Giải cứu công nhân kẹt trong hầm thủy điện rất khẩn cấp
Văn Nam - Trần Minh
(TBKTSG Online) – Cuộc giải cứu 12 công nhân kẹt trong hầm thủy điện Đa Dâng bị sập đang trở nên rất khẩn cấp và căng thẳng khi nước trong hầm càng lúc càng dâng lên và hiện đã cao đến bụng. Lực lượng cứu hộ dự kiến phải mất vài ba ngày nữa mới đưa được công nhân ra ngoài. Tình thế khẩn cấp cũng đã khiến cả ba bộ trưởng các bộ Công Thương, Y tế và Xây dựng phải đến ngay tại hiện trường hôm nay để chỉ đạo cuộc giải cứu.
![]() |
Lực lượng cứu hộ đang khẩn trương khoan và đào đất ra để đưa công nhân ra ngoài - Ảnh: Trần Minh |
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online lúc 19 giờ tối nay (17-12), ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho hay tình hình cứu hộ hiện rất khẩn trương bởi nước bên trong hầm đã dâng lên tới bụng. Ông Cảnh cho biết hiện đã có thêm chín kỹ sư được Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam tăng cường vào hiện trường.
Cũng trong chiều nay có thêm 45 chiến sĩ Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM trên đường hướng về Lâm Đông tăng viện cho việc cứu hộ. Ngoài ra, một đoàn bác sĩ, y tá từ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cũng đã được tăng cường vào khu vực thủy điện Đa Dâng, sẵn sàng cho công tác chăm sóc sức khỏe nạn nhân.
![]() |
Đã có thêm 45 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM lên tiếp ứng cho công tác cứu hộ - Ảnh: Trần Minh. |
“Sức khỏe các công nhân trong hầm đều ổn định. Hiện chúng tôi phải thực hiện song song nhiều mũi khoan, một mũi khoan rút nước, mũi khác khoan từ bên trên hầm xuống đường kính khoảng 70 cm để thả dây xuống kéo người lên, chưa kể phải liên tục đào đất ra. Nhanh nhất cũng phải mất vài ba ngày nữa mới cứu được anh em ra. Thật may là hôm nay trời không mưa nên mọi việc cũng thuận lợi, sữa, thức ăn và oxy liên tục được đưa vào”, ông Cảnh nói.
Như vậy, tính cho đến 19 giờ tối nay (17-12) là đã tròn 36 giờ các công nhân phải chịu đói, rét, ẩm ướt bên trong hầm bị sập của thủy điện Đa Dâng.
![]() |
Toàn cảnh đường hầm bị sập nhìn từ phía sau dãy núi - Ảnh: Trần Minh |
Theo ghi nhận của cộng tác viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại hiện trường chiều nay, khi công binh đào vào đến đâu thì nước và bùn cứ tràn ra tới đó nên nếu tiếp tục đào tại vị trí đất đá sập như hiện nay rất dễ có nguy cơ sập thêm. Do vậy, lực lượng cứu hộ tính đến phương án gia cố cọc chống, rút nước bên trong vốn lúc này đang dâng cao hơn 1 mét, rất nguy hiểm cho các nạn nhân.
Xem thêm:
>> Đất nhão, nước ngập gây khó cho cứu hộ công nhân sập hầm
>> TPHCM chi viện cứu hộ công nhân sập hầm thủy điện
>> Sập hầm thủy điện Đa Dâng, Lâm Đồng: 11 công nhân bị kẹt trong núi