Thứ ba, 20/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Right” chỉ một nhưng “quyền” thì nhiều…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Right” chỉ một nhưng “quyền” thì nhiều…

Huy Nam (*)

Bài 28:

“Right” chỉ một nhưng “quyền” thì nhiều…

Một vấn đề lớn trong thị trường chứng khoán ở nước ta hiện nay vẫn còn bị thả nổi là việc sử dụng các thuật ngữ (terminology) và biệt ngữ (jargon).

Sự thông hiểu do đó thường kém, dễ gây tranh cãi. Người dịch nếu yếu nghiệp vụ và ít khả năng phân tích có thể bị rối, gây ra lẫn lộn… Chẳng hạn, nếu ta dịch thuật ngữ call là “quyền chọn mua” thì rất dễ bị “bắt bẻ”. Vì bản chất rightwarrant cũng có quyền chọn mua. Thế nên, trước khi chọn tên Việt cho các thuật ngữ kia ta hãy xem từng bối cảnh mà chúng được sử dụng thế nào.

* Call: còn được gọi là call option (cùng với put hay put option) là một loại derivative security (chứng khoán phái sinh) trong môi trường mua bán options (hợp đồng tùy chọn). Thị trường này xuất phát từ các underlying stocks (chứng khoán cơ sở, có giá trị cụ thể) nên còn được gọi là dẫn xuất (derivative).

Đây là một sản phẩm (đúng hơn là dịch vụ) bổ sung cho thị trường chứng khoán, phục vụ cho chiến lược đầu tư, đặc biệt để triển hạn việc mua bán và phòng ngừa rủi ro. Bên mua hợp đồng (option buyer hay call/put buyer hoặc holder) được “quyền” (right) định đoạt việc mua (với call) hay bán (với put) một lượng chứng khoán mà bên bán hợp đồng (writer) có nghĩa vụ phải thực hiện. Trong quan hệ này, bên holder phải trả phí (họ có right) còn bên writer được nhận phí (họ chịu obligation).

* Right: khác với call (cũng như với warrant sẽ được đề cập bên dưới), right là chứng nhận được cấp đương nhiên cho người đang sở hữu cổ phiếu của một công ty khi công ty này có kế hoạch phát hành cổ phần mới để huy động vốn. Người nhận right (là các cổ đông) sẽ được mua một “lượng” cổ phần mới tương ứng khi đợt phát hành có hiêu lực.

* Warrant: khác với rightcall, warrant được phát hành kèm theo các đợt huy động vốn bằng trái phiếu (bonds) hoặc cổ phần ưu đãi (preferred stock). Công ty cam kết sẽ bán cho người có warrant một lượng cổ phần định sẵn. Như vậy người nhận warrant chưa phải là cổ đông, nhưng đến thời điểm hiệu lực họ có “quyền” (right) mua một lượng cổ phần nhất định.

Ta thấy đấy, cả call – right – warrant đều có chung quyền chọn mua cổ phiếu, trong khi bối cảnh mỗi loại lại hoàn toàn khác nhau. Đó là ta khoanh lại ở “quyền chọn mua”, chứ nếu nói “quyền” không thôi thì sẽ còn đụng đến nhiều trường hợp khác. Vấn đề do đó không đơn giản là việc dịch thuật, mà cần thiết phải đặt tên thuật ngữ sao cho phân biệt và, quan trọng hơn, phải hiểu nghiệp vụ. Ta sẽ làm việc này trong các chuyên đề khác.

--

(*) Chuyên gia tài chính-chứng khoán, tác giả sách "Tài chính chứng khoán qua nhịp cầu Anh-Việt" do NXB Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Trung tâm kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hợp tác xuất bản.

Một số bạn đọc hỏi mua cuốn sách này song tòa soạn xin cáo lỗi là sách đã bán hết nên không thể đáp ứng yêu cầu của các bạn. Trong khi chờ đợi cuốn sách được tái bản, các bạn có thể tham khảo nội dung sách qua loạt bài này.

Đường dẫn tới các bài trước được đăng trong mục Tin bài khác bên dưới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới