Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ứng xử với kinh tế vỉa hè thế nào cho hợp lý?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ứng xử với kinh tế vỉa hè thế nào cho hợp lý?

Bảo Uyên

(TBKTSG Online) - Cuối tháng 3 vừa qua UBND Quận 1, TPHCM đã công bố kế hoạch tổ chức khu vực kinh doanh ăn uống trên vỉa hè. Chương trình sẽ được thí điểm tại đường Nguyễn Văn Chiêm và khu vực Công viên cảng Bạch Đằng. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không thay đổi cách nhìn về kinh tế vỉa hè và có những giải pháp căn cơ, chương trình sẽ đẩy người dân vào thế khó.

 

Ứng xử với kinh tế vỉa hè thế nào cho hợp lý?
Bà Phùng Thị Hợi phát biểu tại Hội thảo Sinh kế vỉa hè - Ảnh: Trần Thắm

Bà Phùng Thị Hợi (58 tuổi) là một người di cư từ một tỉnh phía Bắc vào TPHCM bán nước và hành nghề vá xe ở vỉa hè gần Sở Y tế TPHCM hơn 10 năm nay. Từ vỉa hè này, một mình bà đã nuôi hai con ăn học, đứa lớn vừa tốt nghiệp một trường nghề, đứa thứ hai đang theo học ĐH Kinh tế.

Nhưng tất nhiên, cũng như bao gánh hàng rong hay người buôn bán trên vỉa hè ở thành phố, đã nhiều lần bà đã bị đội trật tự đô thị thành phố tịch thu đồ nghề và xử phạt hành chính vì hành vi lấn chiếm vỉa hè. Sau những cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè, không ít lần bà đã phải vay nóng để sắm lại đồ nghề mưu sinh. Mỗi lần vay 2 triệu đồng cho dụng cụ bơm, vá xe, tiền lời mỗi ngày bà phải trả là 60.000 đồng, gần một nửa số tiền bà kiếm được.

Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại như thế trong suốt hơn 10 năm mưu sinh của bà cho đến tháng 3 năm nay, bà Hợi phải dừng hẳn công việc vá xe sau đợt “ra quân” mà theo bà kể là rất quyết liệt của đội trật tự đô thị địa phương nơi bà đang kiếm sống. Nguồn thu của bà giảm đi một nửa, chưa tới 100.000 đồng/ngày từ tiền bán nước, không đủ để bà xoay xở trả tiền thuê nhà 2 triệu đồng/tháng.

Tại hội thảo Sinh kế vỉa hè bền vững do Viện Hợp tác & Phát triển Châu Âu (IECD), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN (LIN) phối hợp tổ chức vào ngày 12-5, bà Hợi đã thắc mắc với Phòng kinh tế Quận 1 rằng, tại sao buôn bán ở vỉa hè Quận 1 lại bị cấm còn Quận 3 thì vẫn thoải mái, tại sao lại có sự “đối xử bất công” như vậy. Rồi bằng lập luận hết sức bình dân, bà nói: “Nhờ có quán vỉa hè này mà hai đứa con tôi được ăn học tử tế. Cứ 10 người như tôi thì sẽ giúp xã hội giảm được 20 đứa thất học. Còn nếu cấm triệt buôn bán vỉa hè, bọn nhỏ nghỉ học, thành bụi đời thì  nhà nước còn nặng gánh hơn nữa”.

Có thể lý luận của bà chưa logic và thuyết phục với nhiều người nhưng không ai có thể phủ nhận về việc kinh tế vỉa hè đã giải quyết được việc làm và đã, đang trực tiếp, gián tiếp góp phần nuôi sống cả triệu người dân, mà đa phần trong số đó là người nhập cư và có trình độ học vấn thấp.

Trên báo Công an Nhân dân số ra ngày 8-4, Tiến sĩ Dư Phước Tân, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, đã cho biết, trong số những người kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, phụ nữ chiếm hơn 63%, nhóm tuổi 36-55 chiếm 52% và gần một nửa trong số đó là người lao động nhập cư với trình độ học vấn thấp. Trả lời câu hỏi khảo sát, rằng vì sao chọn vỉa hè để kinh doanh khi chính quyền đã ngăn cấm, đã có đến 73% số người kinh doanh ở các tuyến đường trên cho rằng do chưa có việc làm thích hợp để có thể thay thế chuyện mưu sinh.

Kết hợp với việc thu thập, phân tích một loạt những vấn đề liên quan khác, TS Dư Phước Tân đã đưa ra kết luận: nhu cầu thực sự về hàng hóa, dịch vụ trên vỉa hè là khá lớn.

Hé mở cánh cửa pháp lý

Ngày 29-3 vừa qua, UBND Quận 1 đã ra kế hoạch tổ chức khu vực kinh doanh ăn uống trên vỉa hè. Đây là động thái đầu tiên của chính quyền thành phố trong việc công nhận hoạt động kinh tế vỉa hè. Mục tiêu của chương trình là làm sao để chính quyền quản lý tốt khu vực hoạt động này theo hướng đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu: vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, vừa có thể tạo điều kiện cho một bộ phận cư dân đô thị có thu nhập để kiếm sống.

Nhưng khi đối chiếu những quy định trong chương trình thí điểm này với tình hình thực tế, có thể thấy: nếu như mục tiêu thứ nhất là có thể đạt được, thì mục tiêu thứ hai lại rất xa vời.

Theo quy định, hoạt động kinh doanh trong ngày chỉ được thực hiện trong hai khoảng thời gian: từ 6h đến 8h và từ 11h đến 13h. Các hộ kinh doanh thí điểm tại đây phải đạt các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bán đúng giá niêm yết, bảo đảm vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Những người bán hàng rong khi tham gia vào mô hình sẽ được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý rác thải và kỹ năng giao tiếp. Đối tượng tham gia chỉ giới hạn ở những người có hoàn cảnh khó khăn và phải có hộ khẩu tại Quận 1.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Tú Uyên, người sáng lập dự án xã hội “5000 Xe” (Một dự án sinh kế bền vững cho người bán hàng vỉa hè), cho rằng giờ giấc thí điểm còn mang nặng tính chủ quan của cơ quan chức năng, không liền mạch, không phù hợp với giờ buôn bán thông thường và tất yếu sẽ dẫn đến việc buôn bán kém hiệu quả. Như vậy sẽ gián tiếp làm mất đi một lợi thế của kinh tế vỉa hè.

“Thời gian kinh doanh như vậy sẽ không giúp đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân. Họ sẽ tiếp tục tràn ra vỉa hè và vi phạm quy định đã đưa ra. Nếu sợ tắc đường thì hãy chọn các tuyến đường có vỉa hè rộng để thực hiện. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, nên chia giờ bán hàng theo giờ của nhiều chủ xe đẩy: ca sáng từ 6h-11h và ca chiều từ 17h-22h. Còn khoảng thời gian 11h-13h như trong quy định, do không có gì che nắng, nóng nực, chỉ có rất ít người đứng bán và cũng không có nhiều người mua”, bà Uyên nêu ý kiến.

Chưa kể, yêu cầu người được buôn bán vỉa hè phải có hộ khẩu TPHCM là yêu cầu rất khó và không thực tế, khi mà phần đông những người bán rong là người nhập cư. Những người như bà Hợi sẽ nằm ngoài sự quan tâm của chính quyền nếu cứ giữ nguyên cách tiếp cận như vậy.

Những điều chỉnh cần thiết

Trao đổi với TBKTSG Online, bà Lê Diệu Ánh - Điều phối chương trình quốc gia tại Việt Nam của Liên minh các thành phố (Cities Alliance), nhận định, một khi đã thừa nhận hiệu quả của kinh tế vỉa hè thì phải giúp họ phát triển chứ không phải để tự phát. Chính quyền phải tạo ra môi trường pháp lý để bảo vệ họ; ngược lại những cá nhân buôn bán muốn tham gia phải cũng tuân thủ phải các quy định này.

“Cần phải tham vấn đầy đủ các nhóm đối tượng, người bán hàng có hộ khẩu ở thành phố hay người nhập cư, kinh doanh mặt hàng gì… Đừng quy hoạch theo ý chí, quá trình tham vấn sẽ kéo dài nhưng bước nhanh mà sai hướng sẽ không bao giờ tới đích”, bà Ánh nhận định.

Cũng theo bà Ánh, chính quyền nên giao công tác tham vấn cho các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội - những tổ chức có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này - chứ không phải các cấp cơ sở thực hiện. Còn trách nhiệm của cơ quan nhà nước là quản lý một cách công bằng và tạo ra môi trường pháp lý minh bạch.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến từ các tổ chức phi chính phủ cho rằng chương trình thí điểm quy hoạch buôn bán vỉa hè của Quận 1 là những nỗ lực rất đáng ghi nhận. Nhưng để chương trình có hiệu quả, trước hết, cần phải có cái nhìn chính xác hơn về người bán hàng rong, người kinh doanh trên vỉa hè, không nên xem họ là những người đối nghịch với văn minh đô thị hay là người làm xấu bộ mặt thành phố này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới