Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Muôn nẻo đường từ thiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Muôn nẻo đường từ thiện

Thái Ngọc - Nguyễn Vinh

Muôn nẻo đường từ thiện
Công trình nước sạch do doanh nghiệp tài trợ tại một trường tiểu học. Ảnh: THANH TAO

(TBKTSG) - Khi hỏi thăm về các hoạt động từ thiện, nhiều doanh nghiệp đã dè dặt. Có người cho rằng nếu làm bằng cái tâm thì cứ âm thầm, không nên cho tay trái biết việc tay phải làm; có người lại cho rằng, nếu việc làm từ thiện gắn với quảng bá thương hiệu thì sợ “mất thiêng”. Nhưng cũng có những người xem đây là những vấn đề cần phân tích thấu đáo.

Cũng như phương thức, mô hình kinh doanh, mỗi doanh nghiệp có một triết lý riêng trong câu chuyện hoạt động từ thiện hay công tác xã hội.

Mỗi người một cách

Những ngày giữa tháng 8-2014, Công ty cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường đang bước vào đợt xét duyệt hồ sơ đăng ký chương trình “Vì mái ấm thợ thi công”. Cụ thể, nếu mỗi bộ hồ sơ trên bàn được duyệt, thì có nghĩa là một thợ thi công của Vĩnh Tường sẽ được công ty này tài trợ xây một căn nhà có giá 45 triệu đồng. Từ 2013 trở đi, mỗi năm Vĩnh Tường hỗ trợ xây 10 căn nhà cho 10 thợ thi công có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

“Chúng tôi ưu tiên giúp đỡ những trường hợp gần gũi nhất với mình để mang hơi ấm “thực” đến với những người xung quanh - bà Ngô Phi Phụng, phòng truyền thông của công ty này cho biết. Ngoài hoạt động mang tính chất trách nhiệm xã hội (CSR) trên, nhiều hoạt động từ thiện khác được công ty này tiến hành như: tặng áo ấm cho học sinh vùng cao Yên Bái, tặng quà cho đồng bào bị lũ lụt miền Trung, tặng quà cho nhà mở dành cho trẻ em và người nghèo neo đơn tại một số ngôi chùa, trại phong...

Phải tính toán cách “lách” để tiền chi cho từ thiện được xem là chi phí hợp lý xem ra là việc nhiêu khê, đó là lý do nhiều doanh nghiệp vận động từ thiện từ đồng tiền túi.

“Tuy chưa được đưa vào điều lệ hoạt động, nhưng mỗi năm Vĩnh Tường đều trích một quỹ từ lợi nhuận sau thuế của công ty để tiến hành các hoạt động vì cộng đồng. Quỹ này tăng giảm tùy vào mức lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp và được thông qua trong mỗi kỳ họp đại hội đồng cổ đông”, bà Phụng nói.

Cũng với cách làm từ thiện độc lập, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi, chia sẻ rằng mỗi năm công ty ông chi khoảng 4 tỉ đồng cho hoạt động từ thiện. Cách làm của ông, đó là đọc báo và phát hiện những hoàn cảnh cần giúp đỡ thì đến tận nơi để chia sẻ.

Ông Lợi kể từng vận động các đối tác, cũng là bạn bè để làm từ thiện. Nhưng với ông, việc đó không dễ. Tuy nhiên, đối với các đối tác thân tình, ông đã vận động theo kiểu “cưỡng chế”, mỗi khi thanh toán hàng hóa, ông phải giữ lại 1% đúng ra phải trả đủ cho họ để trích sang quỹ từ thiện. Với cách “cưỡng chế ngọt ngào” này ông và những người bạn mỗi năm có được 100 triệu để đi trao quà Tết thông qua quỹ từ thiện của một tờ báo từ bốn năm nay. Ông Lợi quan niệm rằng, làm từ thiện không chỉ giá trị ở “của cho”, mà còn là “cách cho”. Cần thấy được đồng tiền mình bỏ ra được trao tận tay, đến được nơi cần đến.

Ông Trần Quốc Bửu, Chủ tịch HĐQT Vietnam Development Group, chia sẻ mỗi năm công ty ông dành một khoản tiền lớn để làm từ thiện. Số tiền này được trích từ lợi nhuận của công ty và và khoản đóng góp của người lao động hàng tháng, mỗi công nhân 10.000 đồng/tháng, người quản lý 20.000 đồng/tháng.

Trước đây công ty và cá nhân ông thường kết hợp với các tổ chức của Nhà nước như Hội Chữ thập đỏ, cơ quan báo chí, câu lạc bộ doanh nhân để đi làm từ thiện. Nhưng thời gian qua, một số đơn vị tổ chức làm từ thiện hay ghi khống hóa đơn, yêu cầu trích hoa hồng nên ông chọn cách kêu gọi nhân viên của công ty, gia đình tự đứng ra tổ chức.

Tuy nhiên, với những chương trình từ thiện có ý tưởng hay, nhiều ý nghĩa của các tổ chức, cá nhân có uy tín đứng ra kêu gọi ông vẫn tham gia ủng hộ.

Hiện mỗi tuần ông Bửu cùng gia đình và nhân viên công ty đều đi phát cơm từ thiện tại các bệnh viện. Dù là doanh nghiệp chi không ít tiền cho hoạt động tiếp thị sản phẩm, nhưng ông không đồng ý làm từ thiện để quảng bá cho công ty, hay một nhãn hàng nào đó.

Từ tâm hay từ quảng bá?

Trong khi nhiều doanh nghiệp chọn cách làm từ thiện độc lập, tự vận động thì cũng có những quỹ hoạt động từ thiện của giới doanh nhân hiện nay đang làm nhịp cầu kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp đến với người nghèo, cần sự hỗ trợ trong xã hội. Có thể thấy mô hình nói trên qua những hoạt động hiệu quả của Quỹ Quán cơm nụ cười, Quỹ Hiểu về trái tim hay Quỹ từ thiện của nhóm CLB Doanh nhân 2030 (Saigon Times Group)...

CLB Doanh nhân 2030, ngoài các hoạt động như tặng quà, tập sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, dự án xây, sửa chữa thư viện cho các trường học, thì còn có chương trình Caravan từ thiện đã thực hiện từ chín năm nay. Bà Trần Thị Thanh Hằng, Phó chủ nhiệm thường trực CLB này, cho biết: “Nếu các doanh nghiệp tự tổ chức làm từ thiện thì việc khảo sát, hậu cần, tiến hành các hoạt động sẽ tốn sức, trong khi đó thông qua CLB thì có bộ phận chuyên trách, mỗi người lo một tay, công việc sẽ dễ dàng hơn. Nhưng vấn đề là các quỹ phải tạo cho được niềm tin cho doanh nghiệp để họ tham gia và tài trợ”.

Theo bà Hằng, hiện các doanh nghiệp tham gia các chuyến caravan chủ yếu trên tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm xã hội, còn những nhà tài trợ thì thường có yêu cầu cao hơn, nghĩa là lồng ghép các chương trình từ thiện với hoạt động quảng bá hình ảnh và khi tổ chức, quỹ phải có cam kết với họ về việc truyền thông hình ảnh theo mức độ nào đó. Một khi doanh nghiệp tài trợ có nhu cầu hay chính sách như thế thì nhà tổ chức quỹ cũng phải cam kết đáp ứng với mục đích cuối cùng là sự hỗ trợ đến được với những địa chỉ cần giúp đỡ.

Trong khi đó, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Secoin, thì cho rằng cá nhân ông không theo các hình thức làm từ thiện để đánh bóng thương hiệu. Ông dị ứng với kiểu từ thiện nặng tính “trình diễn hình thức”. “Từ thiện phải hướng tới những giá trị thực, ý nghĩa thực của nó”, ông Kỳ nói. Và riêng công ty do ông làm lãnh đạo, hoạt động từ thiện được triển khai thực chất bằng việc tiết kiệm các khoản mua hoa, quà cáp chúc mừng nhau trong các dịp lễ lạt, kỷ niệm thành lập công ty... để dành tiền gửi vào một quỹ từ thiện nào đó mà theo ông là minh bạch, khả tín.

Ông Kỳ đánh giá cao mô hình từ thiện của quán cơm Nụ Cười và sẵn sàng tham gia những chương trình ý nghĩa thiết thực như vậy. “Thông qua những người tổ chức các hoạt động từ thiện thực tâm, tôi không chỉ đóng vai trò là người tham gia giúp đỡ người nghèo, mà học được rất nhiều điều!”, ông Kỳ chia sẻ.

Khi từ thiện chưa thành điều lệ

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay, không nhiều doanh nghiệp xây dựng điều lệ hoạt động gắn với các hoạt động từ thiện cụ thể như những cam kết với xã hội. Phần lớn hoạt động từ thiện ở nhiều doanh nghiệp còn phụ thuộc vào người đứng đầu, hoặc khá hơn, là nguồn quỹ trích từ lợi nhuận kinh doanh. Một trong những trở ngại là hiện nay, những khoản chi cho từ thiện chưa được đưa vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp nên vẫn phải đóng thuế!

Người tổ chức một quỹ từ thiện lớn chia sẻ rằng, nhiều doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động từ thiện của quỹ phải đưa vào hạng mục truyền thông quảng bá. Với trường hợp như thế, quỹ này đã phải chạy đôn chạy đáo để gom tiền phòng ngủ của nhân viên trong các dịp du lịch, biến báo để chia sẻ về mặt hạch toán.
Phải tính toán cách “lách” để tiền chi cho từ thiện được xem là chi phí hợp lý xem ra là việc nhiêu khê, đó là lý do nhiều doanh nghiệp vận động từ thiện từ đồng tiền túi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới