Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khổ như người tiêu dùng Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khổ như người tiêu dùng Việt

Bảo Uyên

Khổ như người tiêu dùng Việt
Xưởng sản xuất nước mắm truyền thống - Ảnh: Internet

(TBKTSG Online) - Kết quả xét nghiệm nước mắm mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng công bố vài ngày trước có nhiều điều còn rối rắm, khó hiểu đối với người tiêu dùng. Và như nhiều sự vụ trước, lúc này, thông tin trên mạng xã hội lại trở thành cứu tinh của các bà nội trợ.

Người tiêu dùng đọc, thích (like), chia sẻ (share) những bài viết trên Facebook về arsen hữu cơ, vô cơ (nói đầy đủ là hợp chất hữu cơ của asen, hợp chất vô cơ của asen) có trong nước mắm như cách mà trước đó họ tìm hiểu xem bao nhiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong rau quả hay phenol có trong cá thì gây nguy hiểm tới tính mạng. Có người còn tìm tài liệu nước ngoài để đọc, rồi đối chiếu với nhiều nguồn để tìm ra loại nước mắm an toàn cho bữa cơm gia đình. Cô bạn tôi, từ một người luôn phải vật vã với các kiến thức hóa, sinh thời phổ thông nay lại tiêu tốn không ít thời gian để mày mò, tìm đọc các bài viết để biết thêm về các chất hóa học có trong nước chấm.

Nhiệm vụ chuyên môn, phân tích đúng sai, chỉ ra đâu là mức an toàn của một thành tố trong sản phẩm… đáng ra phải là của cơ quan chuyên trách; thì giờ đây vì sức khỏe của chính mình, người tiêu dùng phải tự tìm cách giám định.

Còn nhớ cách đây không lâu, nhiều trường hợp chia sẻ chuyện bị nhà mạng trừ phí một cách vô lý lên Facebook. Hầu hết người dùng cho biết họ đã chủ động liên hệ với nhà mạng nhưng sau đó vụ việc không đi đến đâu. Họ ấm ức trưng ra các chứng cứ cho thấy đã bị nhà mạng “ăn gian” và cách bảo vệ túi tiền mình như thế nào. Những dòng trạng thái (status) chia sẻ bài học kinh nghiệm nhận biết tài khoản bị trừ tiền vô lý nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ.

Những chuyện như thế không hề thấy bóng dáng của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ thấy người tiêu dùng tự tìm tòi, chia sẻ, tự tìm cách bảo vệ nhau trên mạng xã hội. Tại sao họ không lựa chọn khác đi, chẳng hạn tìm đến một cơ quan công quyền nào đó để đòi lại quyền lợi cho mình?

Theo kết quả cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 1.200 người do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) công bố tại hội thảo “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: Các vấn đề và giải pháp” tổ chức hồi tháng 3-2015 tại Hà Nội, gần 90% số người cho biết họ không biết đến các cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự hờ hững này tất nhiên một phần xuất phát từ văn hóa tâm lý của người Việt - “vô phúc đáo tụng đình”, nhưng cũng nói lên sự tồn tại hết sức mờ nhạt của các tổ chức có tôn chỉ bảo vệ người tiêu dùng.

Lý do người tiêu dùng không sử dụng cơ chế khiếu nại, khiếu kiện, không chỉ do sợ mất thời gian, sợ mất tiền của mà còn là cảm giác đơn độc và thiếu niềm tin vào cơ chế. Cũng theo khảo sát này, trong số 2-3% người tiêu dùng sử dụng đến kênh khiếu nại hoặc khởi kiện khi mua phải những sản phẩm/dịch vụ ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi, sức khỏe của mình và người thân, thì có đến 70% số người không hài lòng với các cơ chế khiếu nại, khiếu kiện mà họ đã sử dụng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 tháng 11-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tháng 7-2011. Thế nhưng, trong thực tế, sau hơn 5 năm, cuối cùng người tiêu dùng vẫn đơn độc trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Sau khi xem kết quả chất lượng 150 mẫu nước mắm mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng công bố, tôi hỏi cô bạn mình giờ ăn nước mắm gì, bạn bảo “thôi thì trời kêu ai nấy dạ”. Dù cất công đọc nhiều thông tin về arsen hữu cơ/vô cơ, bạn tôi bảo, dẫu sao đó vẫn là những nguồn tin chưa xác tín, dẫu sao một phát ngôn chính thức của cơ quan chức năng vẫn có tác dụng tạo sự an tâm hơn là phát ngôn cá nhân của bất cứ chuyên gia nào trên mạng xã hội.

“Trời kêu ai nấy dạ”, đó cũng là câu nói thường gặp của nhiều người Việt mỗi khi nghe tin về thực phẩm bẩn. Sản phẩm đã được cấp phép đưa ra thị trường nhưng người tiêu dùng vẫn không thể an tâm sử dụng như một lẽ tất yếu. Còn đến khi có chuyện xảy ra thì chỉ tự biết trách mình thiếu “thông minh” và bấu víu vào sức mạnh của mạng xã hội. Trong tình cảnh ấy thật khó lòng mà không có tâm lý buông xuôi, bất lực!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới