(KTSG) - Định giá của nhóm cổ phiếu ngành thủy sản thường có mối tương quan khá cao với biến động giá bán ra bình quân của các doanh nghiệp trong ngành. Do vậy, nhà đầu tư nên quan sát và theo dõi kỹ diễn biến giá bán ra của các doanh nghiệp thủy sản để quyết định thời điểm phù hợp đầu tư cổ phiếu nhóm ngành này.
- Diễn biến mức sinh lời các cổ phiếu ngành thủy sản
- ‘Sốt ruột’ chờ trung tâm chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL

Tình hình kinh doanh phân hóa
Trong năm 2024, thủy sản là một trong những nhóm ngành có hiệu suất đầu tư tăng trưởng kém hơn so với thị trường chứng khoán chung (tăng 10,3% so với mức tăng 12,1% của chỉ số VN-Index).
Cùng với đó, ngành này cũng ghi nhận sự phân hóa rõ rệt giữa các cổ phiếu trong nội bộ ngành. Mặc dù các doanh nghiệp ngành tôm ghi nhận sự tăng trưởng kết quả kinh doanh khá tích cực so với mức nền thấp của năm trước, nhưng hiệu suất đầu tư của cổ phiếu ngành này lại không vượt trội so với thị trường chung, thậm chí còn giảm.
Các yếu tố như chi phí nguyên liệu đầu vào tăng và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ quốc tế khiến nhà đầu tư chưa quá lạc quan về triển vọng ngắn hạn của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành tôm còn gặp khó khăn do Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng này của Việt Nam trong năm 2024.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành cá tra lại có hiệu suất đầu tư tương đối tốt, đặc biệt ở các cổ phiếu lớn, dẫn đầu ngành như VHC của Công ty cổ phần (CTCP) Vĩnh Hoàn và ANV của CTCP Nam Việt. Các doanh nghiệp này duy trì được lợi thế cạnh tranh vững chắc nhờ vào việc cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Năm 2024, doanh thu nội địa của Vĩnh Hoàn tăng 26%, chiếm 28% tổng doanh thu, trở thành một điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này giúp Vĩnh Hoàn giảm bớt rủi ro phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu, vốn thường chịu tác động lớn từ biến động chính sách thương mại và các yếu tố địa chính trị.
Cụ thể hơn, năm 2024, Vĩnh Hoàn thu về tổng cộng 12.487 tỉ đồng doanh thu, tăng 25,3% so với năm trước đó. Doanh thu tại thị trường nội địa lẫn quốc tế của doanh nghiệp này đều chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ.
Trong năm 2024, thị phần cá tra tại Mỹ đã tăng mạnh nhờ chiếm thêm thị phần cá hồi và cá rô phi khi người tiêu dùng Mỹ không muốn chi trả mức giá cao cho sản phẩm cá hồi. Hiện giá cá tra đang duy trì ở mức thấp nhất trong tốp 12 cá fillet nhập khẩu tại Mỹ.
Với việc Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực, Vĩnh Hoàn được kỳ vọng sẽ hưởng lợi đáng kể từ các chính sách thương mại mới có thể được áp dụng dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao đối với mặt hàng thủy sản Trung Quốc sẽ tạo ra khoảng trống thị trường lớn, mở ra cơ hội để cá tra Việt Nam với lợi thế giá cả cạnh tranh và chất lượng ổn định có thể chiếm lĩnh thị phần (trong chu kỳ trước khi cá rô phi phải chịu mức thuế 20% so với mức thuế 0% đối với cá tra, nhu cầu đối với mặt hàng cá tra đã tăng vọt).
Ngoài ra, việc nguồn cung cá thịt trắng toàn cầu đang trong xu hướng suy giảm, bao gồm các loại cạnh tranh trực tiếp với cá tra như cá rô phi và cá tuyết, càng củng cố lợi thế cạnh tranh của Vĩnh Hoàn.
Tuy nhiên, cần lưu ý, chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ cũng có thể áp dụng ở mức 10-20% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, qua đó đặt ra thách thức làm giảm khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam so với sản phẩm nội địa Mỹ. Do vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao và tối ưu hóa chi phí để duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.
Bên cạnh việc tận dụng lợi thế tại các thị trường xuất khẩu, Vĩnh Hoàn cũng đã mở rộng đáng kể doanh thu tại thị trường trong nước. Năm 2024, doanh thu nội địa của Vĩnh Hoàn tăng 26%, chiếm 28% tổng doanh thu, trở thành một điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này giúp Vĩnh Hoàn giảm bớt rủi ro phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu, vốn thường chịu tác động lớn từ biến động chính sách thương mại và các yếu tố địa chính trị. Đây là chiến lược quan trọng giúp Vĩnh Hoàn duy trì sự ổn định và linh hoạt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động khó lường.
Theo dõi sát mức giá bán ra
Bước sang năm 2025, ngành thủy sản của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có sự cải thiện. Với mặt hàng cá tra, sản lượng tiêu thụ nhiều khả năng sẽ tăng trưởng ổn định (mặc dù có yếu tố rủi ro về mặt thuế quan) do giá cả phù hợp với việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Ngoài ra, tỷ giá dự kiến tăng cũng sẽ phần nào hỗ trợ cho doanh thu xuất khẩu trong khi giá thức ăn chăn nuôi dự kiến tiếp tục ở mức thấp sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp thủy sản.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất là Vĩnh Hoàn có thể tăng 28% so với cùng kỳ trong năm 2025 nhờ kỳ vọng giá bán bình quân sẽ dần cải thiện từ mức 3,15 đô la Mỹ/ki lô gam trong năm 2024 lên 3,3 đô la Mỹ/ki lô gam (tăng 5%) trong năm 2025.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Nam Việt dự kiến cũng sẽ tăng nhờ các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là thị trường Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 20% doanh thu của doanh nghiệp) phục hồi từ mức thấp của năm trước.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm là CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế có thể chỉ đạt mức 15% với giả định biên lợi nhuận gộp và tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý (SG&A)/doanh thu tiếp tục đi ngang, phản ánh kỳ vọng về chi phí vận chuyển sẽ duy trì ở mức cao cũng như ghi nhận ảnh hưởng từ thuế chống trợ cấp. Tuy vậy, sự tập trung cho thị trường Nhật Bản với việc mở rộng công suất có thể cũng là một yếu tố đáng chú ý đối với Thực phẩm Sao Ta trong năm 2025.
Về mặt định giá, trên sàn chứng khoán, nhóm ngành thủy sản hiện đang được giao dịch với mức P/E 2025 khoảng 11 lần, cao hơn mức P/E trung bình lịch sử quanh mức 9 lần, đồng thời thấp hơn mức đỉnh 15 lần khi giá bán bình quân cá tra khi đó đạt 5 đô la Mỹ/ki lô gam (cao hơn 30% so với mức giá hiện tại). Qua quan sát, định giá của nhóm cổ phiếu ngành thủy sản thường có mối tương quan khá cao với biến động giá bán ra bình quân của các doanh nghiệp trong ngành.
Do vậy, nhà đầu tư nên quan sát và theo dõi kỹ diễn biến giá bán ra của các doanh nghiệp thủy sản để quyết định thời điểm phù hợp đầu tư cổ phiếu nhóm ngành này. Cổ phiếu được đánh giá cao trong ngành vẫn là VHC nhờ vị thế dẫn đầu tại thị trường Mỹ với hơn 40% thị phần cá tra; lợi nhuận vượt trội so với các đối thủ và sự đa dạng trong các mảng kinh doanh khác nhau của doanh nghiệp (bán hàng nội địa, thức ăn, collagen và gelatin).