Thứ tư, 21/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cú hích pháp lý cho kinh tế tư nhân – từ Trung Quốc đến Việt Nam

Nguyễn Ngọc Phương Hồng - Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong lúc Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị với cam kết rõ ràng, mạnh mẽ về phát triển kinh tế tư nhân thì tại Trung Quốc, cam kết tương tự đã được luật hóa thành một đạo luật riêng, rất cụ thể và có hiệu lực ngay trong năm 2025.

Kinh tế tư nhân cần một môi trường pháp lý rõ ràng, ổn định, có thể dự báo và đội ngũ cán bộ thừa hành tử tế. Ảnh: LÊ VŨ

Luật hóa cam kết - cú hích của Trung Quốc dành cho kinh tế tư nhân

Vốn được xem là bộ phận quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa, kinh tế tư nhân (KTTN) đã sớm được ghi nhận trong Hiến pháp và đặc biệt được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng lần thứ 18 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trước năm 2025, thúc đẩy phát triển KTTN ở nước này chủ yếu là dưới dạng chính sách và quy định của địa phương. Phải đến tháng 7-2024, sau khi được Hội nghị Trung ương 3 khóa 20 đề xuất, việc xây dựng pháp luật hướng đến thúc đẩy KTTN mới được tiến hành.

Qua ba lần thảo luận, Luật Thúc đẩy KTTN chính thức được thông qua vào ngày 30-4-2025 và sẽ có hiệu lực từ ngày 20-5-2025. Không phải là một đạo luật mang tính hình thức, luật này được thiết kế để giải quyết những “nỗi đau” mà khu vực KTTN đang đối mặt, từ rào cản tiếp cận thị trường, hạn chế trong tiếp cận tài chính, cho đến gánh nặng chi phí tuân thủ và sự bất định của chính sách.

Ngay từ bản dự thảo đầu tiên, các nhà lập pháp Trung Quốc đã xác định rõ rằng phát triển KTTN một cách bền vững và chất lượng cao đòi hỏi sự thúc đẩy về mặt lập pháp. Trong suốt quá trình lấy ý kiến, tư tưởng thượng tôn pháp luật được thống nhất là yếu tố cốt lõi bởi chỉ có pháp luật mới tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và đáng tin cậy. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc củng cố nền tảng pháp lý, định hình kỳ vọng dài hạn và thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp. Đây cũng là đạo luật đầu tiên ở Trung Quốc được xây dựng chuyên biệt để điều chỉnh trực tiếp vấn đề hỗ trợ và thúc đẩy khu vực KTTN.

Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân là một phép thử đối với quyết tâm cải cách thể chế của Trung Quốc và họ đã vượt qua. Giờ là lúc Việt Nam đứng trước chính bài kiểm tra đó...

Bên cạnh việc kế thừa các nguyên tắc truyền thống, đạo luật này cho thấy một bước tiến rõ rệt trong tư duy lập pháp khi lựa chọn cách tiếp cận dựa trên vấn đề (problem-based). Thay vì chỉ dừng lại ở định hướng chung hay các chính sách khuyến khích tổng thể, luật tập trung vào các quy định cụ thể mang tính giải pháp, nhằm trực tiếp xử lý những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của KTTN. Từ đó, luật góp phần củng cố tính minh bạch, công bằng, khả năng dự báo và ổn định của môi trường kinh doanh.

Với 9 chương, 78 điều, Luật Thúc đẩy KTTN được thiết kế cấu trúc nội dung tương ứng với từng nhóm vấn đề. Theo đó, chương đầu tiên đặt nền móng, làm rõ tính chính danh của KTTN, khẳng định vai trò quan trọng và bảo đảm địa vị pháp lý bình đẳng, cơ hội phát triển ngang bằng với các loại hình kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hiện đại. Đáng chú ý ở phần này là cam kết của Nhà nước Trung Quốc đối với việc bảo vệ và thúc đẩy KTTN, đổi lại yêu cầu về tuân thủ, hỗ trợ, cũng như sự đồng lòng và ủng hộ của KTTN đối với Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong công cuộc phát triển đất nước.

Phần còn lại của đạo luật tập trung giải quyết các rào cản cụ thể đang kìm hãm sự phát triển của khu vực KTTN. Trước hết, chương 2 và 3 xử lý vấn đề phân biệt đối xử và rào cản thị trường. Luật thiết lập hệ thống rà soát cạnh tranh công bằng, ngăn chặn hành vi loại trừ KTTN khỏi các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Luật yêu cầu áp dụng cơ chế tiếp cận thị trường thống nhất với danh mục “cấm - trừ” (negative list) theo nguyên tắc tư nhân được tự do đầu tư, kinh doanh trong mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm, kể cả tham gia vào các dự án, lĩnh vực trước đây chỉ mở cửa cho khu vực nhà nước. Đến năm 2025, danh mục này chỉ còn 106 ngành nghề, giảm mạnh so với con số 152 ngành nghề vào năm 2020, góp phần mở rộng đáng kể không gian kinh doanh cho khu vực tư nhân.

Đạo luật này cho thấy một bước tiến rõ rệt trong tư duy lập pháp khi lựa chọn cách tiếp cận dựa trên vấn đề (problem-based). Thay vì chỉ dừng lại ở định hướng chung hay các chính sách khuyến khích tổng thể, luật tập trung vào các quy định cụ thể mang tính giải pháp, nhằm trực tiếp xử lý những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, nguyên tắc công bằng trong tiếp cận nguồn vốn, yêu cầu cải cách dịch vụ tài chính để phù hợp hơn với đặc thù của KTTN cũng được đề cao. Giải pháp được đưa ra bao gồm: (i) chấp nhận các loại tài sản bảo đảm phi truyền thống như khoản phải thu, quyền sở hữu trí tuệ; (ii) khuyến khích mô hình chia sẻ rủi ro tài chính; và (iii) hỗ trợ giao dịch tín dụng dựa trên uy tín thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp.

Chương 4 và chương 5 chuyển hướng sang củng cố nội lực cho KTTN. Chương 4 nhấn mạnh việc thúc đẩy đổi mới khoa học - công nghệ, bảo đảm quyền tiếp cận công bằng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ, dữ liệu và các nguồn lực đổi mới. Luật khuyến khích hợp tác giữa KTTN với các cơ sở nghiên cứu, đồng thời cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kể cả trong các tranh chấp quốc tế. Chương 5 hướng dẫn khắc phục các hạn chế về quản trị nội bộ, yêu cầu KTTN nâng cao năng lực điều hành, chuẩn hóa vận hành, chế độ tài sản, kế toán và quản trị rủi ro.

Ba chương cuối cùng (chương 6-8) đi sâu vào giải quyết vấn đề bất ổn chính sách và chi phí tuân thủ cao. Chương 6 đặt trọng tâm vào việc giảm chi phí tuân thủ và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Chương 7 nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm công bằng và an toàn pháp lý trong thực thi chính sách, trong đó đề cao sự minh bạch và nhất quán trong áp dụng pháp luật. Chương 8 quy định rõ trách nhiệm pháp lý của cán bộ, cơ quan nhà nước trong việc ban hành và thực thi chính sách liên quan đến KTTN. Đặc biệt, đạo luật này khẳng định nguyên tắc không hình sự hóa các tranh chấp kinh tế, thể hiện nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh có thể dự báo và ít rủi ro pháp lý hơn cho doanh nghiệp.

Tổng thể, gần một nửa nội dung của đạo luật tập trung trực tiếp vào việc tháo gỡ những tồn tại của môi trường chính sách, bao gồm tình trạng thiếu nhất quán, khó dự đoán, cùng với gánh nặng tuân thủ lớn như giấy phép chồng chéo, quy định thuế phức tạp, thanh kiểm tra dày đặc và xử phạt tùy tiện. Đây chính là những “nút thắt” đã được các nhà làm luật nhận diện và đưa ra giải pháp để gỡ bỏ một cách có hệ thống.

Soi chiếu vào Việt Nam: Từ nghị quyết đến hành động

Quan sát bối cảnh của Trung Quốc và Việt Nam, có thể thấy nhiều điểm tương đồng về những vấn đề cần giải quyết để phát triển KTTN. Nghị quyết 68 vừa qua do Bộ Chính trị ban hành đã chỉ ra hầu hết những nút thắt tương tự, từ rào cản thị trường, cơ chế xin - cho, đến chi phí tuân thủ cao, thiếu minh bạch và nguy cơ can thiệp hành chính tùy tiện. Nghị quyết yêu cầu đổi mới tư duy quản lý, chuyển từ không quản được thì cấm sang tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực. Tinh thần này rất gần với cách tiếp cận mà Trung Quốc đã đưa vào luật, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm.

Về môi trường kinh doanh, Nghị quyết 68 đặt mục tiêu xây dựng môi trường thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn và chi phí thấp cho KTTN. Những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đã được đưa ra, đơn cử như: (i) hoàn thiện pháp luật để xóa bỏ mọi rào cản tiếp cận thị trường, rà soát loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, chồng chéo; (ii) cắt giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục và 30% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp ngay trong năm 2025. Mục tiêu là đến năm 2028, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam lọt nhóm ba quốc gia dẫn đầu ASEAN và 30 nước hàng đầu thế giới. Đây là những chỉ dấu rõ ràng cho thấy quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không hề thua kém Trung Quốc. Vấn đề mấu chốt còn lại là triển khai thực thi sao cho hiệu quả và kịp thời.

Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế mạnh mẽ. Điều này bao gồm cả việc hoàn thiện hệ thống luật pháp lẫn đổi mới phương thức quản lý nhà nước. Đơn cử, Nghị quyết chỉ đạo chuyển hẳn từ tiền kiểm sang hậu kiểm, lấy phục vụ và kiến tạo phát triển làm trọng tâm. Các bộ, ngành phải khắc phục tình trạng thiếu nhất quán giữa trung ương và địa phương trong thực thi chính sách. Đồng thời, Nhà nước cam kết không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên... Điều này tương tự nguyên tắc bình đẳng mà Luật Thúc đẩy KTTN Trung Quốc đề ra. Rõ ràng, về mặt chủ trương, Việt Nam đã xác định được đầy đủ tọa độ cải cách. Thách thức là làm sao biến những định hướng đó thành kết quả cụ thể, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, để tinh thần Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống, cần một chương trình cải cách tổng thể, kết hợp chặt chẽ giữa lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp.

Trước mắt, cần khẩn trương thể chế hóa các chủ trương trong Nghị quyết 68 thành luật và chính sách cụ thể. Quốc hội cần sớm ban hành một nghị quyết về thúc đẩy KTTN để làm tiền đề xây dựng và ban hành một luật về phát triển KTTN hướng tới hình thành một khung pháp lý đủ mạnh để bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho khu vực KTTN. Song song, cần tiến hành rà soát, sửa đổi các luật hiện hành (liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, tín dụng...) nhằm loại bỏ những quy định phân biệt đối xử hoặc tạo gánh nặng không cần thiết. Các nguyên tắc “người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm” và “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” cần được mạnh dạn luật hóa và quán triệt trong quá trình hoàn thiện pháp luật. Ngoài ra, trách nhiệm pháp lý của cơ quan nhà nước và cán bộ công chức trong hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp cần được xác định rõ ràng, nhất là đối với các hành vi nhũng nhiễu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp tương tự như quy định của Luật Thúc đẩy KTTN Trung Quốc.

Có thể nói, Luật Thúc đẩy KTTN là một phép thử đối với quyết tâm cải cách thể chế của Trung Quốc và họ đã vượt qua. Giờ là lúc Việt Nam đứng trước chính bài kiểm tra đó. KTTN không cần sự ưu ái. Cái họ cần là một môi trường pháp lý rõ ràng, ổn định, có thể dự báo và đội ngũ cán bộ thừa hành tử tế.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới