Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Việt Nam và đường cong nụ cười

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Việt Nam và đường cong nụ cười

Đinh Hiệp

Kinh tế Việt Nam và đường cong nụ cười
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh thuyết trình bản báo cáo của Trường Đại học Fullbright Việt Nam về tác động của Intel với kinh tế xã hội Việt Nam sau 10 năm, tại TPHCM, ngày 8-12. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) - Hoạt động xuất khẩu hàng công nghệ cao không đi đôi với giá trị gia tăng cao, nếu chúng ta vẫn chỉ tham gia vào phần gia công, lắp ráp, tức là chúng ta vẫn nằm ở đáy của “đường cong nụ cười”.

Tròn 10 năm hãng Intel công bố dự án đầu tư Nhà máy kiểm định và lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam (Intel Products Vietnam) trị giá 1 tỉ đô la Mỹ, trường Đại học Fulbright Việt Nam đã làm một báo cáo kinh tế-xã hội trong 10 năm (2006-2016), dựa trên những tác động của Intel với nền kinh tế Việt Nam.

Sở dĩ trường Fulbright Việt Nam chọn cột mốc này vì Intel là hãng công nghệ lớn nhất đầu tư vào Việt Nam khi đó, kết nối Việt Nam với thị trường công nghệ cao toàn cầu, mở đường cho Việt Nam thu hút những dự án công nghệ cao thay vì chỉ có các lĩnh vực lao động giá rẻ trước đó, trở thành một trong những nhân tố bảo chứng cho sự tin cậy và ổn định của môi trường kinh doanh Việt Nam trước giới đầu tư quốc tế…

Sau 10 năm đến Việt Nam và sau 6 năm xuất xưởng sản phẩm đầu tiên, Intel Products Vietnam rõ ràng đóng góp nhiều vào nền kinh tế, xã hội, giáo dục Việt Nam, cả về phương diện trực tiếp như tăng kim ngạch xuất khẩu, giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo ra việc làm, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đóng góp xây dựng Luật công nghệ cao và cả về phương diện gián tiếp như thúc đẩy thu hút FDI vào Việt Nam, thay đổi nhận thức về các sản phẩm “made-in-Vietnam”, góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…

Nhưng qua “bài học Intel”, cũng có thể thấy được rất nhiều bế tắc tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam, như tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, người đại diện trường Fulbright Việt Nam công bố báo cáo này, nhận xét: “Intel mang con tàu đến để giúp đưa chúng ta ra thế giới, nhưng chúng ta không lên con tàu đó”.

“Cách đây 10 năm, bỏ qua các ứng viên khác như Bangkok (Thái Lan), Đại Liên (Trung Quốc), Chennai (Ấn Độ), Intel đã chọn TPHCM để đặt nhà máy, đó không hoàn toàn do những ưu đãi của ta tốt hơn các nước khác. Các tập đoàn lớn có tầm nhìn xa, không phải họ đến chỉ vì những ưu đãi, họ đến vì thấy ta có tiềm năng về thị trường, nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế cao, ổn định chính trị. Intel đã thành công ở Việt Nam. Ta cũng thành công khi thu hút được họ và sau này là các tập đoàn lớn khác như Samsung, Canon, LG, Fuji... Nhưng thành công của ta không trọn vẹn”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Không trọn vẹn ở chỗ chúng ta vẫn chỉ tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị thấp. Sản phẩm chipset của Intel đóng mác “made in Vietnam” nghe thì sang trọng nhưng sự hiện diện của chúng ta trong chuỗi giá trị đó rất khiêm tốn. Chúng ta chỉ cung ứng cho Intel, Samsung hay các tập đoàn khác đang mở nhà máy ở Việt Nam được những hàng hóa mà họ không nhập được từ bên ngoài như hạ tầng, điện, nước, vận tải, vệ sinh, bảo vệ, cảnh quan, đồ ăn uống, lao động phổ thông. Ngoài ra, chúng ta cũng cung ứng cho họ được một số nguyên vật liệu, phụ kiện gián tiếp như bao bì, khung gá, vải lau.

Nhưng chúng ta không cung ứng được các nguyên liệu trực tiếp có giá trị gia tăng cao nhất, đòi hỏi kỹ năng và kiến thức cao nhất trong chuỗi sản xuất như tụ, chất tạo dòng, bo mạch, màn hình, vỏ máy, thậm chí cả nhựa hàn, keo dán, máy móc và dây chuyền sản xuất thì rõ ràng càng không có. “Có Intel, Samsung, Canon ở Việt Nam, ta giống như đang mặc một bộ đồ rất đẹp, nhưng bên trong bộ đồ đó là một cơ thể còm cõi, xương xẩu”, ông Tự Anh ví von.

Theo báo cáo nói trên, khái niệm cụm ngành (industrial cluster) mới được giới thiệu ở Việt Nam cách đây vài năm như một thuật ngữ. Cụm ngành được hiểu như là sự tập trung về mặt địa lý giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên biệt, có tương tác, liên đới với nhau, cung ứng cho nhau để tạo ra một hệ sinh thái của cụm ngành đó. Không quy hoạch cụm ngành, không có hệ doanh nghiệp hỗ trợ, không có hệ sinh thái cho một lĩnh vực chuyên biệt thì các doanh nghiệp FDI có thể di chuyển khỏi Việt Nam một cách dễ dàng, vì họ đâu bắt rễ sâu vào nền kinh tế Việt Nam. Khi họ gắn với một chuỗi giá trị, một chuỗi các nhà cung ứng thì lúc họ rời khỏi, họ mới phải cân nhắc vì như vậy, họ sẽ mất luôn cả chuỗi mà họ đã mất công tìm kiếm, kết nối, gây dựng.

Việt Nam vẫn nằm ở đáy của “đường cong nụ cười”

Trước đây, chúng ta xuất khẩu gạo, tôm cá, giờ giỏ hàng xuất khẩu của chúng ta đã có Intel, Samsung, tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghệ cao đã đạt 27% (năm 2015). Dù là mặt hàng công nghệ cao thật nhưng chúng ta vẫn chỉ tham gia vào phần gia công, lắp ráp, kiểm thử. Tức là hoạt động xuất khẩu hàng công nghệ cao không đi đôi với giá trị gia tăng cao, nói như ông Vũ Thành Tự Anh là chúng ta vẫn nằm ở đáy của “đường cong nụ cười” sau bao năm có sự hiện diện của các tập đoàn hàng đầu.

Đường cong nụ cười

“Đường cong nụ cười” là phát kiến của Chủ tịch hãng Acer, ông Stan Shih, vào năm 1992. Trục ngang của đồ thị thể hiện “quá trình sản xuất sản phẩm”, được cấu thành từ ba phần. Phần trái là nghiên cứu, phát triển, thiết kế, thương hiệu, bản quyền. Phần giữa là phần gia công và lắp ráp. Phần phải là phân phối, tiếp thị, bán hàng, dịch vụ, hậu mãi. Trục đứng của đồ thị thể hiện “lợi nhuận”. Có thể thấy, vị trí ở giữa đồ thị là vị trí đạt lợi nhuận thấp nhất. Hàm ý của “đường cong nụ cười” là: doanh nghiệp muốn gia tăng lợi nhuận thì tránh sa đà vào việc tập trung gia công và lắp ráp, mà hãy không ngừng đẩy mạnh hoạt động về hai phía đồ thị.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới