Thứ ba, 13/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu QH: Quan không được vắng mặt tại tòa khi dân kiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại biểu QH: Quan không được vắng mặt tại tòa khi dân kiện

Vân Ly

Đại biểu QH: Quan không được vắng mặt tại tòa khi dân kiện
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: Vân Ly

(TBKTSG Online) - Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) diễn ra vào ngày 23-6, các đại biểu Quốc hội cho rằng "quan" không được vắng mặt tại phiên tòa xét xử khi bị dân kiện.

"Quan" phải có mặt tại phiên tòa

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, bản chất của các vụ kiện hành chính là dân kiện quan vì người ra các quyết định hành chính là quan. Do vậy, để việc xét xử được chính xác, khách quan, hội đồng xét xử cần điều hành sao để bên khởi kiện và bên bị kiện đều có thể trình bày được các chứng cứ của mình.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Nguyễn Trung Thu, bên bị kiện là cơ quan hành chính thường có đơn xin vắng mặt khiến việc xét xử diễn ra khó khăn, khó sáng tỏ nội dung của người đi kiện. Do vậy, dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) cần có quy định bắt buộc bên bị kiện phải tham gia. Nếu vắng mặt thì bên bị kiện sẽ mất quyền phản đối với tình tiết bên kiện đưa ra. Trường hợp trưởng cơ quan bị kiện không thể tham gia thì phải có sự ủy quyền để tham gia phiên tòa.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Trung Thu, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM), Phạm Văn Hà (Nghệ An) cũng cho rằng trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính bị kiện vắng mặt thì cần phải ủy quyền cho người trực tiếp xử lý vụ việc.

Các đại biểu cho rằng, nếu không cho phép người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền tại các vụ kiện thì sẽ khó khăn vì họ có nhiều việc. Tuy nhiên, việc ủy quyền phải được thực hiện với người có trách nhiệm chứ không phải ủy quyền cho người đến tham dự, để nghe và về báo cáo. Do đó, nên quy định phải ủy quyền cho cấp phó vì đó là người có trách nhiệm trong việc xử lý.

Tòa nào có thẩm quyền xét xử tố tụng hành chính cấp huyện?

Theo dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), việc xét xử các vụ tố tụng hành chính của liên quan đến ủy ban nhân dân hay chủ tịch cấp huyện thì giao cho tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện. Tuy nhiên các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến khác nhau về nội dung này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền cho rằng có thể giao cho tòa án cấp huyện xử các vụ nêu trên. Trước đây, tòa án cấp huyện chỉ xét xử vụ án có khung hình phạt đến 2 năm, giờ đã lên đến 7 năm, trình độ năng lực của thẩm phán cấp huyện đã được nâng cao. Ông cho rằng không nên sợ thẩm phán không dám đối đầu với quan địa phương mà quy định như vậy. Theo ông, việc để tòa án cấp huyện xét xử hành vi hành chính cùng cấp đáp ứng mong muốn của người dân được tiếp cận công lý gần hơn. Nên để thẩm quyền giải quyết các vụ án liên quan cấp huyện vẫn là tòa án cấp huyện.

Trái ngược với quan điểm của đại biểu Thuyền được nêu trên, cũng phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc bà Lê Thị Nguyệt cho rằng quy định như dự thảo là hợp lý vì ít nhiều các thẩm phán khi xét xử các hành vi của lãnh đạo cơ quan chính quyền cùng cấp cũng có sự nể nang.

Cũng phát biểu về nội dung này, tại cuộc thảo luận ở tổ, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trước đây tố tụng hành chính cấp huyện tòa án huyện xử. Về lý thuyết, tòa án xét xử độc lập. Nhưng bà Nga lấy ví dụ, một ông chủ tịch huyện bị kiện (thường là phó bí thư), mà thẩm phán lại là đảng viên công tác tại tòa án nên có quan hệ lệ thuộc với ông phó bí thư huyện. Ngoài ra tòa án có sự lệ thuộc nhất định về kinh phí, ông Chánh án cũng có quan hệ lệ thuộc... do đó đặt thẩm quyền cấp huyện xử việc kiện ông chủ tịch cấp huyện là khó. Cần để tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử vụ việc tố tụng hành chính liên quan đến cấp huyện, bà Nga nói.

Nhưng tại thảo luận ở hội trường về nội dung này trong hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nếu để tòa án cấp tỉnh xử vụ tố tụng liên quan đến cấp huyện là đi ngược lại với cải cách tư pháp, hội nhập mà chúng ta đang thực hiện 4 năm nay.

Liên quan:

>>> Trách nhiệm của Thủ tướng được quy định rõ hơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới