Thứ hai, 7/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thấy gì từ thực trạng gạo Việt ‘xả hàng’ lúc rớt giá và khan hàng khi tăng?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cách đây một tháng, các bộ, ngành và địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải họp khẩn để “giải cứu” ngành lúa gạo khi giá giảm mạnh ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Đến nay, giá đã ‘đảo chiều’ tăng mạnh trở lại thì các doanh nghiệp không còn gạo để bán… Thực trạng này cho thấy, để ngành lúa gạo có chiến lược dài hơi để tối ưu giá trị sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn.

Vừa rớt giá thảm, Việt Nam đã hết gạo để bán. Ảnh: Trung Chánh

Giá tăng lại không còn gạo để bán!

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho biết thị trường lúa gạo thay đổi rất nhanh, chỉ hơn một tuần qua, giá lúa gạo đã tăng khoảng 1.000 đồng/kg.

Theo đó, giá lúa Đài Thơm 8 tại ruộng được thương lái mua 7.000-7.100 đồng/kg; OM 18 6.900-7.100 đồng/kg; OM 5451 có giá 6.100-6.300 đồng/kg; IR 50404 5.800-6.000 đồng/kg; OM 380 là 5.800-5.900 đồng/kg; DS1 8.200-8.500 đồng/kg và RVT là 8.200-8.400 đồng/kg.

Tại hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết ngay đầu năm 2025, giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL từ mức 8.000 đồng/kg nhanh chóng giảm xuống còn 7.000 đồng/kg và có lúc xuống còn 5.500 đồng/kg. Nhưng hai tuần trở lại đây, giá đã bật tăng mạnh trở lại, trong đó, gạo xuất khẩu giá đã vượt 500 đô la Mỹ/tấn nhưng không có để bán. Các kho của doanh nghiệp mở cửa nhưng không mua được gạo.

Vị chủ tịch VFA nhấn mạnh, gạo Việt đã có chỗ đứng trên thị trường, nhất là với những chủng loại Việt Nam có thế mạnh, trong đó, gạo ST có giá 780-790 đô la Mỹ/tấn nhưng hiện không có nguồn cung để bán cho thị trường Trung Quốc. “Trung Quốc rất cần, nhưng không có”, ông nói.

Trong khi đó, hai giống Đài Thơm 8 và OM 18 là giống lúa “độc quyền” của Việt Nam mà Philippines rất thích ăn. “Khi họ thích rồi họ sẽ mua”, ông Nam nói và dẫn chứng, hơn một tuần trở lại đây, nhà nhập khẩu Philippines trả giá 510 đô la Mỹ/tấn, nhưng phía Việt Nam vẫn không bán, trong khi cách đây một tháng chỉ bán được 430-440 đô la Mỹ/tấn.

Cơ cấu giống khác biệt đã giúp gạo Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường, thậm chí Thái Lan đã qua nghiên cứu thị trường Philippines, nhưng họ thừa nhận không thể cạnh tranh được với Việt Nam ở thị trường này.

Rõ ràng, gạo Việt Nam chiếm một vị thế rất quan trọng trong thương mại gạo toàn cầu nhờ tạo được sản phẩm khác biệt, với chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, gạo Việt vẫn không ít lần bị nhà nhập khẩu ép giá.

Cần có cơ chế tiếp cận vốn linh hoạt hơn để doanh nghiệp gạo không chịu áp lực xả hàng. Ảnh: Trung Chánh

Để không bị áp lực… “xả hàng”

Như đã phân tích ở trên, Việt Nam đã tạo được phân khúc sản phẩm gạo riêng biệt và có chỗ đứng quan trọng ở nhiều thị trường, nhưng vì sao vẫn bị đối tác nhập khẩu ép giá?

Cách đây đúng một tháng, Chính phủ đã triệu tập lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL để thảo luận về xuất khẩu gạo khi giá giảm mạnh cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, giá tăng và các nhà nhập khẩu muốn mua cũng khó. Đâu là lý do của thực trạng này?

Rõ ràng, áp lực tiêu thụ một lượng lúa quá lớn của khoảng 1,5 triệu héc ta diện tích vụ đông xuân ở vùng ĐBSCL trong thời gian ngắn, rộ đồng trong 40-50 ngày là lý do khiến giá giảm mạnh như thực tế đã diễn ra.

Vậy làm thế nào để giảm áp lực, tức hạn chế được tình trạng nhà nhập khẩu ép giá?

Ông Hà Nam cho rằng, bình quân hàng tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt tối thiểu cũng hơn 500.000 tấn, nhưng lượng xuất khẩu cao nhất hàng năm thường rơi vào tháng 4 và 5 của vụ đông xuân. Do đó, việc giải ngân vốn vay của ngân hàng cần linh hoạt, phù hợp với tính mùa vụ của ngành hàng lúa gạo để giảm bớt áp lực bán ra, tức tránh bị nhà nhập khẩu ép giá.

“Chúng tôi mong muốn việc cho vay của ngân hàng cũng linh hoạt theo, bởi định mức cho vay theo thời vụ, thì doanh nghiệp mới có khả năng mua hàng trữ lại, tránh áp lực buộc phải xả hàng dẫn đến bị nước ngoài ép giá”, ông cho biết.

Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH lương thực thực phẩm xuất nhập khẩu miền Nam, cho biết đối với nguồn vốn vay mua lúa gạo, ngân hàng hiện áp dụng cho vay thời gian 3-6 tháng, trong đó, doanh nghiệp được xếp loại khá và tốt được vay 6 tháng và 3 tháng với doanh nghiệp không ổn định.

Trong khi đó, từ khi có hợp đồng đến mua gạo chế biến doanh nghiệp mất 30 ngày để chuẩn bị và thêm khoảng 40 ngày giao hàng đối với trường hợp bán hàng cho thị trường châu Phi và thêm 45 ngày để tiền được chuyển về. Điều này, khiến doanh nghiệp bị áp lực buộc phải "xả hàng" càng nhanh càng tốt để đáo nợ ngân hàng. “Tốc độ bán hàng chúng ta phải nhanh mới lấy được tiền trả nợ ngân hàng”, ông nói.

Doanh nghiệp chịu áp lực buộc phải xả hàng, trong khi vụ đông xuân hàng năm, để tiêu thụ hết lượng lúa khoảng 10 triệu tấn, tương đương 5 triệu tấn gạo ở ĐBSCL, doanh nghiệp có thời gian chưa đến 60 ngày, dẫn đến giá giảm mạnh khi rộ đồng, nhưng tăng cao khi kết thúc vụ thu hoạch như thực tế diễn ra hàng năm.

Từ vấn đề nêu trên, doanh nghiệp kiến nghị phía ngân hàng nên có chính sách kéo dài thời gian trả nợ để doanh nghiệp bán gạo có thời gian xử lý, tránh bị nhà nhập khẩu nước ngoài ép giá, giúp bảo vệ ngành lúa gạo trong nước. “Để ngành lúa gạo ổn định, Chính phủ phải can thiệp với Ngân hàng Nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời nâng thời gian vay lên 9-12 tháng”, ông kiến nghị.

Thiết nghĩ, để gia tăng sức chịu đựng của ngành hàng lúa gạo, phía Ngân hàng cần nghiên cứu lại thời gian để doanh nghiệp tiếp cận vốn được linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm mang tính mùa vụ của ngành. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thời gian đàm phán bán gạo được giá tốt hơn thay vì phải bán bằng mọi giá để có tiền trả nợ ngân hàng như thực tế diễn ra hiện nay...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới