(KTSG Online) - Những tín hiệu tích cực về cuộc đàm phán thương mại Việt - Mỹ cùng những thông tin như dư nợ tín dụng xanh hơn 700.000 tỉ đồng, EU sẽ cử đoàn thanh tra nông sản đến Việt Nam trong tháng 6… đang thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong hôm nay (22-5).
- Tin nóng hôm nay: Nghiên cứu làm đường hai tầng nối TPHCM đến sân bay Long Thành; Dự kiến đóng cửa sân bay Liên Khương để sửa chữa trong 6 tháng; Đề xuất TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng được tiếp tục cơ chế đặc thù
- Tin nổi bật: Bộ Công Thương làm việc với 4 tập đoàn lớn của Mỹ; Đã gỡ vướng để cấp sổ hồng cho hơn 70.000 nhà đất ở TPHCM; Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc-Nam lên 6 làn xe theo hình thức PPP
Đàm phán thương mại Việt - Mỹ đạt kết quả tích cực
Từ ngày 19 đến 22-5, Việt Nam và Mỹ đã tổ chức vòng đàm phán thứ hai về Hiệp định thương mại đối ứng. Kết thúc vòng đàm phán, Việt Nam và Mỹ đã đạt được những tiến triển tích cực, xác định rõ các nhóm vấn đề đã đạt được đồng thuận hoặc có quan điểm gần nhau. Hai bên cũng thống nhất các mốc thời gian cụ thể để phản hồi dự thảo hiệp định, đề xuất lời văn và tổ chức các cuộc họp trực tuyến nhằm chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo.
Vào cuối ngày làm việc thứ ba, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc song phương với Đại sứ, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nhằm tổng kết kết quả đạt được trong vòng đàm phán lần này và xác định các nội dung cần tiếp tục tập trung thảo luận trong đầu tháng 6.
Bộ trưởng cũng nhất trí với đề xuất của ông Greer về việc giao các cơ quan kỹ thuật hai bên tiếp tục trao đổi hơn nữa nhằm sớm đạt được một thỏa thuận phù hợp với mong đợi và điều kiện thực tế của mỗi quốc gia.
EU sẽ cử đoàn thanh tra nông sản đến Việt Nam trong tháng 6

Liên minh châu Âu (EU) vừa có văn bản đề xuất cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá các biện pháp kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật. Các mặt hàng được tập trung là sầu riêng, thanh long và ớt xuất sang EU. Ngoài việc thanh tra tại các vùng trồng và cơ sở chế biến, đoàn cũng đến làm việc với các đơn vị kiểm định chất lượng của Việt Nam.
Đoàn thanh tra kiểm tra tại Tiền Giang, Long An, Bình Thuận và TPHCM. Đoàn thanh tra sẽ đến trực tiếp các vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói để kiểm tra việc khắc phục lỗi về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở theo quy định và trong báo cáo truy xuất.
Hiện nay, các mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ chịu giám sát tại cửa khẩu là ớt chuông và đậu bắp với tỷ lệ 50%, thanh long là 20% và sầu riêng là 10%.
Dư nợ tín dụng xanh hơn 700.000 tỉ đồng, tập trung lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp
Theo số liệu tại buổi tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” diễn ra hôm 21-5, tính đến 31-3-2025, có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh với tổng dư nợ đạt hơn 704.244 tỉ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024 và chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Tín dụng xanh tập trung chủ yếu trong ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024. Trước đó, dư nợ tín dụng xanh năm 2017 chỉ đạt 180.000 tỉ đồng.
Nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị giá mua điện gió, điện mặt trời

Nhóm 44 tổ chức, nhà đầu tư năng lượng tái tạo gồm Hiệp hội Năng lượng tái tạo Bình Thuận, 16 nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trong nước vừa gửi kiến nghị lần 2 về việc bị tạm giữ một phần tiền mua bán điện từ các dự án năng lượng tái tạo. Kiến nghị này liên quan đến 173 dự án điện gió và điện mặt trời có ngày vận hành thương mại (COD) trước hoặc trong năm 2021 nhưng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu tại thời điểm COD.
Các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác nhận và thi hành ngày COD chấp thuận ban đầu; đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho các dự án điện. Trước đó, vào đầu tháng 3, các nhà đầu tư đại diện 48 dự án năng lượng tái tạo đã gửi kiến nghị đầu tiên đến các lãnh đạo cấp cao và Bộ Công thương.
Thêm 829 mã vùng trồng, 131 mã đóng gói sầu riêng được Trung Quốc công nhận
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa cập nhật thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Trước đó, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổng hợp, gửi 1.604 hồ sơ vùng trồng và 314 hồ sơ cơ sở đóng gói sầu riêng cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu năm 2024, sầu riêng dẫn đầu với đóng góp tới 3,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu quả toàn ngành hàng. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng chính, với 3,2 tỉ đô la, chiếm 97% tổng lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Sầu riêng cũng chiếm đến 74% trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Trong thời gian tới, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh áp dụng mô hình giám sát tình trạng giả mạo, mua bán mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bao gồm việc thu hồi mã số.