Thứ tư, 12/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán toàn cầu ‘phớt lờ’ cuộc chiến thuế quan

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Kể từ đầu năm, thị trường cổ phiếu của khu vực Trung Quốc mở rộng (gồm Hồng Kông), châu Âu và Mexico đều tăng vượt trội so với chỉ số S&P 500 của Mỹ.

Diễn biến này cho thấy, các thị trường chứng khoán trên toàn cầu dường như không lo ngại rủi ro chiến tranh thương mại bùng lên sau hàng loạt sắc lệnh và lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhân viên làm việc ở Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức). Tính đến hôm 7-2, chỉ số DAX của Đức tăng hơn 9% trong năm nay. Ảnh: Faz.net

Tính từ đầu năm đến hôm 7-2, các chỉ số chứng khoán chuẩn ở Mexico, khu vực Trung Quốc mở rộng và châu Âu tăng vượt trội, xét theo giá trị đô la Mỹ, so với chỉ số S&P 500, theo dõi cổ phiếu của 500 công ty vốn hóa lớn tiêu biểu của Mỹ.

Riêng thị trường chứng khoán Canada có phần yếu hơn nhưng vẫn đang tăng điểm trong năm nay. Điều này cũng dễ hiểu vì kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đóng góp gần 20% GDP hàng năm của Canada trong khi mối đe dọa thuế quan của Mỹ vẫn treo lơ lửng. Tổng thống Donald Trump chỉ tạm thời hoãn áp thuế đối với hàng hóa Canada trong 1 tháng.

Diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu gợi lên nhiều ẩn ý. Nhà đầu tư cổ phiếu có thể cho rằng, ông Trump chỉ dụng thuế quan như một công cụ để gây áp lực, buộc các đối tác thương mại đưa ra các nhượng bộ giúp đáp ứng mục tiêu của ông về thương mại và an ninh biên giới liên quan đến nạn nhập cư trái phép và buôn lậu ma túy. Khi các đối tác nhượng bộ, như trường hợp của Canada và Mexico, ông sẽ rút lại đe dọa thuế quan.

Nhà đầu tư cũng có thể lập luận rằng, thuế quan sẽ không tác động quá lớn đến lợi nhuận của các công ty đại chúng. Hoặc họ cho rằng, tổn thất lợi nhuận trong tương lai của các công ty này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong những tháng trước đây khi xác suất đắc cử tổng thống của ông Trump tăng lên.

Dù suy luận theo hướng nào, có một điều chắc chắn là chưa có bằng chứng cho thấy, cú sốc thuế quan gây ra chấn động lớn đối với các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu.

Chứng khoán châu Âu lên mức cao kỷ lục

Nền kinh tế châu Âu đang mắc kẹt trong tình trạng trì trệ và đối mặt với lời đe dọa áp thuế tiếp theo của Tổng thống Trump, có thể khiến triển vọng của khu vực phụ thuộc vào thương mại này tồi tệ hơn. Tuy nhiên, cổ phiếu ở châu Âu đang tăng giá mạnh

Tính đến hôm 7-2, chỉ số DAX của Đức tăng hơn 9% trong năm nay tính theo đô la, và chỉ số CAC 40 của Pháp tăng khoảng 8%. Các mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 2,45% của chỉ số S&P 500 trong cùng thời gian. Các chỉ số chứng khoán của châu Âu chưa bao giờ tăng dẫn trước chỉ số S&P 500  với mức chênh lệch lớn như vậy kể từ năm 2015, theo Dow Jones Market Data.

Cổ phiếu của ngân hàng Société Générale (Pháp), ngân hàng Banco Santander (Tây Ban Nha), cùng các thương hiệu xa xỉ Burberry (Anh) và Richemont (Thụy Sĩ) nằm trong số các phiếu lớn có hiệu suất hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay.

Chốt phiên giao dịch 10-2, chỉ số STOXX Europe 600 của châu Âu tăng 0,58%, lên mức điểm cao kỷ lục nhờ đà tăng giá mạnh của cổ phiếu ngành dầu khí.

Thị trường cổ phiếu châu Âu dậy sóng ở thời điểm không ngờ tới. Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) kết thúc năm 2024 với mức tăng trưởng kinh tế bằng 0. Và trong tuần trước, ông Trump tuyên bố ông sẽ sớm áp thuế quan vào hàng hóa từ Liên minh châu (EU) sau khi ban đầu tập trung đòn thuế vào Canada, Mexico và Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự hội tụ của nhiều yếu tố đang thúc đẩy thị trường chứng khoán châu Âu.

Nhà đầu tư kỳ vọng, sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump sẽ củng cố nền kinh tế, giúp chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trưởng vượt trội. Nhưng niềm tin đó bị lung lay sau sự nổi lên của công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo DeepSeek của Trung Quốc và doanh thu ảm đạm của các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Alphabet và Microsoft. Điều đó thúc đẩy nhà đầu tư xem xét lại các thị trường không được ưa chuộng như châu Âu và châu Á.

Trong khi đó, triển vọng chính trị, kinh tế và lợi nhuận của châu Âu đang được cải thiện. Các kỳ vọng về việc ông Trump sẽ giúp Ukraine và Nga đàm phán lệnh ngừng bắn cũng thúc đẩy thị trường cổ phiếu, đặc biệt là ở các nước Đông Âu.

Một điểm hấp dẫn nữa là chứng khoán châu Âu đang được định giá rẻ hơn nhiều với chứng khoán Hoa Kỳ. Theo Sở giao dịch chứng khoán London (LSEG), chỉ số S&P 500 được giao dịch ở mức gấp 22 lần thu nhập dự kiến ​​trong 12 tháng tới, so với mức khoảng 14 lần của chỉ số Stoxx Europe 600, theo dõi cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn tiêu biểu ở châu Âu.

Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và đồng đô la cũng là tin tốt cho nhiều công ty lớn ở châu Âu, có doanh thu cao từ thị trường Mỹ cao hơn so với doanh thu tạo ra trong khu vực.

Một động lực khác là kỳ vọng các ngân hàng trung ương ở châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm thêm lãi suất trong những tuần gần đây, trong khi Fe giữ nguyên. Chi phí vay thấp hơn thường có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng và có thể thu hút nhiều nhà đầu tư hơn vào thị trường chứng khoán.

Bảng điện hiện thị giá cả chứng khoán bên ngoài Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Ảnh: The Standard

Chứng khoán Trung Quốc vẫn vững vàng

Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Compsite đang tăng 1,7% trong năm nay kể từ khi thị trường mở cửa trở lại hôm 5-2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong phiên giao dịch sáng 11-2, chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông có lúc tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng dù thị trường đang “tiêu hóa” thông tin về sắc lệnh áp thuế nhập khẩu nhôm thép 25% của ông Trump. Chỉ số này Hang Seng, bao gồm cổ phiếu của nhiều công ty lớn của Trung Quốc, tăng hơn 12% trong tháng qua giữa lúc ông Trump đe dọa rồi hoãn áp thuế với hàng hóa từ Canada và Mexico. Đối với nhà đầu tư, diễn biến này cho thấy các nước có thể thương lượng để giải quyết mối đe dọa thuế quan của Mỹ.

Mức thuế bổ sung 10% của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc cũng như đòn thuế trả đũa của Bắc Kinh đã có hiệu lực. Dù hiện tại, có rất ít tiến triển hướng tới một thỏa thuận thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, vẫn còn kỳ vọng về một sự độ phát giúp giải quyết bất đồng giữa hai bên.

“Ông Trump vốn là một doanh nhân nên sẽ có những thỏa thuận được thực hiện vào một thời điểm nào đó. Đó là lý do tại sao các thị trường chứng khoán chỉ phản ứng vừa phải (trước các lời đe dọa áp thuế)”, Prashant Bhayani, giám đốc đầu tư khu vực châu Á của BNP Paribas Wealth Management bình luận.

Cũng trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD, niêm yết ở Hồng Kông, có lúc tăng vọt 4,5% lên mức cao nhất mọi thời. Nhà đầu tư hào hứng mua cổ phiếu của BYD khi công ty này công bố kế hoạch trang bị các tính năng trợ lái tiên tiến trên hầu hết các mẫu xe trong tương lai mà không tính thêm chi phí. BYD cũng sẽ tích hợp phần mềm AI của Deepseek vào phiên bản cao cấp nhất của hệ thống trợ lái. Giá cổ phiếu của BYD đã tăng hơn 20 % trong năm nay, trong khi cổ phiếu Tesla lại giảm giá 13 %.

Đằng sau sự trỗi dậy của thị trường chứng khoán Hồng Kông là dòng tiền từ các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục. Dữ liệu cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc đã rót 19,3 tỉ đô la Mỹ vào chứng khoán Hồng Kông trong năm nay, cao hơn 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chỉ số FTSE Mexico của Mexico đang tăng 5,17% trong năm nay. Chỉ số này phục hồi và tăng cao hơn sau khi chính phủ Mexico thuyết phục được ông Trump hoãn áp mức thuế 25% lên hàng hóa từ nước láng giềng. Ngân hàng Barclays kỳ vọng, chứng khoán Mexico có thể tăng 25% trong năm nay nhờ mức định giá rẻ và sáng kiến của Tổng thống Claudia Sheinbaum về thu hút vốn đầu tư trị giá 277 tỉ đô la vào 2.000 dự án trong nước.

Alexander Altmann, người đứng đầu bộ phận chiến lược cổ phiếu toàn cầu của ngân hàng Barclays khuyến nghị rằng, đây là thời điểm để bán chứng khoán Mỹ để chuyển sang các thị trường khác bao gồm châu Âu. Theo Altmann, chứng khoán Mỹ đang đối mặt với nhiều rủi ro, chẳng hạn như những bất ổn về triển vọng kinh tế trong nước và lợi nhuận chỉ tập trung ở một số ít công ty công nghệ.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn nghi ngờ liệu chứng khoán châu Âu và Trung Quốc đang tạo ra bước ngoặt quan trọng hay không.

“Mỹ vẫn là nơi đáng đầu tư. Hiện nay rất khó để không đầu tư vào Mỹ trừ khi bạn có thể chứng minh rằng, kinh tế châu Âu và Trung Quốc sẽ tăng tốc trở lại”, Luca Paolini, giám đốc chiến lược của Pictet Asset Management nói.

 Theo Financial Times, Wall Street Journal, Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới