Nợ VAMC đã mua hiện được xử lý ra sao?
Hồng Phúc
VAMC ký hợp đồng mua những khoản nợ đầu tiên với Agribank tháng 10-2013. (Ảnh: website VAMC) |
(TBKTSG Online) - Gần 60.000 tỉ đồng nợ xấu trên sổ sách đã được Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua về và hiện đang được xử lý theo nhiều cách.
Thông tin từ VAMC cho biết, tính đến ngày 1-9-2014, VAMC đã mua được 3.591 khoản nợ, tương ứng với 59.511 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng, với giá mua là 49.378 tỉ đồng, của 35 tổ chức tín dụng, trong đó có cả những ngân hàng không thuộc diện phải bán nợ xấu.
Trong số nợ này, VAMC đã thực hiện phân loại 145 khoản nợ với tổng dư nợ là 14.785 tỉ đồng, đồng thời đang thực hiện cơ cấu lại nợ cho 123 cho khách hàng có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng dư nợ gốc là 9.685 tỉ đồng. Mức lãi suất điều chỉnh của khoản nợ sau khi được cơ cấu lại ở thời điểm hiện tại là 10,7%/năm.
Một số khoản nợ được VAMC và tổ chức tín dụng phân tích, đánh giá phương án, dự án có tính khả thi của doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC, để xem xét cho doanh nghiệp vay tiếp tục triển khai dự án dở dang. Các đơn vị này (VAMC và các tổ chức tín dụng) đã ký hạn mức cho vay hàng ngàn tỉ đồng và giải ngân được 450 tỉ đồng, đồng thời xem xét và ủy quyền cho tổ chức tín dụng miễn giảm lãi hàng trăm tỉ đồng cho khách hàng.
Công ty VAMC cũng cho biết đã thu hồi và phát mại được khoảng 1.400 tỉ đồng trong số gần 60.000 tỉ đồng nợ xấu đã mua về. Sau khi phân lại các khoản nợ và tài sản đảm bảo, VAMC đã phối hợp với tổ chức tín dụng để tiến hành phát mại tài sản đối với những khách hàng không có khả năng phục hồi. Trường hợp tổ chức tín dụng xét thấy tự xử lý được thì VAMC ủy quyền thực hiện, nếu khó khăn trong việc phát mại thì VAMC sẽ trực tiếp xử lý. Con số nợ VAMC phát mại tài sản thông qua đấu giá hiện gần 400 tỉ đồng.
Công ty cũng đã thu giữ tài sản tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải phòng, Đà Nẵng… trị giá trên 300 tỉ đồng và đang triển khai tiếp với nhiều khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh sau khi thống nhất cho khách hàng tự xử lý. Lưu ý rằng tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm tới 60-70% tổng số tài sản đảm bảo các khoản nợ VAMC đã mua.
Việc khởi kiện và ủy quyền khởi kiện còn rắc rối. Theo qui định hiện nay thì pháp nhân không được ủy quyền cho pháp nhân khởi kiện, chỉ được ủy quyền cho cá nhân khởi kiện tại tòa. Thêm vào đó, tòa án vẫn không cho phép VAMC được kế thừa việc tổ chức tín dụng đã khởi kiện trước khi bán nợ. Vì thế, để khắc phục khó khăn, VAMC đã trực tiếp khởi kiện gần 200 khách hàng tại tòa, sau đó ủy quyền cho tổ chức tín dụng “theo kiện đến cùng”.
Đặc biệt, công ty cho biết việc bán lại nợ xấu của VAMC cho bên thứ ba cũng có những tín hiệu khả quan khi mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế ngỏ ý muốn mua lại các khoản nợ xấu của VAMC. “Danh mục tài sản đã được phân loại để chào bán cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. VAMC đã ký bảo mật thông tin cung cấp danh mục tài sản với 16 tổ chức đầu tư trong nước và quốc tế. Đáng lưu ý, nhiều nhà đầu tư lớn đã quan tâm và ký thông tin bảo mật với VAMC. Đây là cơ hội để sau khi tháo gỡ những vướng mắc trong việc bán tài sản, bán nợ, VAMC có thể triển khai bán nợ theo giá thị trường cho nhà đầu tư quốc tế”, một lãnh đạo công ty chia sẻ với TBKTSG Online.
Chiến lược mua, bán nợ xấu theo giá thị trường của VAMC đang được xây dựng và trình Chính phủ. Công ty dự kiến sẽ chào bán khoản nợ và tài sản sẽ mua khoảng từ 150.000 tỉ đồng trở lên. Bởi vì theo dự kiến đến năm 2016, số nợ xấu VAMC dự kiến mua đạt khoảng 150.000 tỉ đồng đến 200.000 tỉ đồng, nhưng số nợ xấu xử lý, thu hồi đến 2016 dự kiến đạt khoảng 20.000 tỉ đến 40.000 tỉ đồng, phần còn lại sẽ đem bán theo giá thị trường.
Công ty này hiện đang kêu gọi và đề nghị sự ủng hộ của các ngành các cấp trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý về tài sản đảm bảo, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, hình thành trung tâm đấu giá mang tính chuyên nghiệp, công khai minh bạch. Đồng thời VAMC muốn chủ động tiếp cận nguồn vốn dài hạn của các tổ chức quốc tế để vay vốn mua nợ xấu theo giá thị trường nếu xét thấy có hiệu quả, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu theo hướng tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp.
Nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia xử lý nợ xấu
Sức ‘đề kháng’ của các ngân hàng tiếp tục yếu đi
Techcombank sẽ bán trên 1.500 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC