Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lời mẹ dặn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lời mẹ dặn

Vương Thừa Bình

Lời mẹ dặn
Minh họa: Khều.

(TBKTSG) - Nếu được mẹ chăm sóc nuôi dạy từ thơ bé - một hoàn cảnh thật bình thường của con người (nhưng tiếc thay, vẫn nhiều khi được coi là... may mắn!) - thì mấy ai không từng được nghe lời mẹ dặn dò, những lời dặn có thể trở thành cẩm nang cuộc sống. Và có người mẹ lương thiện nào mà không dặn con mình những điều hay điều tốt, mong con mình sống hiền lương, ngay thẳng với đời?

Chẳng hạn, quá nổi tiếng là “lời mẹ dặn” như những tuyên ngôn trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Phùng Quán thời Nhân văn Giai phẩm: “Yêu ai cứ bảo rằng yêu/Ghét ai cứ bảo rằng ghét/Dù ai ngon ngọt nuông chiều/Cũng không nói yêu thành ghét/Dù ai cầm dao dọa giết/Cũng không nói ghét thành yêu...”.

Lời dặn của mẹ tôi bình thường, giản dị lắm. Ngày tôi sắp xa nhà, mẹ nói: “Con ra với đời, mẹ chỉ dặn con: về vật chất phải nhìn xuống, về tinh thần phải nhìn lên”. Rồi mẹ giải thích: về vật chất, khi nào lâm cảnh thiếu thốn khó khăn thì hãy nhìn xuống để thấy lắm người còn cơ cực hơn mình, để mình vững tâm; về tinh thần, phải nhìn lên để thấy lắm người hay giỏi hơn mình, để mình không tự phụ tự mãn.

Thuở còn chiến tranh, “lối sống hưởng thụ” bị lên án kịch liệt và cấm kỵ ở miền Bắc, cả trong nhà trường và ngoài xã hội; cống hiến hy sinh được ấn định là lẽ sống duy nhất của con người. Với môi trường ấy thì sự “nhìn xuống - nhìn lên” đã giúp những đứa con của mẹ vượt khó trưởng thành một cách tự nhiên, không thể khác. Lời mẹ dặn theo tôi đi dọc Trường Sơn, vào Sài Gòn rồi học hành, định cư lập nghiệp ở Nam bộ; tôi bén rễ nơi vùng đất từng nổi danh hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài... Song, những khủng hoảng thời hậu chiến như lũ lụt dâng tràn, không chừa một ốc đảo và cũng không sai quy luật “nước chảy chỗ trũng” - nơi nào thấp hơn thì bị ngập sâu hơn.

Đã mấy mươi năm đất nước hòa bình thống nhất và trong vài thập niên gần đây, xã hội chuyển hẳn sang cơ chế kinh tế thị trường có định hướng... Không ít người là “sản phẩm của lý tưởng” thời quan liêu bao cấp, sau này mới ngộ ra: trước kia mình coi thường vật chất, coi thường đồng tiền bao nhiêu thì bây giờ lắm khi bị nó hạ nhục bấy nhiêu! Tôi trong số những người ấy, cũng ngộ ra và cũng không thể khác là phải tìm cách sống thích nghi với môi trường, để mình đừng trở nên lạc lõng, lập dị. Nhớ lại buổi đầu, cái cách chúng tôi “làm kinh tế” và “góp phần phân phối lưu thông” - ngôn ngữ thời thượng lúc bấy giờ - có lẽ đã được gợi ý từ những ngày sau mùa xuân 1975, khi mà những đoàn người ra Bắc có rất nhiều chiếc ba lô hay cặp táp lỉnh kỉnh những món đồ từ chợ trời vỉa hè Sài Gòn. Nhưng nào ai biết, đâu sẽ là giới hạn cho những bán mua mặc cả diễn ra hữu hình và vô hình kéo dài sau đó!...

Không phải con xấu đi; con chỉ bớt tốt, thưa mẹ - đã đôi lần tôi tự phân bua, khi cúi đầu nhớ lời mẹ ngày nào. Chỉ bớt tốt, vì tự thấy mình cũng còn một chút gì gọi là khí tiết hay dũng khí để nói lời từ chối, còn hơn khá nhiều bạn bè đồng đội cũ đã bị đồng tiền móc ngoéo rồi lôi tuột đi.

“Còn hơn”? Tôi bỗng giật mình thảng thốt: ta đang nhìn xuống hay nhìn lên vậy?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới