Cẩn thận khi nuôi tôm thẻ chân trắng
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
(TBKTSG) - Sau một thời gian “e dè” với tôm thẻ chân trắng, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã cho phép vùng ĐBSCL được thả nuôi loại tôm này. Nhiều nông dân đang háo hức trước thông tin này, nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại...
Lợi thế của tôm thẻ chân trắng
Thực ra từ khoảng năm 2001, tôm thẻ chân trắng đã xuất hiện tại tỉnh Bạc Liêu, do Công ty Nuôi trồng thủy sản Duyên Hải nhập về nuôi thử nghiệm. Tiếp theo, một số vùng ở Tiền Giang cũng thả nuôi.
Tuy nhiên, ngay sau đó, trước nhiều ý kiến lo ngại về ảnh hưởng môi trường của loại thủy sản này, nhất là nguy cơ lan truyền hội chứng Taura không có thuốc đặc trị, Bộ Thủy sản (cũ) đã thắt chặt quản lý, chỉ cho phép nuôi thử nghiệm tại một số tỉnh miền Trung. Tại ĐBSCL, một số nông dân lén thả nuôi tôm thẻ chân trắng đã bị cơ quan chức năng xử phạt rất nghiêm...
Nhưng từ khoảng năm 2007, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã bắt đầu lên tiếng về chuyện con tôm sú đang bị cạnh tranh ráo riết và nguy cơ thua thiệt ngày càng tăng khi Việt Nam vẫn quay lưng với tôm thẻ chân trắng. Thái Lan, Trung Quốc đã phát triển rất nhanh diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và chiếm lĩnh dần thị phần xuất khẩu bởi giá rẻ hơn từ 10-15% so với tôm sú Việt Nam.
Trong khi đó, một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thử nghiệm ở miền Trung lại đem về thu nhập hấp dẫn cho nông dân...
Cuối cùng, tháng 1-2008 Bộ NN & PTNT đã ban hành Chỉ thị số 228, cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng nhằm đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Tại cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL vào tháng 7 này, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, thừa nhận rằng thị trường thế giới đang thiên về hướng tiêu thụ tôm thẻ chân trắng. Do đó, nếu Việt Nam không phát triển nhanh sẽ bỏ lỡ thời cơ, giảm thu nhập của nông dân. Hiện tại, chủ trương của bộ là đẩy mạnh phát triển tôm thẻ chân trắng nhưng kiểm soát chặt chẽ về con giống, môi trường, quy hoạch...
Tính đến thời điểm này, một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL đã đem lại hiệu quả. “Chúng tôi nuôi khoảng 100 héc ta và năng suất vụ vừa qua đạt bình quân 10 tấn/héc ta”, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau), cho biết. Theo đánh giá ban đầu của ông Quang, đây là loại tôm dễ nuôi, ít rủi ro hơn so với nuôi tôm sú.
Theo thạc sĩ Hồ Mỹ Hạnh, cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ nuôi thủy sản ĐBSCL, một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở Kiên Giang như của Công ty Trung Sơn, khoảng 140 héc ta, cũng đem lại hiệu quả cao, năng suất đạt khoảng 10 tấn/héc ta chỉ sau ba tháng... Theo ước tính sơ bộ, mỗi héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng đạt lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.
Tính đến hết tháng 6-2008, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đã đạt hơn 12.400 héc ta và đã thu hoạch hơn 12.300 tấn. Giá bán tôm thẻ chân trắng nguyên liệu loại 40 con/ki lô gam khoảng 80.000-85.000 đồng. |
“Lợi thế của tôm thẻ chân trắng so với tôm sú là chịu được biên độ mặn rộng hơn nên có thể nuôi cả ở vùng nước ngọt, mật độ nuôi cao hơn (từ 100-200 con/mét vuông), thức ăn không cần có hàm lượng đạm cao (chỉ cần 30-35% đạm), chịu được biến động nhiệt độ tốt hơn”, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản (khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ) cho biết.
Ông dẫn chứng, nếu nhiệt độ xuống 20 độ C thì con tôm sú đã bỏ ăn trong khi tôm thẻ chân trắng vẫn phát triển bình thường. Trong ba tháng đầu, tôm thẻ chân trắng cũng lớn rất nhanh và người nuôi có thể thu hoạch sau 3-3,5 tháng.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, cho biết các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng trong việc thu mua và xuất khẩu tôm thẻ chân trắng. “Giá thành bước đầu có thể khó cạnh tranh với Thái Lan... nhưng cái được trước mắt là chúng ta có thêm mặt hàng xuất khẩu mới”, ông nói.
Theo Cục Nuôi trồng thủy sản, tính đến hết tháng 6-2008, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đã đạt hơn 12.400 héc ta và đã thu hoạch hơn 12.300 tấn. Dù giá bán tôm thẻ chân trắng nguyên liệu loại 40 con/ki lô gam chỉ khoảng 80.000-85.000 đồng, thấp hơn tôm sú, nhưng do thời gian nuôi ngắn hơn nên người nuôi vẫn hăm hở.
Lo lắng cũng không thừa
Thành công bước đầu đã có, nhưng vẫn còn không ít người e dè đối với việc nuôi tôm thẻ chân trắng. Bởi lẽ có thành công, nhưng cũng có... thất bại.
Tại Tiền Giang, đã có khoảng 50/116 héc ta tôm thẻ chân trắng nuôi thí điểm bị chết, khiến hàng trăm hộ lao đao. Rồi ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng - cách nhau chỉ con đường nhỏ, nhưng trong khi ở Sóc Trăng nhiều hộ đã làm quen với con tôm thẻ chân trắng thì bên phía Bạc Liêu, người nuôi gặp phản ứng gay gắt từ các hộ nuôi tôm sú - thậm chí cả chính quyền địa phương. Ngay cả ông Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu) - từng được mệnh danh là “vua tôm sú miền Tây”, cũng phản ứng gay gắt vì sợ lây nhiễm bệnh Taura...
Một chuyên gia thủy sản cũng cho biết, tại Thái Lan - nơi diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm đến 95%, đã có từ 25-35% diện tích tôm càng xanh và tôm bản địa bị hội chứng Taura- điều trước đó chưa từng xảy ra.
“Đúng là bệnh Taura có thể lây từ tôm thẻ chân trắng sang tôm càng xanh nếu nuôi ở vùng nước ngọt”, Tiến sĩ Hải cho biết. Tuy nhiên, theo ông, chưa có nhiều thông tin nói về việc lây bệnh Taura từ tôm thẻ chân trắng sang tôm sú khi thả nuôi ở môi trường bên ngoài. “Nếu có lây, chỉ là do nuôi cùng chung một hồ, dùng cùng kim tiêm chích thí nghiệm...”, ông nói.
Nhưng dù sao đi nữa, đây cũng là điều mà Bộ NN & PTNT cần phối hợp cùng các nhà khoa học làm rõ và thông tin nhanh đến với nông dân. Theo Bộ NN & PTNT, nhằm tạo điều kiện phát triển tôm thẻ chân trắng, bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhập khẩu tôm bố, mẹ và giải quyết thủ tục không quá bảy ngày - tất nhiên phải đảm bảo chất lượng tôm. Bởi tính đến tháng 6-2008, cả nước chỉ có 51 trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, trong khi có tới 2.437 trại sản xuất giống tôm sú!
Điều đáng lo nhất, theo thạc sĩ Hồ Mỹ Hạnh, là chất lượng tôm giống. “Nếu tôm giống tốt thì cũng không lo ngại về hội chứng Taura”, bà nói. Nhưng hiện tại, phần lớn tôm giống được nhập về từ các tỉnh miền Trung. Do đó, nhiều người lo ngại những con giống tốt sẽ được các trại giống giữ lại nuôi thả, còn những con èo uột, dễ nhiễm bệnh sẽ được tuồn về ĐBSCL. Một khi diện tích nuôi được đẩy lên ào ạt khiến nhu cầu con giống tăng cao thì chất lượng lại càng dễ bị “thả nổi” và nguy cơ lây lan bệnh Taura càng lớn!
HỒ HÙNG