thụ rất nhiều thép. Để tránh phải đóng cửa, các nhà máy của Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu thép sang các nước trên toàn thế giới, chấp nhận bán thép với mức giá ngày càng thấp.
Vì vậy, không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác gồm Brazil, Canada, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đều tăng thuế đáng kể đối với các sản phẩm thép từ Trung Quốc trong năm qua để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Theo Reuters, CNBC, NY Times