Thứ ba, 25/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tổng Bí thư đề xuất thành lập ‘Quỹ nhà ở quốc gia’

Bình Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để tăng tốc giao dịch bất động sản, thu hút vốn vào thị trường, thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng, Tổng Bí thư đề xuất thành lập “Quỹ nhà ở quốc gia” nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi họp. Ảnh: TTXVN

Chiều 24-2, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng năm 2025, đặt ra mức từ 8% trở lên nhằm tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, TTXVN đưa tin.

Về vấn đề đất đai bất động sản, Tổng Bí thư cho rằng cần có chính sách giúp tăng tốc giao dịch bất động sản, thu hút vốn vào thị trường, thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng của quốc gia.

Ông đề ra một số giải pháp như hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đồng bộ cho đô thị; xây dựng hệ thống bản đồ số quốc gia về quy hoạch và giá đất. Đặc biệt, Tổng Bí thư đề xuất cần thành lập "Quỹ nhà ở quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1-2025, việc triển khai đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đang đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, cả nước đã có 645 dự án với tổng quy mô 581.218 căn hộ được triển khai.

Trong đó, có 96 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với 57.652 căn, 135 dự án khởi công với 115.630 căn và 414 dự án được phê duyệt với quy mô 407.936 căn.

Đối với chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỉ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỉ đồng. Trong đó, có khoảng 2.162 tỉ đồng cho chủ đầu tư vay và 198 tỉ đồng cho người mua nhà.

Gần đây, Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, gồm một nửa sẽ đến từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nửa còn lại từ ngân sách địa phương.

Mặc dù vậy, việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn gặp nhiều khó khăn do thủ tục phức tạp, lãi suất cao và nguồn vốn không ổn định.

Để giải quyết khó khăn trên, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay ưu đãi, xem xét nâng thời hạn vay ưu đãi và nghiên cứu mở các hạn mức tín dụng​ đối với khoản vay phù hợp.

Đồng thời, bộ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đảm bảo nguồn vốn luôn đủ và thủ tục cho vay được rút gọn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các gói vay ưu đãi.

Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhất trí với 10 giải pháp chiến lược do Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đề xuất, đánh giá cao các ý kiến đóng góp giúp định hướng quyết sách phát triển bền vững.

Tổng Bí thư cho rằng, cần thúc đẩy kinh tế từ cả phía cung và cầu, tháo gỡ rào cản, đặc biệt quan tâm khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế cùng đóng góp vào tăng trưởng.

Theo ông, Việt Nam cần cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí kinh doanh và điều kiện kinh doanh không cần thiết để trở thành một trong 3 môi trường đầu tư hấp dẫn nhất tại ASEAN trong 2-3 năm tới.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất khung pháp lý chuyên biệt cho kinh tế số, AI, tài chính công nghệ, xây dựng cơ chế đặc thù cho đặc khu kinh tế, phát triển “Cảng miễn thuế,” “Cổng một cửa đầu tư quốc gia,” thúc đẩy khoa học - công nghệ, xử lý ô nhiễm.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, cần thu hút nhân tài, khen thưởng cán bộ xuất sắc, loại bỏ người kém năng lực, tăng cường phân cấp, phân quyền và ứng phó già hóa dân số.

Ông cũng đề nghị đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp hóa nông nghiệp, điều chỉnh chính sách hạn điền, mở rộng chính sách tài khóa, linh hoạt tiền tệ để không bỏ lỡ cơ hội phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới