Thứ tư, 21/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tin nổi bật: Bắt đầu phiên thứ nhì đàm phán thuế đối ứng Việt – Mỹ; Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù xây nhà ở xã hội; Nợ xấu ngân hàng trên 4%

Đào Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thông tin được nhiều bạn đọc quan tâm hôm nay (20-5) là phiên đàm phán thứ hai về thuế quan Việt Nam - Mỹ đã khởi động; Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị cơ sở cách ly, điều trị Covid-19 và nợ xấu ngân hàng tuy giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức trên 4%.

Bắt đầu phiên thứ nhì đàm phán thuế đối ứng Việt - Mỹ

Phiên đàm phán lần thứ hai Hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ được tổ chức từ ngày 19-5. Ảnh: TTXVN

Phiên đàm phán lần thứ hai Hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ được tổ chức từ ngày 19 đến 22-5 tại Mỹ.Đoàn đàm phán của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn và có sự tham gia của các thành viên đại diện các bộ, ngành Công an, Ngoại giao, Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước.

Việt Nam cùng với Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia thuộc nhóm 6 nước trong hơn 100 nền kinh tế được Mỹ ưu tiên đàm phán.

Trong ngày đầu tiên của phiên đàm phán, hai đoàn đã thảo luận về cách tiếp cận tổng thể, trao đổi thẳng thắn đối với các nhóm vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Nội dung đàm phán tập trung vào làm rõ các nội dung về lời văn hiệp định, cung cấp thông tin cho nhau về các chính sách hiện hành của mỗi bên để từ đó có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo.

Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù xây nhà xã hội

Ngày 20-5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo dự thảo này,  Chính phủ đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Cụ thể, với dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép giao chủ đầu tư mà không cần đấu thầu.

Việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện lồng ghép trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Nếu công trình nhà ở xã hội thuộc dự án được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng. Dự thảo cũng đề xuất việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn.

TPHCM: Điểm kinh doanh vàng miếng phải treo biển nhận diện

Các điểm bán phải treo bảng hiệu ghi rõ thông tin được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Ảnh: Minh Anh

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn TPHCM phải thông tin cho khách hàng, người dân nhận diện được đây là địa điểm mua bán vàng miếng được cấp phép.

Các đơn vị thực hiện treo bảng hiệu ghi rõ thông tin là địa điểm được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và niêm yết công khai bản sao có chứng thực giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đã cấp cho đơn vị... tại vị trí phù hợp. Quy định này để người dân nhận biết được địa điểm mua bán vàng miếng hợp pháp nhằm phân biệt với các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ khác.

Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị cơ sở cách ly, điều trị Covid-19

Theo Bộ Y tế, hiện nay, trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng tại Brazil, Anh, Thái Lan… Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong.

Để chủ động ứng phó với tình hình bệnh dịch Covid-19,  Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị  các bệnh viện rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của tỉnh, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ.

Các bệnh viện chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Các đơn vị y tế cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, bệnh nặng, người cao tuổi và bệnh nhân ở khu vực hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.

Tính đến tháng 1-2025, nợ xấu ngân hàng trên 4%

Đến tháng 1-2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ở mức 4,3%. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Tại báo cáo tổng kết thi hành Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội và một số quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến tháng 1-2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ở mức 4,3%, tập trung tại một số ngân hàng yếu kém và diện kiểm soát đặc biệt. Trước đó, cuối tháng 7-2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (gồm cả nợ xấu của các ngân hàng mua lại bắt buộc và ngân hàng được kiểm soát đặc biệt) ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và khoảng 2% cuối năm 2022.

Nợ xấu tuy có giảm nhẹ so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao, tuy nhiên việc xử lý trên thực tế gặp nhiều khó khăn do một số quy định của Nghị quyết 42 không được luật hóa tại Luật các tổ chức tín dụng. Do đó, ngành ngân hàng đề xuất ba nội dung về luật hoá quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo; quy định về kê biên tài sản đảm bảo của bên phải thi hành án và quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong các vụ việc vi phạm hành chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới