Thứ Sáu, 9/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Công bố quy tắc nhận diện nạn quấy rối tình dục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công bố quy tắc nhận diện nạn quấy rối tình dục

Thùy Dung

Công bố quy tắc nhận diện nạn quấy rối tình dục
Giám đốc ILO phát biểu tại buổi công bố Bộ quy tắc ứng xử – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Một bộ quy tắc ứng xử mới được xây dựng với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được hy vọng sẽ giúp Chính phủ, chủ sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam nhận diện, ngăn chặn và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc thông qua những hướng dẫn cụ thể.

Được xây dựng bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ quy tắc khuyến khích sự áp dụng rộng rãi tại mọi doanh nghiệp, cả ở khu vực công và tư, trên cơ sở tự nguyện.

Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam được công bố sáng nay (25-5) tại Hà Nội.

Theo Bộ LĐTBXH, quá trình xây dựng Bộ quy tắc được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ và có tham khảo các bộ quy tắc thực hành phòng chống quấy rối tình dục sẵn có trên thế giới.

Bộ Luật Lao động 2012 đã quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng LĐTBXH Phạm Minh Huân, các quy định của pháp luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu văn bản, tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi quấy rối tình dục, làm cho việc phòng chống và xử lý hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế.

“Trong bối cảnh đó, Bộ quy tắc nhằm mục đích giúp người sử dụng lao động và người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, giúp phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chất lượng cao.” – Thứ trưởng Huân nói.

Theo Bộ quy tắc này, các hình thức quấy rối tình dục có thể nhận biết như hành vi quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm sờ mó, cấu véo thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm… Ngoài ra còn có hành vi quấy rối bằng lời nói và phi lời nói như có những lời ngụ ý, đề nghị hoặc yêu cầu một cách liên tục hoặc chỉ là những biểu hiện như nháy mắt hoặc phô bày những tài liệu khiêu dâm…

Ngoài ra còn có quấy rối tình dục trao đổi, tức là khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục…

Để ngăn ngừa những hành vi này, Bộ quy tắc đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động, công đoàn và người lao động về thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, làm thế nào để phòng ngừa hành vi này, và cần thực hiện những bước nào nếu hành vi này diễn ra.

Thực tế, hiện tượng quấy rối tình dục tại nơi làm việc đang trở thành một vấn nạn. Một nghiên cứu do Bộ LĐTBXH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO trong năm 2012 cho thấy, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là lao động nữ tuổi từ 18 đến 30. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc.

Giám đốc ILO Việt Nam, Gyorgy Sziraczki cho hay, quấy rối tình dục không chỉ gây căng thẳng về cảm xúc và thể chất của nạn nhân, ảnh hưởng đến khả năng làm việc của họ, mà còn làm giảm năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính và Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cam kết cùng hợp tác để thực hiện bộ quy tắc một cách hiệu quả, nhằm xây dựng văn hóa tại nơi làm việc không dung thứ hành vi quấy rối tình dục.

Đọc thêm:

Văn hóa ứng xử nơi công sở: Đầu tiên nên tập cười

Doanh nghiệp gia đình: xây dựng thế hệ kế thừa?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới