Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mười sự kiện quốc tế lớn năm 2014

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mười sự kiện quốc tế lớn năm 2014

Phúc Minh

Mười sự kiện quốc tế lớn năm 2014
Tạp chí Time của Mỹ bình chọn những người trực tiếp chiến đấu với dịch Ebola là Nhân vật của năm 2014. Ảnh: Time

(TBKTSG Online) - Năm 2014, thế giới chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng và bất ổn. Dưới đây là 10 sự kiện có ảnh hưởng lớn của năm 2014 được nhiều báo trên thế giới điểm lại trong thời gian qua.

1. Dịch Ebola

Dịch Ebola bùng phát tại Guinea vào tháng 3-2014, vượt ra khỏi ranh giới châu Phi khiến hơn 6.000 người thiệt mạng trong tổng số hơn 17.000 người nhiễm bệnh.

Dịch Ebola tác động mạnh đến nền kinh tế 16 nước Tây Phi. Đầu tư vào các nước Tây Phi giảm đáng kể do các nhà đầu tư lo sợ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh. Doanh thu từ dịch vụ hàng không, khách sạn và lữ hành đều giảm do số lượng khách đăng ký du lịch giảm đến 30%. Theo dự báo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt, đến năm 2015, kinh tế các nước Tây Phi có thể bị thiệt hại đến 32 tỉ đô la Mỹ.

Mỹ phải đưa 3.000 quân đến vùng dịch để phối hợp cứu trợ và kiểm soát dịch bệnh.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đang thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 1 trên người tình nguyện.

2. Xung đột Ukraine, Nga sáp nhập Crimea

Xe tăng trên đường phố Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: Independent

Các cuộc biểu tình lớn ở Ukraine diễn ra từ tháng 1, liên quan đến việc ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU), làm bùng nổ xung đột giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình. Tháng 2-2012, Tổng thống Vikto Yanukovich phải chạy khỏi thủ đô Kiev và một chính phủ lâm thời được thiết lập.

Ngày 27-2, biểu tình chống chính phủ lâm thời nổ ra tại Crimea, khu vực thân Nga ở đông Ukraine. Nga đưa quân đến Crimea khiến nhiều nước bất bình và lên án. Tiếp đó, chính quyền Crimea tuyên bố trưng cầu dân ý, đa phần người dân ủng hộ sáp nhập vào Nga. Ngày 21-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh chính thức sáp nhập Crimea vào nước Nga.

Mỹ, EU áp đặt nhiều vòng trừng phạt Nga. Vòng trừng phạt mạnh nhất nhằm vào các công ty quốc phòng, năng lượng, ngân hàng lớn của Nga.

Tiếp theo Crimea, các khu vực khác ở đông Ukraine cũng biểu tình đòi liên bang hóa. Chính phủ trung ương Ukraine phát động chiến dịch trấn áp những người biểu tình ở đông Ukraine từ giữa tháng 4-2014, dẫn đến các cuộc giao tranh bạo lực tại các điểm nóng như Donetsk, Lugansk và Mariupol. Theo dữ liệu của Liên hiệp quốc (LHQ), chiến sự ác liệt kéo dài tại đông Ukraine đã khiến hơn 4.300 dân thường thiệt mạng và 10.000 người khác bị thương, gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Hiện, các bên xung đột hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi.

Do cấm vận  của phương Tây và giá dầu giảm, nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng. Đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ. Bộ Tài chính Nga ươc tính thiệt hại do cấm vận và giá dầu giảm lên tới 140 tỉ đô la Mỹ/năm và dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 ở mức âm.

3. Máy bay Malaysia Airline mất tích

MH370 mất tích trở thành một trong những "bí ẩn" lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Ảnh: NPC

Tháng 3-2014, chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airline, chở 12 nhân viên phi hành đoàn và 227 hành khách từ 15 nước, trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh thì mất tích khoảng một giờ sau khi cất cánh. Mặc cho nhiều giả thuyết được đưa ra và nỗ lực tìm kiếm của nhiều nước trên thế giới, đến nay, tung tích chiếc máy bay xấu số này vẫn chưa có lời đáp. MH370 trở thành một trong những "bí ẩn" lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Đến tháng 7-2014, chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airline, đi từ Amsterdam tới Kuala Lumpur, bị bắn rơi ở đông Ukraine - khu vực đang có giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai Ukraine - khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Hiện, các nước được cho là có liên quan đến vụ việc đang đưa ra nhiều thông tin có liên quan đến MH17 nhưng kết quả điều tra vẫn chưa được công bố.

4. Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)

Khói bốc lên sau khi khi quân đội Mỹ và đồng minh không kích thành phố Kobani, Syria. Ảnh: Reuters

Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm các khu vực rộng lớn ở miền bắc Iraq trong mùa hè và nới rộng hoạt động sang nước láng giềng Syria. Tuy nhiên, truyền thông và dư luận thế giới chỉ thật sự chú ý đến sự trỗi dậy của IS khi nhóm khủng bố này tung lên mạng internet các đoạn video quay cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley ngày 19-8.

Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cảnh báo IS sở hữu từ 20.000-31.500 tay súng, trong đó có hàng ngàn công dân phương Tây. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đánh giá IS là nhóm khủng bố giàu nhất thế giới với tài sản khoảng 2 tỉ đô la Mỹ, nguồn thu lớn nhất đến từ dầu khí. Với sự trỗi dậy của IS, nhiều nhóm phiến quân có liên hệ với Al Qaeda ngả về phía IS, biến IS thành mạng lưới khủng bố toàn cầu.

Ngày 7-8, Mỹ và đồng minh bắt đầu không kích IS tại Iraq. Ngày 23-9, Mỹ và đồng minh bắt đầu không kích IS tại Syria.

IS liên tiếp chặt đầu con tin nước ngoài để đáp trả các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh như nhà báo Mỹ Steven Sotloff, các nhân viên cứu trợ người Anh David Haines và Alan Henning, và công dân Mỹ Peter Kassig.

Hiện, Mỹ và đồng minh đang đẩy mạnh không kích IS. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy IS sẽ sớm bị tiêu diệt.

5. Đảo chính quân sự tại Thái Lan

Ngày 22-5, Tham mưu trưởng lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha (giữa) xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố quân đội đã giành quyền kiểm soát chính phủ. Ảnh: EPA

Ngày 20-5, Tham mưu trưởng lục quân, Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố thiết quân luật trên toàn quốc nhằm khôi phục hòa bình trong bối cảnh căng thẳng chính trị kéo dài nhiều tháng tại Thái Lan tiếp tục leo thang và tuyên bố “động thái này nhằm vãn hồi hòa bình cho tất cả mọi phe phái, không phải đảo chính”.

Trong 7 tháng trước đó, biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan đã khiến 28 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Tình hình chính trị tại Thái Lan căng thẳng hơn khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị phế truất vào đầu tháng 5-2014.

Tuy nhiên, hai ngày sau đó, Tướng Chan-ocha thông báo nắm quyền lãnh đạo đất nước từ chính phủ lâm thời. Đây là cuộc đảo chính quân sự lần hai tại Thái Lan trong vòng chưa đầy 10 năm qua.

6. Scotland bỏ phiếu tách khỏi Anh

Ngày 18-8, cử tri Scotland bỏ phiếu trả lời câu hỏi: "Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập?" Ảnh: BBC

Trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập ngày 18-9, hơn 54% cử tri Scotland đã bỏ phiếu nhất trí tiếp tục là một phần của Anh. Lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cao kỷ lục với gần 4,3 triệu người, chiếm hơn 80% tổng số cử tri, trả lời cho câu hỏi: "Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập?"

Việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh không chỉ nóng với Anh mà còn gây chú ý cho các nước châu Âu và thế giới.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ gây ra tác động tiêu cực lẫn bất ổn trong quá trình chuyển đổi hệ thống tiền tệ, tài chính và cả nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại Scotland sẽ tăng khi các tập đoàn lớn quyết định rút vốn hoặc chuyển hướng hoạt động.

Nhiều nước châu Âu lo ngại Scotland độc lập sẽ tạo ra "cơn lốc ly khai" cho nhiều vùng đất, từ Catalan (Tây Ban Nha) đến khu vực nói tiếng Hà Lan Flemish (Bỉ). Bên cạnh đó, các nước châu Âu mà sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính-kinh tế còn chưa chắc chắn không muốn thấy thêm những biến động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường của các nước trong khối.

7. Biểu tình lan rộng tại Mỹ

Cảnh sát bắt người biểu tình tại thành phố Ferguson. Ảnh: Reuters

Biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Mỹ và có xu hướng biến thành bạo loạn để phản đối việc các cảnh sát viên da trắng bắn chết những người da đen không vũ khí mà không bị truy tố.

Ngày 24-11, bồi thẩm đoàn tại thành phố Ferguson, bang Missouri, ra phán quyết không truy tố cảnh sát Darren Wilson, người đã bắn chết thanh niên da đen Michael Brown, 18 tuổi, vào tháng 8-2014 làm bùng nổ biểu tình tại 170 thành phố của Mỹ - theo CNN. Lực lượng vệ binh quốc gia và cảnh sát Mỹ đã bắt giữ hơn 400 người tại Ferguson  và các thành phố khác của Mỹ khi cố gắng đẩy lùi bạo lực.

Đến ngày 3-12, các cuộc biểu tình mới bắt đầu khi bồi thẩm đoàn tại New York quyết định không truy tố cảnh sát Daniel Pantaleo, đã siết cổ người đàn ông da đen Eric Garner, 43 tuổi, có sáu đứa con, đến chết.

Vụ Michael Brown và Eric Garner thổi bùng lên căng thẳng về tình trạng cảnh sát sử dụng bạo lực quá mức và nạn kỳ thị chủng tộc tại nơi có đông người da đen sinh sống này. Từ nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ căng thẳng luôn âm ỉ giữa cảnh sát và những người Mỹ gốc Phi. Nhiều người da đen tin rằng hệ thống pháp lý của Mỹ cũng như giới thực thi pháp luật tại nước này không đối xử công bằng với họ.

Hiện, hàng chục ngàn người Mỹ đang có kế hoạch tiếp tục biểu tình tại hàng chục thành phố từ New York, Chicago, Philadelphia tới Miami, Minneapolis và Seattle. Mục sư Al Sharpton, một nhà hoạt động dân quyền, thông báo kế hoạch biểu tình tại thủ đô Washington vào ngày 13-12 và kêu gọi mọi người tham gia Cuộc tuần hành toàn quốc chống bạo động của cảnh sát để phản đối việc giết hại các ông Garner, Borwn và những người khác.

8. Phong trào biểu tình “Chiếm trung tâm” tại Hồng Kông

Vào lúc đỉnh điểm, phong trào biểu tình "Chiếm trung tâm" thu hút hơn 100.000 người tham gia. Ảnh: AP

Phong trào biểu tình "Chiếm trung tâm" tại Hồng Kông, yêu cầu được bầu cử hoàn toàn tự do, bắt đầu từ ngày 28-9, với ba lực lượng chính gồm tổ chức Chiếm trung tâm (OC), Liên đoàn sinh viên Hồng Kông (HKFS) và nhóm Học dân Tư triều (Scholarism). Vào lúc đỉnh điểm, phong trào này thu hút hơn 100.000 người tham gia.

Sau 75 ngày chiếm đóng đường phố, ngày 11-12, cuộc biểu tình đã chấm dứt, cảnh sát Hồng Kông bắt giữ 247 người biểu tình “Chiếm trung tâm” và giải tỏa các điểm biểu tình cuối cùng.

Tuy nhiên, các lãnh đạo sinh viên tuyên bố sẽ tiếp tục sự nghiệp dân chủ theo cách khác sau lễ Giáng sinh.

9. Cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc

Vụ điều tra và bắt giữ cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang được xem là thành công nhất trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi". Ảnh: THX

Cuộc chiến chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” tại Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động thu được nhiều kết quả với 56 quan chức cấp cao và 18.000 quan chức địa phương bị điều tra hoặc truy tố, gây chú ý trên thế giới và được dư luận đánh giá cao.

Nổi bật nhất là vụ điều tra và bắt giữ cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, một trong số những người quyền lực bậc nhất của Trung Quốc một thời. Trước khi nghỉ hưu cách đây hai năm, ông là người đứng đầu bộ máy an ninh nội bộ của Trung Quốc.

Ông Chu là quan chức cao cấp nhất bị tố tội tham nhũng kể từ khi nước CHND Trung Hoa thành lập vào năm 1949, và cũng là quan chức Trung Quốc cao cấp nhất bị đưa ra xét xử kể từ sau vụ xử Tứ nhân bang khi kết thúc Cách mạng Văn hóa năm 1976.

10. Giá dầu giảm mạnh

Giá dầu thô giảm mạnh hơn 40% kể từ tháng 6-2014 đến nay. Ảnh: WSJ

Giá dầu thô giảm mạnh hơn 40% kể từ tháng 6-2014, xuống mức thấp kỷ lục trong năm năm qua, chỉ hơn 60 đô la Mỹ/thùng vào ngày 10-12. Tuy nhiên, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cắt giảm sản lượng để thúc đẩy giá dầu tăng trở lại. Giới phân tích nhận định OPEC quyết giữ thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt của các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ.

Giá dầu giảm mạnh tác động xấu đến nguồn thu của các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và ước định ngân sách dựa vào giá dầu như các nước vùng Vịnh, Iran, Iraq, Venezuela, Nga, Kazakistan hay Nigeria. Chính phủ Nga thừa nhận thiệt hại khoảng 100 tỉ đô la Mỹ/năm vì giá dầu sụt giảm.

Tuy nhiên, giá dầu giảm làm cho giá xăng bán lẻ tại các nước giảm theo. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng giá dầu giảm sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng người tiêu dùng toàn cầu sẽ được hưởng lợi lớn từ giá dầu giảm.

Mới đây, ngân hàng Morgan Stanley dự báo giá dầu có thể giảm xuống đến 43 đô la Mỹ/thùng vào năm 2015.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới