TPHCM: cải tạo toàn tuyến rạch Xuyên Tâm
Quang Chung
Một đoạn rạch Xuyên Tâm nhìn từ trên cao. (Ảnh: Google Earth) |
(TBKTSG Online) - Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng xây dựng chuyển giao - BT) trong vòng bảy năm, từ nay đến 2022.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (nối từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, quận Bình Thạnh đến sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp) vừa được UBND TPHCM phê duyệt có mục tiêu cải tạo kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến rạch, đáp ứng nhu cầu thoát nước cho lưu vực rộng hơn 700 héc-ta.
Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, rạch Xuyên Tâm là trục thoát nước chính cho khu vực dân cư rộng hơn 703 héc-ta ở quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Tuy nhiên, trên toàn bộ tuyến rạch chỉ có vài cửa cống ngăn gom rác mang tính tạm bợ vì đã cũ và xuống cấp nên tình trạng ngập lụt xảy ra khá thường xuyên. Vì vậy, việc cải tạo rạch Xuyên Tâm sẽ giúp tăng khả năng thoát nước, giảm ô nhiễm, đồng thời chỉnh trang được mỹ quan đô thị. |
Theo đó, dự án bao gồm hai phần: (i) Cải tạo toàn bộ rạch Xuyên Tâm với tuyến chính dài 6,21km (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) và ba tuyến nhánh dài 1,94 km (gồm nhánh cầu Sơn, cầu Bình Triệu và cầu Bình Lợi) – thực hiện theo hình thức hợp đồng BT; (ii) Đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh, hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh từ quỹ đất dọc hai bên tuyến rạch để khai thác hoàn vốn cho phần (i).
Theo phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã được UBND TPHCM chấp thuận thì nhà đầu tư sẽ phải tự tổ chức xây dựng nhà tái định cư tại chỗ. Nhưng trước mắt, trong thời gian đầu, nhà đầu tư phải làm việc với địa phương để bố trí khoảng 330 hộ vào các khu tái định cư sẵn có. Toàn bộ dự án có đến 1.620 hộ dân bị ảnh hưởng.
Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải trình UBND TPHCM trước đó cho biết Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm là nhà đầu tư đã đề xuất được triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT thông qua việc khai thác quỹ đất hai bên tuyến rạch cải tạo để thu hồi vốn.
Nội dung chủ yếu của dự án do nhà đầu tư đề xuất là phương án rạch Xuyên Tâm sẽ được thay thế bằng đường mới xây dựng trên hệ thống cống hộp, một số đoạn sử dụng hệ thống cống hộp kết hợp với rạch mở được sử dụng như hệ thống thoát nước cho khu vực. Nước thải sẽ được thu gom kết nối với hệ thống cống bao Nhiêu Lộc - Thị Nghè để đưa về nhà máy xử lý nước thải.
Đối với một số khu đất ven tuyến rạch, nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng thành khu đô thị thông minh với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, sử dụng điện, nước và nước thải một cách hiệu quả, tiết kiệm. Các dịch vụ xã hội, hệ thống camera, tất cả được điều hành bằng một trung tâm công nghệ thông tin...
Theo đề xuất của nhà đầu tư, các bước triển khai dự án dự kiến gồm xây dựng khu nhà tái định cư; giải tỏa, di dời các hộ dân ven kênh; cải tạo toàn tuyến kênh rạch và xây đường giao thông; khai thác, xây dựng khu đô thị mới hai bên bờ kênh.
Được biết, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã có thư gửi UBND TPHCM đề nghị được tham gia vào dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm bằng cách cung cấp đến 70% trong tổng mức đầu tư dự kiến là 5.106 tỉ đồng của dự án với thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2015 đến năm 2022. JICA cho rằng mục đích của dự án là cải thiện môi trường, ngăn thủy triều, phát triển hạ tầng vận tải và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng ven rạch Xuyên Tâm theo hình thức hợp đồng BT có mục tiêu phù hợp và nhất quán với khái niệm của JICA về đầu tư dự án PPP (cải tạo môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng…).
Xem thêm: