Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cấm uống rượu bia – tốt có phải luôn hợp lý?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cấm uống rượu bia - tốt có phải luôn hợp lý?

LS. Lương Văn Trung (*)

(TBKTSG) - Thời gian gần đây, dư luận bàn tán sôi nổi về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia (Dự thảo) do Bộ Y tế soạn, trong đó có việc cấm bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Dưới góc độ yêu cầu về tính cân xứng trong quản lý nhà nước, chúng ta thử phân tích xem quy định này đã hợp tình, hợp lý hay chưa.

Trước khi đánh giá quy định này, chúng ta phải khẳng định và đồng ý rằng “1. Lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng, đến gia đình, cộng đồng và kinh tế - xã hội; Nhà nuớc không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác. 2. Mọi người có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng bởi tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.” (Quyết định về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng rượu, bia (i) là hàng tiêu dùng hợp pháp và việc sử dụng rượu bia của người dân là hợp pháp, (ii) là ngành đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, (iii) là một yếu tố văn hóa ẩm thực của dân tộc.

Vì lẽ đó, quy định cấm bán rượu, bia trong một số giờ nhất định cần phải tính toán làm sao để hài hòa mục đích bảo vệ sức khỏe người dân và trật tự công cộng với việc tôn trọng quyền sử dụng bia rượu có kiểm soát của nhiều người dân, quyền lợi kinh doanh của các nhà sản xuất và (dù tế nhị) là một nguồn thu lớn cho ngân sách (20.871 tỉ đồng - bao gồm cả nước giải khát - trong năm 2013 theo Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam).

Quyết định vừa dẫn ở trên có nêu “nghiên cứu ban hành các biện pháp quản lý phù hợp để từng bước hạn chế bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại một số thời điểm thích hợp trong ngày”. Vì thế, Dự thảo quy định về thời gian cấm bán rượu bia là phù hợp với giải pháp này của quyết định và cũng phù hợp với cách thức hạn chế việc lạm dụng thức uống có cồn ở nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, để nội dung cấm này thấu tình, đạt lý và có thể thực hiện được một cách hiệu quả trên thực tế, Bộ Y tế nên cân nhắc những yếu tố sau đây:

1. Xác định rõ mục đích của chính sách: Nếu mục đích cấm bán rượu bia là để bảo vệ sức khỏe của người uống, việc cấm bán rượu sau 22 giờ không hoàn toàn có tác dụng vì không phải ai uống vào giờ đó cũng được suy đoán là đã uống đủ hay sắp say. Đó là chưa nói đến Dự thảo có quy định về mức tối đa được bán cho khách hàng hoặc cấm bán cho người có biểu hiện say.

Nếu mục đích của việc cấm này là hạn chế nguy cơ làm mất trật tự công cộng, tai nạn giao thông, cần phân loại các điểm bán rượu, bia để xác định các rủi ro đó và đưa ra các giới hạn tương ứng. Nhà hàng ngoài trời trong hoặc xa khu dân cư, quán bar, khách sạn, sàn nhảy là các địa điểm có độ rủi ro về trật tự công cộng khác nhau và thời gian hoạt động kinh doanh hàng ngày khác nhau. Đồng thời, hiện đã có quy định về nồng độ rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông để hạn chế tai nạn giao thông. Đây là biện pháp phổ biến, hợp lý và dễ thực hiện hơn việc “cấm tiệt” kia vì không phải ai đi ăn nhậu cũng điều khiển một chiếc xe máy hoặc xe hơi; chưa nói đến việc không phải ai đủ 18 tuổi cũng có thể điều khiển xe hơi và có xe hơi. Ngoài ra, việc uống rượu bia sau 22 giờ đêm có thể tăng rủi ro tai nạn giao thông chỉ là một sự suy đoán thuần túy rằng người uống đó đã uống từ trước đó khá lâu (nhất là nếu cứ mỗi giờ được uống một ly).

2. Không “vơ đũa cả nắm”: Việc “cấm tiệt” các hoạt động mua bán rượu bia từ 22 gờ vô hình trung ngăn cản việc tiếp cận đến đồ uống hợp pháp (dù có thể độc hại nếu lạm dụng) của tất cả mọi người dân kể cả người không lạm dụng, người vừa làm xong công việc và bắt đầu ăn tối. Quy định này cũng không tính đến các địa điểm bán và sử dụng rượu, bia khác nhau như: quán ăn vỉa hè, nhà hàng hay khách sạn sang trọng, quán bar hay sàn nhảy, để có quy định phù hợp. Ví dụ, sàn nhảy luôn luôn ồn ào và tiếng nhạc át hết tất cả tiếng của những người trong đó dù có uống rượu bia hay không; khách sạn bán rượu tại quầy bar cho khách nghỉ tại khách sạn thì rủi ro gây mất trật tự công cộng hay tai nạn giao thông là rất thấp; đó là chưa kể đến khách hàng là người nước ngoài có thể có đồng hồ sinh học và khả năng hấp thụ cồn khác với người Việt Nam.

Bởi lẽ đó, thay vì tham khảo và lấy ví dụ từ một số quốc gia “cấm tiệt” việc bán rượu bia trong khoảng thời gian nào đó, Bộ Y tế nên tham khảo thêm cách làm của nhiều quốc gia để phù hợp hơn với phong tục hay thói quen (dù có thể không tốt) của người Việt Nam như Anh, Mỹ, Úc (bang New South Wales như được phân tích tại bài http://www.thesaigontimes.vn/117817/Hai-ly-do-vi-sao-Bo-Y-te-nen-soan-lai-du-thao-ruou-bia.html). Việc lấy ví dụ của một quốc gia có nhiều người Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, một nước Phật giáo như Thái Lan hay một quốc gia phát triển văn minh như Phần Lan hay Singapore để áp dụng cho Việt Nam có thể là không hoàn toàn phù hợp.

3. Cân nhắc đến yếu tố tập quán, thói quen sinh hoạt, thời tiết và “lách luật”: Quy định cấm bán rượu sau 22 giờ đêm tuy có những mục đích tốt, Bộ Y tế cần tính đến thói quen sinh hoạt của người dân. Nếu ở nhiều tỉnh phía Bắc, người dân “tranh thủ” nhậu sớm (vào khoảng 17 giờ) để về nhà vào khoảng 20-22 giờ thì người dân ở phía Nam thường bắt đầu nhậu muộn hơn (và thường về nhà muộn hơn). Ngoài ra, ở các thành phố lớn trong cả nước, những người làm trong công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân thường nghỉ việc muộn hơn và bữa tối của họ cũng bắt đầu muộn hơn. Đó là chưa tính đến yếu tố thời tiết, trời tối vào mùa đông và mùa hè ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có thể cách nhau đến 2 tiếng.

Ở nước Anh, chúng ta có thể dễ dàng gặp những quán ăn có treo biển “Your bottle is welcome” (Hoan nghênh bạn mang rượu/bia đến) vì quán đó không có giấy phép bán rượu. Sẽ thế nào nếu nhiều quán ở Việt Nam cũng treo biển “Chào mừng bạn mang rượu/bia sau 22 giờ)? Đó là chưa tính đến việc ở các quán bar và sàn nhảy, khách mua 1 chai nhưng uống không hết (và không được uống hết vì bị hạn chế lượng theo Dự thảo) nên đã gửi lại, chẳng lẽ họ đến sau 22 giờ vào hôm sau lại không được uống rượu của chính họ?

Bởi lẽ đó, việc cấm bán bia rượu trong một số giờ nhất định là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người dân, trật tự và an toàn xã hội. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần nghiên cứu thực tiễn một cách kỹ lưỡng để có chính sách hạn chế phù hợp với đặc thù của Việt Nam trong tình hình hiện tại. Ngoài ra, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo luật về vấn đề này, Bộ Y tế cần làm việc với các cơ quan khác một cách chặt chẽ để vạch ra đầy đủ các biện pháp hiệu quả vì mục đích tốt đẹp này, thay vì chỉ đóng vai một người thầy thuốc để đưa ra các yêu cầu “chỉ định” và “chống chỉ định” cho một vấn đề có liên quan đến cả yếu tố kinh tế, xã hội, an ninh, pháp chế và văn hóa, bên cạnh “sở trường” của mình là bảo vệ sức khỏe.

Bộ Y tế cũng nên tham khảo ý kiến của người dân và chuyên gia trong thời gian gần đây về tính khả thi “trên trời” của quy định cấm này. Một quy định cấm không thể là một quy định mang tính giáo dục để bào chữa cho sự thiếu cân nhắc về tính khả thi khi ban hành và sự bất lực khi thực hiện quy định đó.

(*) Công ty Luật Bross & Partners - Trọng tài viên VIAC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới