(KTSG Online) - Giá vàng thế giới và trong nước bất ngờ diễn biến bất thường từ giữa tháng 4, cho thấy rủi ro của thị trường vàng nói riêng và lo ngại về ổn định vĩ mô đang lớn dần.
- Một tuần thị trường vàng ‘chao đảo’ do ảnh hưởng bão thuế
- Vàng lên 118 triệu/lượng, khách xếp hàng dài chờ mua

Nhu cầu tăng đột biến
Giá vàng tiếp tục tăng sốc trong sáng ngày 18-4. Vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 120 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 117 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 1,5 triệu đồng chiều mua vào và 2 triệu đồng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Còn giá vàng nhẫn trơn thì khoảng 117 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Diễn biến cũng tương tự ở các công ty vàng khác, nhưng giá vàng nhẫn cũng tiến sát mốc 120 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng tiếp tục tăng sốc sau diễn biến xếp hàng mua vàng hôm qua. Một điểm khác biệt của ngày hôm nay là vàng nội địa vẫn tiếp tục tăng mạnh trong khi giá vàng thế giới lại đang điều chỉnh giảm.
Ở thị trường thế giới, giá vàng giao ngay sáng ngày 18-4 (theo giờ Việt Nam) giảm mạnh 2,2% rồi sau đó phục hồi hiện lên mức 3.327 đô la Mỹ/ounce, theo số liệu Kitco. Trong khi đó, thị trường vàng nội địa đã có ngày “dậy sóng” hôm qua, với diễn biến xếp hàng mua vàng khi giá tăng cao kỷ lục tái diễn, trong bối cảnh giá vàng nội địa kéo dài mạch tăng trong suốt 3 ngày.
Ghi nhận thực tế cho thấy việc xếp hàng diễn ra từ sớm, khách xếp hàng đông nhưng cửa hàng không đủ để bán. Trước nhu cầu tăng đột biến và lượng vàng cung ứng hạn chế, tiệm chỉ cho mỗi khách mua tối đa 1 chỉ, nếu mua vàng miếng thì đăng ký để lấy sau. Ở một số chi nhánh, người dân được thông báo đã hết vàng miếng từ sớm.
Khảo sát tâm lý người mua cho thấy đa phần khách hàng mua vì “sợ giá vàng còn tăng nữa”. Tâm lý này càng thúc đẩy nhu cầu thị trường tăng lên đột biến. So với vùng đáy gần nhất vào ngày 8-4, giá vàng miếng đã tăng 20 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 20%.

Bình luận về thị trường, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học kinh tế TPHCM, cho rằng hiện tượng “sợ bỏ lỡ” này diễn ra trong bối cảnh nhiều người dân đã đem vàng đi bán ở vùng giá 103 triệu đồng trong đợt đầu tháng 4, sau đó chờ giá giảm để mua vào.
Khi đó cũng xuất hiện tín hiệu ngược chiều, ghi nhận giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng giá nội địa lại giảm khoảng 1 triệu đồng, chủ yếu do lực bán ra khá nhiều. Tuy nhiên, sau đó giá thế giới lại tiếp tục tăng mạnh, khiến nhiều người phải mua vào lại, ngay cả những người chờ giá thấp cũng không chờ được nữa.
“Kết quả là tạo ra lực cầu đột biến trong vài ngày qua, đi kèm theo giá thế giới cũng tăng rất mạnh, đặc biệt là phiên ngày 17-4 cũng là một trong những phiên tăng cao nhất lịch sử giá vàng thế giới”, ông Huân nói.

Thận trọng với diễn biến bất thường
Rủi ro thị trường được các chuyên gia là đánh giá đã lên ở mức cao, khi nhìn vào con số chênh lệch giữa giá bán và giá mua của nhà vàng, cũng như mức chênh lệch giữa giá nội địa và giá thế giới. “Hiện nay, việc mua vào rủi ro rất cao vì hiện tại giá trong nước và quốc tế chênh lệch khá lớn”, ông Huân nói.
Vấn đề là giá thế giới lại tăng quá mạnh, trong khi nguồn cung nội địa hiếm hoi và nhu cầu mua trong nước tăng đột biến. Điều này càng góp phần kéo giãn con số chênh lệch với giá nội địa. Với mức giá sáng nay, mức chênh lệch với giá thế giới lên đến 15 triệu đồng, tăng thêm 2 triệu đồng so với hôm qua, trong khi năm ngoái có thời điểm lên đến 18 triệu đồng.
Con số chênh lệch lớn khiến nhiều người lại đặt câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp để bình ổn giá vàng. Giữa năm ngoái, NHNN bắt đầu bán vàng bình ổn thông qua đầu mối là các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh, nhưng nay đã ngừng lại.

Trong bối cảnh hiện nay, thách thức lớn đối với cơ quan quản lý đối mặt không chỉ là giá vàng thế giới tăng cao bất thường, quan trọng hơn là các chính sách thuế quan từ Mỹ, cũng như những ảnh hưởng đến tỉ giá, buộc cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải có cách tiếp cận sẽ phải "rất thận trọng" trên thị trường vàng.
Trước đó vào đầu tháng 4, giá vàng vượt mốc mốc 3.166 đô la Mỹ/ounce, sau đó có đợt điều chỉnh mạnh, tương ứng giảm 6,6%, rồi tăng liên tục tới vùng đỉnh cao nhất như hiện nay. Đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính sách thuế đối ứng, vàng tiếp tục tăng mạnh, và gần đây nhất là câu chuyện của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn tỏ ý lo ngại lớn về lạm phát.
Ông John Reade, Giám đốc Chiến lược Thị trường của Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong bài phỏng vấn hồi đầu tháng 4, cho rằng các yếu tố địa chính trị bao gồm việc phi đô la hóa, các lệnh trừng phạt kinh tế và những lo ngại về lạm phát đã thúc đẩy hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương.
Đại diện WGC cho rằng thị trường vẫn phải chờ xem giá vàng có thể duy trì ở mức cao lịch sử này hay không, dù một điều chắc chắn là vai trò của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. “Mặc dù các rủi ro gia tăng và sự bất ổn đã thúc đẩy tâm lý tích cực đối với vàng, nhưng để giá vàng duy trì ở mức cao một cách ổn định, cần có sự gia tăng nhu cầu đầu tư”, ông John Reade bình luận.