Chủ Nhật, 16/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Điểm nghẽn nào cần gỡ để ĐBSCL ‘hút’ vốn FDI?

Đinh Tấn Phong (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù là khu vực có nhiều tiềm năng nhưng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại sụt giảm liên tục. Thêm vào đó, tình trạng thiếu các dự án công nghệ cao khiến các địa phương gặp khó trong việc nâng cao năng suất lao động để tạo sức bật phát triển trong bối cảnh mới.

Long An là địa phương thu hút vốn FDI hàng đầu ở khu vực ĐBSCL. Trong ảnh: Cảng quốc tế Long An. Ảnh: VGP

Nhiều năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được xác định là vùng có vị trí chiến lược, vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại khu vực trong thời gian dài chưa có nhiều khởi sắc. Không chỉ số lượng dự án và số vốn đăng ký mới ngày càng sụt giảm, việc chưa hút hút được những nhà đầu tư chiến lược, sở hữu công nghệ cao, tạo sức bật mới cho vùng cũng là một điểm nghẽn dai dẳng.

 Lượng vốn và dự án đổ vào ngày càng ít

Mặc dù được cho là sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng lượng vốn đầu tư FDI chảy vào ĐBSCL thời gian qua không những không khởi sắc mà còn có xu hướng sụt giảm liên tục. Về tỷ trọng vốn đầu tư FDI của ĐBSCL so với các vùng kinh tế xã hội khác (Hình 1) có thể thấy, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, tỷ trọng này luôn có chiều hướng suy giảm. Cụ thể, từ năm 2014-2015, tỷ trọng vốn đầu tư FDI của ĐBSCL so với cả nước tăng từ 4,55% lên 15,17%, nhưng từ năm 2015 lại giảm liên tục đến năm 2019.

Sau đó, đến năm 2020, mặc dù tỷ trọng tăng lên 19,69% so với mức 5,39% vào năm 2019 nhưng từ năm 2021 trở đi, tỷ trọng này lại tiếp tục giảm đến năm 2023 chỉ còn khoảng 3,18%, thấp nhất trong vòng 10 năm.

Bên cạnh xu hướng giảm về tỷ trọng, giá trị tuyệt đối của dòng vốn đăng ký FDI tại ĐBSCL dù có ít nhiều khởi sắc nhưng cũng chưa thật sự đột phá (Hình 2). Cụ thể, số vốn FDI đăng ký vào năm 2015 của ĐBSCL là hơn 3,6 tỉ đô la, tăng hơn 2,6  tỉ đô la so với năm 2014.

Thế nhưng, cũng từ 2015 trở đi đến 2019, dòng vốn FDI của ĐBSCL giảm liên tục về mức 2,1  tỉ đô la. Trong giai đoạn 2020-2021, số vốn đầu tư tại ĐBSCL có sự bứt phá lên mức hơn 6,1  tỉ đô la (2020) và 5,6  tỉ đô la (2021), cao nhất trong vòng 10 năm.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của thành tích này là nhờ việc thu hút được các dự án năng lượng mới tại Bạc Liêu. Từ năm 2022 trở đi, dòng vốn FDI đổ vào ĐBSCL tiếp tục “nhỏ giọt”, đến năm 2023 toàn bộ 13 địa phương trong vùng chỉ thu hút được 1,2  tỉ đô la, gần bằng mức thấp nhất vào năm 2014. Điều lưu ý là, Long An luôn chiếm hơn 60% số vốn đăng ký trong tổng số này.

Về số dự án, kết quả thống kê cho thấy, ngoài Long An do vị trí thuận lợi giáp với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, 12 tỉnh, thành còn lại của ĐBSCL thu hút đầu tư kém hiệu quả, các dự án thu hút luôn dưới 10 dự án, có địa phương nhiều năm chỉ thu hút được 1-2 dự án, thậm chí có năm không thu hút được dự án nào.

Đơn cử như năm 2023, ĐBSCL thu hút được 142 dự án nhưng Long An chiếm đến 122 dự án (chiếm đến 84,7% tổng số dự án), còn lại hai tỉnh là Đồng Tháp và An Giang không thu hút được dự án nào.

Thực tế trên cũng tương tự đối với số vốn đăng ký FDI của ĐBSCL, quan sát Hình 3 có thể thấy, Long An cũng là địa phương đóng góp nhiều nhất trong tổng số vốn đăng ký FDI của vùng, luôn dao động từ khoảng 500 triệu - 1  tỉ đô la trong khi các địa phương còn lại chỉ vài chục triệu đô la.

Tóm lại, những con số thống kê cho thấy, hiệu quả thu hút FDI của ĐBSCL là rất thấp nếu so với tỷ lệ dân số, diện tích, tiềm năng và vị trí chiến lược của vùng. Trong khi tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, FDI là một động lực chính, rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, khu vực này đóng góp đến 1,32 điểm %, tương đương 21,33% cho tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2015 và 1,54 điểm %, tương đương 21,33% và 24,71% cho tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.

Ngoài tác động đến tăng trưởng kinh tế, khu vực FDI còn giúp thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới, từ đó cải thiện năng suất sản xuất, cũng như tạo thêm việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Do đó, việc suy giảm đầu tư FDI tại ĐBSCL là xu hướng đáng rất quan ngại.

Chất lượng các dòng vốn chưa tạo đột phá

Nhìn chung trong thời gian qua, ĐBSCL không phải điểm đến ưu tiên của những ngành sản xuất tiên tiến, thâm dụng công nghệ cao, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến khu vực chưa thể “cất cánh”.

Cụ thể, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đến năm 2021 cho thấy, lượng vốn và dự án đầu tư FDI vào ngành nông, lâm, thủy sản tại ĐBSCL rất nhỏ và ít, trong khi đây lại là khu vực kinh tế thế mạnh và nhiều tiềm năng của ĐBSCL. Theo đó, số dự án FDI ngành nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 2,6% số dự án và 0,7% tổng vốn đầu tư.

Thay vào đó, các dự án FDI tại ĐBSCL chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 80,9% số dự án). Đây cũng là ngành dẫn đầu về tổng vốn đăng ký, với 13,86 tỉ đô la (chiếm 41,4% tổng vốn đăng ký).

Đứng thứ hai là các dự án năng lượng, với nhiều dự án có quy mô vốn lớn như: Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Cần Thơ), nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh, dự án nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu... với tổng vốn đăng ký trên 13  tỉ đô la (chiếm 38,9% tổng vốn đăng ký). Đứng thứ ba là ngành hoạt động kinh doanh bất động sản, tổng vốn đăng ký 2,4  tỉ đô la (chiếm 7,2%).

Tuy nhiên, theo Báo cáo Quy hoạch vùng ĐBSCL của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của vùng hiện có đến 90% liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm. Với ngành chế tạo, hầu hết các dự án FDI tại khu vực lại chủ yếu thuộc lĩnh vực da giày và may mặc tập trung ở Long An và Kiên Giang, không mang lại giá trị cao. Trong khi đó, vùng lại thiếu vắng đáng kể các dự án công nghệ cao, thâm dụng tri thức.

Không có các dự án FDI công nghệ cao sẽ rất khó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng suất lao động, khó tạo sức bật cần thiết cho sự phát triển của ĐBSCL trong bối cảnh mới. Quan sát Hình 6 có thể thấy năng suất lao động của ĐBSCL tăng rất chậm và rất thấp so với mặt bằng chung cả nước, đứng thứ 5/6 vùng kinh tế - xã hội (chỉ cao hơn Tây Nguyên khoảng 20 triệu đồng/lao động).Theo Báo cáo Quy hoạch vùng ĐBSCL, một đặc điểm nổi bật của các dự án FDI tại khu vực là giá trị tương đối cao của nguyên liệu nhập khẩu đi vào khâu lắp ráp cuối cùng, ước tính khoảng 50% - 60% đối với xuất khẩu may mặc và da giày.

Ngoài ra, điểm đáng lưu ý khác của đầu tư FDI trong vùng là số lượng công ty liên doanh vẫn còn ít (trên 80% doanh nghiệp FDI là công ty 100% vốn nước ngoài) và liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn còn kém (chỉ khoảng 1/4 khối lượng nguyên liệu đầu vào cho các công ty FDI được cung cấp bởi doanh nghiệp trong nước, phần lớn chủ yếu đến từ các công ty có vốn nước ngoài khác).

Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu cả về vốn, công nghệ và khả năng quản lý nên các đối tác nước ngoài thường không mặn mà khi liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Thực trạng này dẫn đến các doanh nghiệp trong nước chưa thể tận dụng để chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các đối tác nước ngoài trong chuỗi giá trị, hệ quả là tỷ lệ gia tăng giá trị nội địa của sản phẩm cuối cùng luôn rất thấp.

Tựu trung lại có thể khẳng định, khu vực FDI tại ĐBSCL chưa thật sự là nền tảng, chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế của vùng. Bức tranh FDI khiêm tốn tại ĐBSCL là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hạn chế về năng lực công nghệ, quản lý của các doanh nghiệp địa phương, cũng như năng suất của lực lượng lao động của vùng.  

Tìm giải pháp nâng chất và lượng trong đầu tư FDI?

Để cải thiện về lượng vốn và dự án FDI, những vấn đề cấp thiết nhất là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược FDI đối với những ngành, lĩnh vực công nghệ cao, quy mô lớn.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện nhóm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển ĐBSCL, những cơ chế đột phá về thu hút đầu tư như khấu trừ chi phí R&D, thủ tục đầu tư đặc thù, hỗ trợ tài chính… nên là những cơ chế ưu tiên được xem xét đến.

Về cải thiện chất lượng dòng vốn đầu tư, chính quyền địa phương cần trở thành bên trung gian thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước - doanh nghiệp FDI để dòng vốn FDI trở thành xung lực quan trọng nâng cao năng lực về công nghệ, cũng như trình độ quản lý của các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thực hiện được mục tiêu trên, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải tự nâng cao năng lực nội tại để có thể kết nối theo chiều sâu với các doanh nghiệp FDI, tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và tri thức, giúp tăng dần tỷ trọng trong chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm cuối cùng. Đặc biệt, các tỉnh ĐBSCL cần phải tăng cường liên kết trong mời gọi đầu tư FDI, tránh tình trạng cạnh tranh bằng mọi giá, dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực như thời gian qua.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với các thành tựu về phát triển khoa học công nghệ là cơ hội để vùng ĐBSCL chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả trong chuỗi giá trị của thị trường. Theo đó, vùng cần tận dụng tốt các dòng vốn FDI thu hút được để đổi mới phương thức sản xuất đã lạc hậu. Với đội ngũ lao động trẻ, năng động, ĐBSCL có đầy đủ tiềm năng và lợi thế trong việc chuyển đổi cho kịp xu hướng hiện đại này.

---------------------------------

(*) Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

1 BÌNH LUẬN

  1. Trung ương Đảng nên có quan điểm phát triển công nghiệp, khkt thu hút FDI thay vì nông nghiệp là chính để có hỗ trợ như đồng bằng sông hồng. Phát triển nhanh cảng Trần Đề, cần Thơ làm trung tâm dịch vụ, khoa học kỹ thuật, tài chính.. với các khu, cụm công nghiệp xung quanh ví như nhiều visip cần thơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới