Khi đại học tư thục cạnh tranh!
Hoàng Thục Minh
Thư viện trường RMIT. |
(TBKTSG) - Theo Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ, lịch sử hoạt động của các trường đại học tư ở Việt Nam có thể chia thành hai giai đoạn.
Đầu tiên là từ năm 1995 cho đến năm 2001, các trường do chính các nhà giáo lập ra. Trên con đường đầy chông gai này đã chứng kiến sự kiện các lãnh đạo chủ chốt của Đại học Đông Đô lâm vào vòng lao lý. Năm 2001, từ khoảng 30 trường đại học tư được thành lập trước đó, chỉ còn lại 23 trường hoạt động.
Giai đoạn 2 từ đó đến nay chứng kiến sự tham gia của nhiều thành phần, từ trường quốc tế đến các trường do giới doanh nghiệp lập nên. Thống kê hiện tại, trên cả nước có 58 trường đại học ngoài công lập. Nhưng trong số đó khoảng 13 trường cũng đang trong tình trạng báo động đỏ, mà nguyên nhân, theo một chuyên gia, do tự định vị mình thấp, và chạy đua học phí quá rẻ.
Giữa những cuộc đua gập ghềnh đó, không ít trường đã tìm cho mình một con đường đi đến thành công. Con đường đó đi thẳng vào sự cạnh tranh về chất lượng, bằng sự khác biệt, bằng xây dựng thương hiệu, cùng với một sự sở hữu rõ ràng, nguồn tài chính lành mạnh, vừa tập trung cho tiếp thị, vừa đầu tư vào chất lượng.
Đứng giữa hai sự thành công và thất bại, một số mô hình đại học khác vẫn còn là ẩn số. Đại học Tân Tạo đã tuyên bố theo con đường phi lợi nhuận với chỉ mấy trăm sinh viên và hầu như tất cả đều có học bổng. Dự án Đại học Fulbright cũng theo hướng phi lợi nhuận. Sự thành công của những trường này vẫn còn là dấu hỏi.
Quy hoạch mạng lưới đại học năm 2007 đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020 có 4,5 triệu sinh viên, số sinh viên trên 10.000 dân là 450, nhưng đến năm 2013 đã điều chỉnh các chỉ tiêu còn 2,2 triệu sinh viên, và 256 sinh viên/10.000 dân. Năm 2013, con số đạt được là 221 sinh viên/10.000 dân. Thống kê cho thấy trong số 433 trường đại học, cao đẳng, thì có 86 trường ngoài công lập, trong đó 58 trường là đại học, còn lại là cao đẳng. Tổng số sinh viên năm 2014 là 1.662.000, trong đó hơn 250.000 là ngoài công lập. |
Một mô hình đại học mới cũng được đưa vào thử nghiệm trong thời gian qua, đó là trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM. Trường này, với quan niệm xây dựng một trường chất lượng cao, học phí không thua trường nước ngoài, nhưng sử dụng các giáo viên trong nước. Học phí ở mức 300 triệu đồng cho trọn khóa bốn năm.
Cuộc cạnh tranh của đại học tư thục trong những năm sắp tới sẽ còn khốc liệt khi mà các trường đại học công danh tiếng, vốn trước đây chỉ ngồi nhà chờ sinh viên đến nộp hồ sơ, nay cũng phải đến tận nơi tham gia tuyển sinh. Khối ngoại, cũng đầy màu sắc.
RMIT đã khẳng định được mình trên thị trường, với khoảng 6.500 sinh viên theo học... Giới đầu tư hẳn sẽ thòm thèm con số doanh thu 50 triệu đô la Mỹ, lợi nhuận khoảng 20% của trường này. Đại học Quốc tế Anh Quốc đang dự tính xây dựng cơ sở chính, với tổng vốn 60 triệu đô la Mỹ, học phí cũng tương đương trường RMIT. Một trường khác của Anh, Đại học Wolverhampton, cũng đã mở văn phòng đại diện tại TPHCM. Trường Y khoa Tokyo Việt Nam cũng mới được đồng ý về mặt chủ trương, tổng vốn đầu tư 421 tỉ đồng. Tính chung, đến nay, trong số khoảng hơn 170 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, tổng vốn đầu tư hơn 730 triệu đô la, đại học vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trường Đại học FPT những năm qua cũng đã nổi lên. Với khoảng 14.000 sinh viên theo học, học phí mỗi năm khoảng 4.000 đô la Mỹ, doanh thu của Đại học FPT khá lớn. Năm nay, trường này dự kiến mức doanh thu khoảng 555 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 143 tỉ, tăng 7% so với năm ngoái. Điều đáng nói là cách đây chừng mấy tháng, Laureate International University (LIU), do cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton làm Chủ tịch danh dự, đã ngỏ ý mua lại FPT, nhưng lãnh đạo trường này đã không đồng ý bán. LIU hiện là hệ thống trường tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 800.000 sinh viên từ hơn 30 quốc gia trên thế giới, doanh thu khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ.
Con đường đi lên của đại học tư sẽ chưa hết chông gai khi cạnh tranh trên thị trường ngày một gay gắt. Các trường công đang ngày càng mở rộng, trong khi các quy định chính sách về trường tư dường như đang theo hướng khó khăn hơn. Trong khi đó, việc tuyển sinh của các trường tư hầu như vẫn dựa vào nguồn cung dư thừa của đại học công lập. Dẫu vậy, sức hấp dẫn của một quốc gia hơn 90 triệu dân vốn luôn coi trọng giáo dục vẫn còn đó, và sức hấp dẫn của một ngành đầu tư tiền tươi thóc thật vẫn chưa hề giảm. Xu thế chuyển sang trường tư ở nhiều quốc gia cũng đang dần lan đến Việt Nam, và đó vẫn là cơ hội cho các nhà đầu tư nghiêm túc, dài hạn và có tay nghề.
Mời đọc thêm
Từ Hoa Sen nhìn về tương lai đại học tư thục