Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Án mạng gia đình, do đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Án mạng gia đình, do đâu?

Nguyễn An Sa

Án mạng gia đình, do đâu?
Những giá trị đạo lý gia đình truyền thống đang bị thách thức trong một bối cảnh xã hội thị trường. Ảnh: Tư liệu

(TBKTSG Online) - Cứ vài hôm, trên báo lại xuất hiện một vụ bạo hành, án mạng mà nạn nhân và thủ phạm là những người ruột thịt, chung huyết thống. Mâu thuẫn chính thường là tranh chấp tài sản, bế tắc dồn nén trong đời sống và không kiểm soát được hành vi.

Những bản tin như thế đang ngày càng nhiều hơn, xuất hiện với tần suất cao hơn, cho thấy tình trạng bất ổn trong đời sống gia đình đang gia tăng nghiêm trọng.

Một trong những loại virus gây nên thực trạng đó trước hết là những hệ lụy từ đời sống đề cao vật chất của một xã hội thị trường. Chuyện những người chung huyết thống có thể lấy mạng nhau chỉ vì tranh chấp của cải có vẻ như ngày càng dễ dàng hơn, ít đắn đo hơn. Điều đáng nói là trong một số vụ việc, kẻ thủ ác lại lạnh lùng, coi đó là sự trừng trị cần thiết với người chung một nhà.

Sự suy nhược của kháng thể gia đình cũng là một trong những lý do khiến con virus thực dụng và bạo lực dễ dàng thâm nhập, điều khiển hành vi của mỗi cá nhân. Trong rất nhiều vụ việc bạo hành dẫn đến án mạng giữa những người cùng gia đình, có thể đọc thấy sự đảo lộn quan niệm và giá trị sống. Tình cha con, anh em, vợ chồng, giữa những người cùng dòng máu không còn được coi thiêng liêng như trong truyền thống. Sự lạnh lùng đó cho thấy những đứt gãy trong quan niệm chi phối đến hành vi ứng xử. Điều này có người đã đỗ lỗi cho những bài học đạo đức ở nhà trường không đặt nặng luân lý truyền thống. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, chính gia đình cũng là một môi trường hun đúc những giá trị thiêng liêng đó. Chính sự xói mòn, thiếu chăm sóc cho các giá trị luân lý nội tại đã dẫn đến những quan niệm lệch lạc, hành xử vô đạo.

Cuộc sống khó khăn, áp lực xã hội cũng là thứ đè nặng lên bầu không khí, tương quan ứng xử trong gia đình. Rất nhiều vụ án mạng trong gia đình cho thấy những ức chế đời sống được chuyển hóa thành hành vi ứng xử trong gia đình. Cảnh khổ, đi cùng với sự thiếu thốn đời sống tinh thần, thiếu thốn điều kiện học hành… cũng có thể xem là lý do dẫn đến nhiều vụ án mạng thương tâm trong gia đình gần đây. Đây là nhóm nguyên nhân quan trọng có thể cắt nghĩa cho rất nhiều hành xử bộc phát, hành vi dã man khó ngờ tới giữa những người ruột thịt với nhau. Người trong cuộc không phân định được đúng sai, chỉ hành động để cốt sao giải quyết những dồn nén bản năng và những gì xảy ra là hệ quả của sự thiếu vắng sự kìm nén của nhận thức và đạo lý.

Những bi kịch nói trên không chỉ xảy ra ở nhóm người nghèo về kinh tế, mà nhiều khi còn xảy ra ở những gia đình khá giả. Vấn đề đặt ra ở đây, trong một xã hội mà cái nghèo về vật chất có thể giải quyết được sau một đêm nhờ mánh mung, nhờ may mắn nhưng cái nghèo về tinh thần, đạo lý – nền tảng của ổn định và phát triển – lại là thứ dễ bị bỏ qua, ít được quan tâm cải thiện. Điều này cộng thêm vào tâm lý thực dụng, sự sùng bái vật chất và nhất là mọi hành xử lớn, nhỏ không đặt trên tương quan đạo lý, mà ngược lại, đề cao bạo lực đã dẫn đến những cơn say khó kiểm soát.

Và cuối cùng, một nguyên do quan trọng nữa, đó chính là sự xâm nhập của bạo lực, của những chất kích thích. Nhiều trường hợp gây án trong tình trạng đã sử dụng ma túy đá và các chất kích thích khác. Môi trường an sinh đang nhiễm độc và gia đình, một khi suy yếu kháng thể tinh thần, thì cơn trọng bệnh sẽ xảy ra.

Nói gia đình là hạt nhân của xã hội là đề cao vai trò gia đình trong kiến tạo bối cảnh, nhưng cũng nên nhìn lại trách nhiệm và những thách thức xã hội đang đè nặng lên các gia đình, đặc biệt, là gia đình thuộc nhóm nghèo, dễ tổn thương trong xã hội để có giải pháp hạn chế những bi kịch nảy sinh từ sự truất hữu đạo đức và các giá trị sống tốt đẹp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới