Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Người Việt ưa thích nhà hàng, quán cà phê tầm trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người Việt ưa thích nhà hàng, quán cà phê tầm trung

T.Thu

Người Việt ưa thích nhà hàng, quán cà phê tầm trung
Nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's Bưu Điện - đây là nhà hàng thứ 8 của McDonald's tại Việt Nam - được khai trương vào cuối tháng 1-2016. Ảnh minh hoạ: Trâm Lê

(TBKTSG Online) - Nhà hàng, quán cà phê tầm trung là những địa điểm ăn uống ưa thích của người Việt Nam, tiếp đến là nhà hàng thức ăn nhanh và những khu ẩm thực bình dân, theo kết quả khảo sát do Công ty MasterCard thực hiện và công bố.

Cụ thể, theo kết quả của cuộc khảo sát “Những ưu tiên trong chi tiêu của người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2015”, nhà hàng, quán cà phê tầm trung là những địa điểm ăn uống ưa thích của người Việt (được 81% những người tham gia khảo sát lựa chọn), tiếp theo là nhà hàng thức ăn nhanh (60%) và những khu ẩm thực bình dân (24%). Những lựa chọn này cũng giống như lựa chọn chung của người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo kết quả khảo sát, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong 3 người thuộc thế hệ “millennials” (thế hệ đầu tiên lớn lên giai đoạn năm 2000 cùng với truyền thông trực tuyến) thì có 1 người có xu hướng đi ăn tại những nhà hàng sang trọng ít nhất một lần trong một tháng, nhiều hơn so với nhóm người từ 30 tuổi trở lên.

Khi lựa chọn địa điểm ăn uống, người tiêu dùng tại khu vực này vẫn thích dựa vào những tư vấn hay lời khuyên từ bạn bè và gia đình (50%), dẫn đầu về xu hướng này là Việt Nam (82%), Bangladesh (83%) và Myanmar (71%). Điều này đúng với tất cả những người tiêu dùng, bất kể nhóm tuổi, thế hệ “millennials” thậm chí tin tưởng vào hiệu ứng truyền miệng (52%) nhiều hơn những nhận xét trực tuyến (38%), mặc dù có đến 1/3 những người thuộc thế hệ “millennials” (36%) đăng nhận xét và bình luận về trải nghiệm ăn uống của họ trên mạng.

Nhưng mặc dù người tiêu dùng thích ăn uống tại những nhà hàng sang trọng, họ vẫn chú trọng đến vấn đề chi phí. Cụ thể, có 64% những người tiêu dùng châu Á – Thái Bình Dương (tham gia khảo sát) thường tìm kiếm những ưu đãi giảm giá từ những trang web, các ứng dụng di động hay khuyến mãi thẻ tín dụng; 68% người trong thế hệ “millennials” thường kiếm những ưu đãi trước khi chọn địa điểm ăn uống.

Người tiêu dùng tại Trung Quốc (58%), Đài Loan (44%) và Thái Lan (44%) có xu hướng đặt những ưu đãi ăn uống từ những trang web hay ứng dụng bán voucher nhất, trong khi người tiêu dùng tại Bangladesh (1%) và Indonesia (11%) ít có xu hướng này.

Trên toàn khu vực, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất tại các khu ẩm thực bình dân (77%), nhà hàng thức ăn nhanh (72%) và các nhà hàng tầm trung (52%), trong khi đó thẻ tín dụng được sử dụng phổ biến hơn tại nhà hàng sang trọng (54%) và các quán bar/pubs (41%). Tuy nhiên, tại Việt Nam, tiền mặt vẫn được sử dụng phổ biến tại tất cả các địa điểm trên, trung bình trên 90%.

Kết quả trên được rút ra từ những cuộc phỏng vấn diễn ra từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2015 với 8.698 người trong độ tuổi từ 18 đến 64 tại 17 quốc gia châu Á  - Thái Bình Dương.

Mặc dù khảo sát trên cho thấy người Việt vẫn sử dụng phổ biến tiền mặt tại các điểm ăn uống, nhưng nhìn chung thói quen thanh toán qua thẻ của người tiêu dùng tại Việt Nam cũng đã dần cải thiện nhiều. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TPHCM về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM năm 2015, nếu trước đây, khách hàng, đặc biệt là đối tượng công nhân, người lao động có thói quen rút tiền mặt, thì hiện nay thói quen này đã thay đổi nhiều, khách hàng đã sử dụng phổ biến hơn các tiện ích thể để thanh toán, chuyển tiền, mua hàng và “giữ tiền” lâu hơn trong thẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới