Doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Thu Nguyệt
(TBKTSG) - Trong năm tới, thay vì xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho từng lô hàng xuất khẩu, doanh nghiệp có thể chủ động tự khai báo xuất xứ trên hóa đơn thương mại.
Dự kiến vào khoảng đầu năm tới, doanh nghiệp sản xuất sẽ được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang Indonesia, Philippines và Lào. Đây là một dự án thí điểm mà Việt Nam tham gia nhằm chuẩn bị cho việc áp dụng rộng rãi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho toàn khối ASEAN vào năm 2015, song song với hệ thống thông thường như hiện nay.
Tại một hội thảo do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào cuối tháng 11-2014, ông Vương Đức Anh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết dự án này sẽ kéo dài khoảng một năm. Sau đó, các nước ASEAN sẽ cùng thống nhất về việc áp dụng, và đối tượng doanh nghiệp cũng như thị trường áp dụng sẽ rộng hơn chứ không bó hẹp như trong dự án thí điểm này.
Không chỉ với ASEAN, tự chứng nhận xuất xứ là xu thế trong các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam chuẩn bị tham gia, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các thị trường lớn như Mỹ.
Do đó, Bộ Công Thương cũng tính toán chuyển dần từ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ sang hình thức doanh nghiệp tự chứng nhận, ông Vương Đức Anh cho biết.
Mặc dù không có nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng hóa qua ba thị trường nêu trên, nhưng đây có thể là cơ hội để doanh nghiệp tích lũy kinh nghiệm về tự chứng nhận xuất xứ nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do sắp tới.
Đỡ mất thời gian cho doanh nghiệp
Bà Trương Thị Bình, Giám đốc kinh doanh tại Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành, cho biết sản phẩm của công ty chủ yếu làm từ gỗ rừng trồng, như gỗ cao su, nên có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Việc xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khá thuận lợi, tuy nhiên, việc đi lại xin chứng nhận này làm mất thời gian của doanh nghiệp.
Sau khi nộp đủ hồ sơ, thường phải 2-3 ngày sau doanh nghiệp mới nhận được giấy chứng nhận xuất xứ. Hiện công ty đang sử dụng ba nhân viên cho việc xin giấy chứng nhận xuất xứ, khai hải quan...
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), với việc phải xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho từng đơn hàng như hiện nay, doanh nghiệp phải tốn chi phí, thời gian và dễ bị phạt vì giao hàng trễ.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa rồi mới xin C/O. Nếu hàng hóa là sản phẩm đặc biệt, doanh nghiệp phải giải trình, chứng minh và nơi cấp C/O cũng phải đến doanh nghiệp để kiểm tra, chứng thực. Theo đó, có khi hàng hóa đã cập cảng, nhưng giấy tờ C/O chưa hoàn thành nên doanh nghiệp phải lưu hàng hóa ở kho bãi và bị phạt vi phạm hợp đồng vì giao hàng chậm.
Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc xin C/O để hưởng ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã mất công đàm phán và tham gia ký kết.
Theo bà Hương, vì thấy phiền hà khi phải làm thêm thủ tục, nhiều doanh nghiệp chỉ xin C/O khi nhà nhập khẩu yêu cầu.
Với việc cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhiều người kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan. Bởi doanh nghiệp sẽ bớt được chi phí, thời gian và tăng sự chủ động. Thay vì phải đi xin C/O do tổ chức được Chính phủ ủy quyền cấp, doanh nghiệp đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ sẽ tự lập một tờ khai hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và gửi cho nhà nhập khẩu. Tờ khai hóa đơn bắt buộc phải được ký bằng tay và ghi đầy đủ họ tên người ký. Nhà nhập khẩu sẽ xuất trình tờ khai hóa đơn này cho cơ quan hải quan tại thời điểm nhập khẩu để được hưởng các đối xử ưu đãi.
Phải đáp ứng nhiều tiêu chí
Hiện trong khối ASEAN có hai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ. Dự án số 1 cho phép các nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ, nhưng với dự án số 2 mà Việt Nam tham gia, chỉ có doanh nghiệp sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu mới đủ điều kiện tham gia.
Với tiêu chí đầu tiên này, những doanh nghiệp chỉ thực hiện công đoạn đơn giản không được xem là nhà sản xuất đủ điều kiện để tham gia tự chứng nhận xuất xứ. Chẳng hạn một doanh nghiệp lớn nhưng mua cà phê từ nông dân và chỉ thực hiện công đoạn đơn giản như đóng gói và xuất khẩu, theo bà Deborah K. Elms, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Thương mại châu Á (đặt tại Singapore).
Tiêu chí kế tiếp là doanh nghiệp không được vi phạm các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, thuế, hải quan. Ngoài ra, dự kiến doanh nghiệp phải đạt được một kim ngạch xuất khẩu nhất định (hiện chưa xác định), và có cán bộ chuyên trách am hiểu các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định thương mại (hàng hóa ASEAN - PV).
Đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia, bà Deborah K. Elms cho rằng, tiêu chí để chọn ra nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ nên là doanh nghiệp có đủ khả năng thực hiện, bất kể là công ty quy mô lớn hay nhỏ. Chẳng hạn chọn sản phẩm có nguyên liệu và quy trình sản xuất tại Việt Nam để dễ dàng tự chứng nhận, thay vì những sản phẩm phức tạp, có nhiều chi tiết, linh kiện, khó thực hiện việc tự chứng nhận hơn.
Để được tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp phải nắm rõ quy định về xuất xứ với từng mặt hàng cụ thể, cũng như xây dựng bộ phận chuyên trách về xuất xứ và có hệ thống lưu trữ chứng từ trong 3-5 năm để cơ quan quản lý kiểm tra thường xuyên hay đột xuất khi có yêu cầu xác minh từ nước nhập khẩu. Hơn nữa, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung tự khai báo, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép tự chứng nhận xuất xứ và bị xử phạt hành chính.
Theo bà Deborah K. Elms, khi một công ty tự chứng nhận xuất xứ bị phát hiện gian lận, các nước nhập khẩu thường sẽ không chấp nhận việc tự chứng nhận C/O của cả một ngành sản xuất tại Việt Nam, chứ không chỉ riêng công ty vi phạm. Do đó, Việt Nam phải có xử phạt nặng để răn đe, và tăng cường tập huấn cho doanh nghiệp. Hiện tại Singapore, doanh nghiệp vi phạm chịu mức phạt gấp 2-3 lần giá trị lô hàng xuất khẩu và còn phải ngồi tù.
Do những rủi ro cũng như sự đòi hỏi về hiểu biết và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tự chứng nhận xuất xứ, nên trên thực tế, tại ASEAN, không phải công ty nào cũng muốn tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, theo bà Deborah K. Elms. Có những rủi ro như bị quy trách nhiệm nếu bên đối tác cung cấp hàng hóa không tuân thủ quy tắc xuất xứ, hay các quy tắc xuất xứ thường phức tạp nên cán bộ hải quan sẽ diễn giải theo những cách khác nhau.
Ngoài ra, theo bà Hương, việc tự chứng nhận xuất xứ cũng phát sinh rủi ro như khả năng xảy ra gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp qua Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi cũng như gian lận thương mại hàng nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam.
Doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào 3 nước ASEAN