Cắt giảm thủ tục hành chính thuế: Đáng mừng, nhưng phải là đường dài
Thu Nguyệt
Theo dự thảo một số giải pháp nhằm cắt giảm thời gian kê khai và đóng thuế, trường hợp bán lẻ trực tiếp điện, nước, xăng dầu... cho người tiêu dùng được khai thuế theo tổng hợp doanh thu bán lẻ, không phải khai chi tiết từng hóa đơn. Ảnh: Uyên Viễn |
(TBKTSG) - Từ ngày 1-9-2014, nhiều thủ tục hành chính thuế gây phiền hà được sửa đổi hoặc bãi bỏ giúp doanh nghiệp giảm được 201,5 giờ/năm tính thuế, khai thuế, nhưng điều này chỉ thực sự giúp ích cho doanh nghiệp nếu được làm đến nơi đến chốn.
Bộ Tài chính hôm 25-8 ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của bảy thông tư để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế.
Vui mừng với nhiều sửa đổi
Ông Trần Đình Phương, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và Đại lý thuế Trương Gia tại Nha Trang, cho biết ông đã bắt xe khách để đi từ Nha Trang vào TPHCM để dự hội thảo hôm 20-8 khi nghe có một số đại diện của Tổng cục Thuế tham gia.
Hội thảo này nhằm triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ để giảm thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Tổng cục Thuế tổ chức.
Theo ông Phương, với Thông tư 219/2013/TT-BTC (có hiệu lực từ đầu năm 2014), tất cả doanh nghiệp nhỏ (có đầu tư máy móc, thiết bị, tài sản dưới 1 tỉ đồng) mới lập ra trong năm nay coi như giải thể, tạm ngưng hoạt động vì không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào. Và, “không có doanh nghiệp nào “chơi” với doanh nghiệp này, vì nếu mua hàng của doanh nghiệp này, họ cũng không được khấu trừ thuế”, ông Phương nói.
Ông Phương cho biết đã chờ đợi việc bãi bỏ “ngưỡng 1 tỉ đồng” thời gian qua, nên rất mừng khi dự thảo thông tư (tức Thông tư 119 được ban hành ngày 25-8) của Bộ Tài chính bỏ quy định này.
Theo bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), với sửa đổi lần này, tất cả doanh nghiệp đều được quyền lựa chọn để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT, thay vì phải có đầu tư (như mua máy móc thiết bị, tài sản cố định...) từ 1 tỉ đồng trở lên.
Thông tư mới của Bộ Tài chính cũng có nhiều sửa đổi liên quan đến tờ khai thuế GTGT, như quy định rõ các trường hợp khai tổng hợp doanh thu bán lẻ, không phải khai chi tiết từng hóa đơn trên bảng kê, chẳng hạn như trường hợp bán lẻ trực tiếp cho đối tượng tiêu dùng như điện, nước, xăng dầu, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ khách sạn, ăn uống...
Ngoài việc ban hành thông tư mới, Bộ Tài chính cũng đề ra một số giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ như doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 50 tỉ đồng trở xuống sẽ được khai thuế GTGT theo quí, thay vì khai theo tháng như lâu nay. Trước đó, việc khai thuế GTGT theo quí chỉ áp dụng cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỉ đồng.
Để giải quyết tận gốc những thủ tục và thuế gây phiền hà, cơ quan ban ngành phải xây dựng pháp luật, nhất là pháp luật về thuế sao cho dễ hiểu, minh bạch, vì nếu không sẽ kéo theo thủ tục hành chính nhiêu khê, chồng chéo. |
Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp chỉ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) một năm một lần, và tự xác định và tạm nộp tiền thuế trong năm. Theo bà Lan Anh, hiện doanh nghiệp khai tạm nộp hàng quí và quyết toán năm, nên phải tính toán mất thời gian.
Bộ Tài chính cũng trình Quốc hội cho phép chỉ quy định khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, không khống chế các khoản chi tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một số doanh nghiệp trao đổi bên lề hội thảo hôm 20-8 cũng cho biết, dự thảo thông tư này đang gỡ bỏ một số vướng mắc mà doanh nghiệp thường gặp, theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, bỏ một số yêu cầu trên bảng kê khai thuế giá trị gia tăng, hay doanh nghiệp thanh toán từ tài khoản tiền vay thì không cần đăng ký tài khoản ngân hàng...
Nhưng phải làm đến nơi
Kế toán trưởng của một doanh nghiệp thực phẩm có niêm yết trên sàn chứng khoán (yêu cầu không nêu tên) cho biết ông hoan nghênh những sửa đổi trên và các quy định phiền hà này sửa được bao nhiêu thì doanh nghiệp mừng bấy nhiêu. Tuy nhiên, có những sửa đổi cần phải quy định cụ thể hơn nữa, vì nếu không, có thể rất khó cho doanh nghiệp khi thực hiện.
Cụ thể, với giải pháp của Bộ Tài chính, doanh nghiệp chỉ kê khai quyết toán thuế TNDN một năm một lần, và tự xác định và tạm nộp tiền thuế theo quí. Tuy nhiên, để đảm bảo giảm thời gian cho doanh nghiệp, chỉ tiêu tạm tính thuế TNDN phải đơn giản và phù hợp.
“Không thể tính theo lợi nhuận kế hoạch hoặc phân bổ đều giữa các quí, mà phải phù hợp với kết quả kinh doanh thực tế hàng quí của doanh nghiệp theo từng thời điểm, như mùa cao điểm, thấp điểm, để tránh tình trạng doanh nghiệp phải đóng thuế TNDN cao trong khi tình hình kinh doanh đang khó khăn”, vị này nói.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần sửa đổi thêm một số nội dung khác nữa.
Ngoài ra, để giảm thời gian đối chiếu số liệu nộp ngân sách giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, có doanh nghiệp đề nghị Tổng cục Thuế có chương trình quản lý, thu nộp ngân sách áp dụng trong toàn quốc để cập nhật, đối chiếu số liệu chính xác giữa cơ quan thuế của các địa phương với kho bạc. Bởi lẽ, hiện nay có trường hợp doanh nghiệp không nợ thuế nhưng vẫn nhận được thông báo còn nợ thuế, nên doanh nghiệp mất nhiều thời gian để sao gửi chứng từ nộp thuế và đến cơ quan thuế để đối chiếu số liệu.
Ông Trần Mai, Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán M&H, cho rằng những sửa đổi này chủ yếu tập trung vào các thông tư mới ban hành gần đây, do đó chỉ giải quyết phần ngọn. Để giải quyết tận gốc, theo ông Mai, phải xây dựng pháp luật, nhất là pháp luật về thuế sao cho dễ hiểu, minh bạch, vì nếu không sẽ kéo theo thủ tục hành chính nhiêu khê, chồng chéo. Trong khi đó, hiện nay luật khá phức tạp, nên khó cho doanh nghiệp hiểu và làm cho đúng.
Khi nói đến số giờ kê khai và nộp thuế so với các nước, Việt Nam nên đi sâu vào phân tích để xem luật nước khác quy định thế nào, như các quy định về chế tài, hậu kiểm, về đại lý thuế, tư vấn thuế, để phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch lớn về thời gian tuân thủ thuế giữa Việt Nam với nhiều nước trong khu vực, ông Mai nói.
Ngoài ra, khâu thực thi cũng quan trọng. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, hiện có nhiều quy định chỉ yêu cầu thủ tục gồm 1-2 giấy tờ, nhưng có tình trạng cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm giấy tờ mà lẽ ra không cần. Chẳng hạn theo Thông tư 156, thủ tục hoàn thuế chỉ cần một loại giấy tờ, nhưng doanh nghiệp được yêu cầu bổ sung thêm các loại giấy tờ khác vì cơ quan thuế sợ phải chịu trách nhiệm khi hoàn thuế sai gây mất tiền nhà nước.
Theo đó, bà Lan Anh cho rằng bên cạnh việc cắt giảm các thủ tục hành chính, cũng cần phải tăng cường hậu kiểm, minh bạch, công khai trong cục thuế, cán bộ thuế để tránh tình trạng cán bộ thuế đưa ra những yêu cầu không đúng với quy định.
Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25-8-2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của bảy thông tư để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế; trong đó đã: • Bỏ quy định khai và tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa, bán sản phẩm tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh. • Bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại phải nhập khẩu trở lại. • Bỏ mức 1 tỉ đồng về điều kiện tài sản, máy móc, thiết bị đầu tư, mua sắm đối với doanh nghiệp mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. • Bỏ điều kiện hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong điều kiện hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (cơ sở kinh doanh sử dụng ngay hóa đơn thương mại trong hồ sơ hải quan). • Bỏ quy định phải lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế đối với xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả nếu có hợp đồng và chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp. • Bỏ 12 chỉ tiêu tại các bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào; bán ra... |
Tốn thời gian nhiều nhất là đối phó với cán bộ thuế Theo ý kiến nhận xét của nhiều doanh nghiệp, các thay đổi liên quan đến thủ tục hành chính về thuế hiện mới chỉ dừng ở khâu hồ sơ thủ tục ban đầu còn một số nguyên nhân khác có thể kể ra bao gồm: 1. Các quy định chưa đồng bộ giữa các quy định về thuế và giữa các quy định về thuế với các quy định khác... 2. Tần suất thay đổi các quy định về thuế tương đối nhiều làm cho doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian điều chỉnh để thích ứng với các quy định mới. 3. Việc thực hiện thanh tra thuế tại các doanh nghiệp đôi khi gây nhiều cảm giác ức chế cho doanh nghiệp và làm mất nhiều thời gian tranh cãi việc áp dụng các quy định về thuế, khiếu nại về quyết định thanh tra thuế... 4. Cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế của một số cán bộ thuế theo chiều hướng suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khiếu nại rất mất thời gian. Thời gian đôi co giữa hai bên mới thực sự nhiều và gây phiền toái. Ngành thuế thực sự cần thay đổi rất nhiều, từ công nghệ, thủ tục, hiệu quả làm việc... nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là con người. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty hợp danh Kiểm toán Việt Nam (CPA Vietnam) |
“Hãy để doanh nghiệp tự định đoạt chi phí của công ty” Dù các khoản chi phí khác như tiếp thị, hoa hồng môi giới, hội nghị... đã được đưa vào loại chi phí không khống chế, nhưng quy định vẫn khống chế 15% với chi phí quảng cáo khiến chúng tôi cảm thấy quyền kinh doanh của mình bị hạn chế. Nếu Chính phủ muốn nới lỏng luật lệ cho doanh nghiệp làm ăn thì nên nới lỏng hoàn toàn, cho doanh nghiệp tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp sẽ tự cân đối, tính toán các khoản tiếp thị, quảng cáo... để tính giá thành sản phẩm sao cho có lãi và vẫn cạnh tranh được với doanh nghiệp khác trên thị trường. Năm nào thấy kinh doanh, làm ăn không được thì chi phí quảng cáo sẽ rất ít, còn ít hơn quy định của Nhà nước và ngược lại. Mỗi năm, chúng tôi phải thực hiện hàng loạt quảng cáo tour mới, dịch vụ mới trên báo chí cùng các phương tiện quảng cáo khác, thường trên 25% trong tổng chi phí của công ty, tức vượt mức quy định của Nhà nước. Do đó, công ty buộc phải trích phần lợi nhuận để lấp vào khoản này và cũng phải bỏ đi một số chương trình quảng cáo dài hơi. Làm tour thì phải quảng cáo khách mới biết. Tour càng mới, càng lạ thì càng phải quảng cáo nên việc khống chế chi phí thì rất khó làm. Ví dụ, với tour mới, đắt tiền như tour đi Nam Cực, đáng lẽ công ty phải quảng cáo liên tục ít nhất khoảng hai năm thì mới bán được nhưng chỉ được một thời gian đành bỏ nửa chừng vì phải dành chi phí (chỉ tiêu) cho những tour khác dù doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi thêm. Nếu doanh nghiệp quảng cáo nhiều rồi nâng giá sản phẩm làm thiệt cho người tiêu dùng hay báo lỗ liên tục gây thiệt hại cho việc thu thuế thì đã có cục thuế, cơ quan quản lý cạnh tranh và cả khách hàng định đoạt. Nhà nước nên làm công tác hậu kiểm, không nên đưa ra con số bao nhiêu phần trăm cho quảng cáo hay chi phí nào cần dành cho tiếp thị. Giám đốc một công ty du lịch tại TPHCM |