Thứ năm, 22/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cách nào tránh rủi ro khi hãng tàu Hanjin phá sản?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cách nào tránh rủi ro khi hãng tàu Hanjin phá sản?

Lê Anh

Cách nào tránh rủi ro khi hãng tàu Hanjin phá sản?
Hàng trên tàu Hanjin chưa biết đi về đâu. Ảnh Kinh Luân

(TBKTSG) - Những doanh nghiệp nào chưa đưa hàng lên tàu của Hanjin cần nhanh chóng rút hàng để chuyển sang hãng tàu khác, đối với hàng hóa đang ở trên tàu của hãng thì cần nhanh chóng phối hợp để lấy hàng sớm... Đó là những khuyến cáo mà các hiệp hội ở Việt Nam gửi đến doanh nghiệp sau khi nhận tin hãng tàu Hanjin của Hàn Quốc nộp đơn xin phá sản.

Hàng trên tàu Hanjin chưa biết đi về đâu

Ngay sau khi biết được tin hãng tàu Hanjin đã nộp đơn phá sản hôm 31-8, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng đường biển của hãng tàu này đứng ngồi không yên, đặc biệt khi có thông tin tàu của Hanjin không cập vào cảng ở các nước vì sợ bị bắt giữ.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết việc Hanjin nộp đơn xin bảo hộ phá sản đã ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, có khá nhiều khách hàng của các công ty logistics đã đặt chỗ và xếp container lên tàu, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ. Rất nhiều doanh nghiệp lo lắng số hàng hóa nằm trên tàu của Hanjin đang lênh đênh trên biển không biết có thể cập cảng hay không.

Trao đổi với TBKTSG, đại diện của Hiệp hội Chủ hàng, Hiệp hội Dệt may đều cho biết tình trạng hiện nay của hãng tàu Hanjin đang gây lo lắng cho một nhóm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết hiệp hội đã có thông báo gửi đến các công ty là hội viên của hiệp hội.

Phía Vitas đã liên hệ với Tân Cảng Sài Gòn và được biết Hanjin không có tàu cập cảng vào tháng 9 như kế hoạch ban đầu. Những container của Hanjin đã đóng hàng chờ tàu đến để xuất khẩu không thể vận chuyển theo đúng lịch đã đăng ký mà sẽ lưu tại cảng. Còn container do tàu Hanjin vận chuyển đến Việt Nam (hàng nhập khẩu) cũng không đến theo lịch trình do tàu không vào cảng.

Đối với container của Hanjin do các hãng tàu khác vận chuyển vẫn có thể đi theo lịch trình, tuy nhiên, chủ hàng có thể gặp rủi ro trong trường hợp có các yêu cầu pháp lý liên quan đến Hanjin. Ví dụ như bị giữ hàng ở cảng đến hoặc kể cả hàng đã dỡ xuống cảng ở Việt Nam. Còn các lô hàng đang được vận chuyển trên biển bởi tàu Hanjin hoặc tàu khác có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo thời gian giao hàng, ảnh hưởng đến khâu thanh toán.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự việc của hãng tàu Hanjin đã tác động tới hầu hết các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản bị ảnh hưởng lớn nhất. Hệ quả kéo theo khi Hanjin ngừng vận chuyển, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ở các khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc,

Trung Quốc, đặc biệt là thị trường Mỹ đều bị tác động về tiến độ giao hàng. Đó là chưa kể những đơn hàng đã đặt với Hanjin trước đây, bây giờ phải gấp rút chuyển sang hãng tàu khác thì có thể phải trả cước phí cao hơn bình thường do thiếu tàu vận chuyển.

Các công ty phải theo dõi chặt chẽ với hãng tàu, phối hợp với đại lý về khả năng giải phóng hàng sớm nhất có thể.

Tàu cập cảng không dễ lấy hàng

Đến thời điểm này nhiều hiệp hội đã đưa ra các khuyến cáo cho các công ty để có giải pháp giảm thiểu rủi ro nếu hãng tàu Hanjin phá sản. Ông Lê Duy Hiệp cho biết, VLA khuyến cáo doanh nghiệp nếu đã đặt chỗ với Hanjin mà chưa kịp bốc hàng lên tàu thì cần nhanh chóng làm thủ tục lấy hàng lại và chuyển sang một hãng vận tải khác. Việc thay đổi hãng vận tải có thể phải trả chi phí cao hơn bình thường, nhưng đây là việc mà các công ty cần cân nhắc để có thể chuyển được hàng đi sớm. Trong trường hợp hàng đang trên tàu đến cảng đích, có khả năng sẽ bị cảng giam tàu để chờ tòa giải quyết. Do vậy, các công ty phải theo dõi chặt chẽ với hãng tàu, phối hợp với đại lý về khả năng giải phóng hàng sớm nhất có thể.

“Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, chúng tôi đã cử hai luật sư, thuộc ban pháp luật của hiệp hội, đồng thời là trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế sẵn sàng giải đáp và tư vấn cho doanh nghiệp”, ông Hiệp nói.
Liên quan đến bảo hiểm, VLA cho rằng các công ty cần thông báo cho các công ty bảo hiểm để xử lý theo hướng giảm nhẹ tổn thất, ví dụ như hỗ trợ chi phí cho việc rút hàng tại cảng để chuyển sang hãng tàu khác hoặc chuyển hàng từ cảng này sang cảng khác.

Tương tự, phía Vitas cũng đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh kịp thời việc đóng hàng để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên liên hệ ngay với các cảng, để nhanh chóng làm thủ tục rút hàng nhập khẩu trong các container của Hanjin đã nhập vào các cảng Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, cùng với các cảng vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp rút hàng, chuyển đổi container do sự cố hãng tàu Hanjin.

Liên quan đến việc các lô hàng đi tàu Hanjin có nguy cơ bị giữ tại các cảng, nhân viên của một đại lý hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên) cho biết, hiện có khá nhiều chủ hàng đang tìm mọi cách để lấy hàng ra khỏi tàu. Tuy nhiên, đối với hàng hóa đang ở trên tàu việc lấy được hàng sớm hay muộn còn tùy thuộc vào quá trình xem xét các vấn đề của tòa án phía Hàn Quốc để đi đến quyết định vẫn để cho hãng tàu Hanjin tiếp tục hoạt động hay là phá sản. Quá trình này sẽ diễn ra trong vòng một hoặc hai tháng.

Trong trường hợp Hanjin bị phá sản, các chủ nợ có quyền yêu cầu các cảng giữ tàu và thiết bị (container) của hãng vận tải. Tuy nhiên hàng hóa do tàu chở hoặc hàng bên trong container thì không thuộc đối tượng cầm giữ. Điều đó có nghĩa là đại lý giao nhận, chủ hàng vẫn được nhận lại hàng đang bị cầm giữ. Tuy nhiên cho dù được nhận lại hàng nhưng sẽ rất phiền toái và mất thời gian cũng như chi phí. Đó là những rắc rối khiến những doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ này lo lắng.

 

>> Sự sụp đổ của Hanjin và hệ lụy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới