Thứ sáu, 1/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ngại trữ nhiều lúa gạo trong kho

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp ngại trữ nhiều lúa gạo trong kho

Hằng Hùng Nghĩa

Doanh nghiệp ngại trữ nhiều lúa gạo trong kho
Người dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) - Khác hẳn với trước kia, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm mọi cách để được mua tạm trữ để được hỗ trợ 100% lãi suất, thì nay, doanh nghiệp đã không mặn mà với chuyện mua tạm trữ do lo ngại càng nhiều gạo trong kho thì khả năng thua lỗ càng lớn.

>>> Thái Lan: khổ vì gạo!

>>> Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo Thái “xả hàng”

>>> Xuất khẩu gạo tháng 8 giảm mạnh

Lo khả năng thua lỗ lớn

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã có kiến nghị với Chính phủ cho hiệp hội tiếp tục tiến hành mua tạm trữ 300.000 tấn quy gạo vụ thu đông. Chưa biết kiến nghị này có được chấp thuận hay không nhưng các doanh nghiệp từng tham gia mua tạm trữ lúa gạo trong những vụ trước đã bắt đầu lo nhiều hơn mừng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, cạnh tranh tăng trước động thái của Thái Lan hạ giá xuất khẩu gạo để xả hàng tồn kho.

Trong thời gian qua, Thái Lan - quốc gia luôn có giá bán gạo cao hơn gạo Việt Nam trên dưới 100 đô la Mỹ/tấn (tùy từng thời điểm) thì nay đã hạ giá chào bán xuống còn 420 đô la Mỹ/tấn loại 5% chỉ còn cao hơn 40 đô la Mỹ/tấn. Song, theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, giá bán của gạo Thái Lan đã xuống tới mức 380 đô la Mỹ/tấn, bằng mức giá gạo của Việt Nam. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước lo là một khi lượng lúa gạo ở trong kho càng nhiều trong lúc bên mua có nhiều lựa chọn hơn thì nguy cơ thua lỗ càng lớn.

Trên thực tế, từ nhiều tháng qua, dù Thái Lan chưa hạ giá xuất khẩu gạo nhưng do biến động của thị trường nên không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã gặp khó đầu ra, thua lỗ, trong đó, có nhiều doanh nghiệp nằm trong danh sách mua lúa gạo tạm trữ của Chính phủ.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở phía Nam phân tích, với giá gạo nguyên liệu mua vào 8.000 đồng/kg, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất tương ứng 200 đồng/kg nhưng khi có hợp đồng xuất khẩu thì giá giảm nhanh, doanh nghiệp vẫn lỗ từ 300-500 đồng/kg.

"Do vậy, doanh nghiệp không muốn mua quá nhiều lúa gạo để tạm trữ nên tiến độ mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu vừa qua trễ so với thời hạn được Chính phủ giao thực hiện”, ông này cho biết.

Không chỉ khó khăn về thị trường, doanh nghiệp nằm trong danh sách mua tạm trữ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận ngân hàng.

Theo ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ), không phải doanh nghiệp nào tham gia tạm trữ lúa gạo cũng được các ngân hàng duyệt các khoản vay.

Ông Vân giải thích, để được nhận hỗ trợ lãi suất thông qua thẩm định của Bộ Tài chính, doanh nghiệp phải trình đầy đủ các hợp đồng mua bán, thanh lý hợp đồng, phiếu nhập kho hàng hóa, hóa đơn mua hàng, chứng từ chuyển tiền hoặc các chứng từ có liên quan khác. Sau đó, Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ và làm thủ tục hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Địa phương cũng ngại tham gia tạm trữ gạo

Dù VFA có kiến nghị được tiếp tục tạm trữ nhưng ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bạc Liêu tỏ ra không tin tưởng vào tính hiệu quả của kế hoạch tạm trữ của VFA. Lý do, theo ông Lân, là trong vụ hè thu vừa qua, Bạc Liêu sản xuất được 400.000 tấn lúa các loại nhưng số lượng tạm trữ chỉ được 10.000 tấn gạo.

“Nếu tính ra, số lượng lúa, gạo tạm trữ quá nhỏ so với lượng lúa sản xuất của tỉnh thì khó có thể đẩy giá mua lúa trên thị trường ở tỉnh chúng tôi tăng lên được”, ông Lân nói.

Báo cáo của Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho thấy, trong vụ hè thu 2013, tỉnh này được phân bổ mua tạm trữ 56.000 tấn lúa (tương đương 28.000 tấn gạo) chiếm chưa đến 5% sản lượng lúa hè thu của tỉnh, trong khi đó, thời gian mua tạm trữ sớm hơn thời điểm thu hoạch lúa tập trung của Sóc Trăng nên giá lúa không có những biến động nhiều. Do vậy, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng tỏ ra e dè không muốn VFA đá quả bóng tạm trữ về phía mình.

Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, trong tình hình hiện nay, việc VFA có kiến nghị tiếp tục mua tạm trữ sẽ phần nào tạo tâm lý cho người nông dân là giá lúa không xuống quá thấp vì có sự can thiệp cần thiết từ chính phủ thông qua VFA.

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, tuy chính sách tạm trữ hiện nay đang có những vấn đề cần phải khắc phục, tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, việc VFA trực tiếp tạm trữ lúa gạo sẽ tốt hơn địa phương tạm trữ”, ông Khởi nói.

Đâu là giải pháp?

Chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp có chung ý kiến rằng Việt Nam cần đầu tư cho hệ thống tổng kho để tạm trữ lúa gạo sẽ giải được bài toán tồn trữ (điểm yếu nhất của Việt Nam) trong xuất khẩu.

Theo đó, khi có hệ thống kho để tồn trữ hàng hóa, giá trị sản phẩm xuất khẩu thu được sẽ cao hơn, vì các doanh nghiệp chủ động được đầu ra khi mức giá thế giới lên cao. Còn doanh nghiệp, hộ nông dân sẽ giảm áp lực về vốn lưu động.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra giá sàn với mức phí hợp lý mà nông dân và doanh nghiệp đều có khả năng ký gửi hàng hóa và đặt ra thời hạn thu hồi vốn cho các hệ thống kho này. Như vậy, chính hệ thống kho sẽ giải được bài toán về tạm trữ hiện nay vì người nông dân sẽ ít lệ thuộc vào thương lái và lượng lúa hàng hóa không đi qua nhiều khâu trung gian.

Để tạo thuận lợi cho người dân có thể đến ký gửi lúa gạo tại hệ thống tổng kho của nhà nước thì Chính phủ cần phải tính toán xây dựng những hệ thống kho với những công suất tạm trữ khác nhau phù hợp với sản lượng lúa mỗi năm mà các tỉnh có thế mạnh về sản xuất lúa sản xuất được nhằm giúp nông dân có thể ký gửi thuận tiện.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đệ, Trường Đại học Cần Thơ, khi Chính phủ là người trực tiếp mua lúa gạo từ người dân để đưa vào hệ thống kho chứa, sau đó, doanh nghiệp xuất khẩu tùy theo hợp đồng để mua lại, nếu lúc đó, giá cao thì Chính phủ có lãi, còn giá xuống thấp thì coi như gián tiếp hỗ trợ cho người nông dân.

Ông Đệ cho rằng, nếu Chính phủ mua lúa gạo cho hệ thống tổng kho thay vì VFA hay các địa phương thì nhiều khả năng sẽ rơi vào trường hợp như Thái Lan hiện nay là đang khổ vì gạo. Song, cách làm đó là hỗ trợ nông dân vì Chính phủ không phải là doanh nghiệp để có thể nói chuyện có lãi hay không rồi bỏ mặc người dân bán với giá lúa thấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới