Đại nội Huế sắp mở cửa vào ban đêm
Đào Loan
Ông Phan Thanh Hải (giữa), Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang giới thiệu về chương trình mở cửa Đại Nội về đêm với doanh nghiệp du lịch tại TPHCM - Ảnh: Đào Loan |
(TBKTSG Online) - Hôm nay (24-2-2017), những người quản lý di tích cố đô Huế đã gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch tại TPHCM để giới thiệu các hoạt động mới, mà điểm nhấn là việc mở cửa Đại Nội vào ban đêm, với mong muốn thu hút thêm nhiều du khách đến thăm các di tích này.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết những năm qua trung tâm tập trung nhiều vào việc bảo tồn, trùng tu các di tích nhưng từ nay sẽ quan tâm hơn đến việc khai thác giá trị di sản của kinh thành Huế để thu hút khách tham quan. Trong đó, việc mở cửa Đại Nội vào ban đêm cùng những hoạt động văn hóa, du lịch, tái hiện lịch sử... được kỳ vọng sẽ tạo nên sức hút lớn với khách du lịch.
"Đại Nội sẽ sáng đèn, sẽ mở cửa vào mỗi tối cùng với các hoạt động trưng bày, diễn xướng nghệ thuật, trò chơi dân gian, tái hiện một số hoạt động trong cung theo từng khu vực để thu hút du khách", ông Hải nói.
Theo đó, từ ngày 22-4 đến ngày 20-9-2017, Đại Nội sẽ mở cửa thêm từ 7 giờ đến 10 giờ tối. Dự kiến, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức tại các khu vực.Trong đó, đoạn đầu tiên từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa, cứ mỗi giờ một lần, cảnh lính gác đổi ca sẽ được tái hiện, cùng với đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Đoạn từ điện Thái Hòa đến điện Cần Chánh sẽ là khu trưng bày và biểu diễn các trò chơi dân gian. Khu vực từ Cung Diên Thọ đến cung Trường Sanh sẽ có điểm nhấn là chương trình biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh hoàng cung về đêm trong vòng từ 30-45 phút... Giá vé tham quan là 150.000 đồng với khách nước ngoài và 120.000 đồng với người Việt.
Trung tâm đang hợp tác với hai doanh nghiệp Hàn Quốc để đầu tư thêm một số dịch vụ tham quan, du lịch và ẩm thực tại đây. Khoảng 1,5 trong tổng số 40 héc ta của Đại Nội sẽ được đầu tư thành khu dịch vụ hoàn toàn, là nơi để du khách có thể thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm các làng nghề của Huế như làm nón, thêu, làm hoa giấy. Du khách có thể mua sản phẩm và thưởng thức các món ăn cung đình tại nhà hàng trong khu dịch vụ.
Trung tâm cũng đang đầu tư cho hạ tầng, lắp đặt thêm hệ thống ánh sáng, âm thanh, chuẩn bị phủ sóng wifi cho toàn bộ Đại Nội cùng với dịch vụ thực tế ảo để du khách để thể dùng điện thoại thông minh khám phá di tích.
Ông Hải cho biết, những hoạt động mới vừa kể trên nằm trong kế hoạch đưa các di tích ở cố đô Huế vào khai thác. Hiện nay, trung tâm quản lý đến 29 cung điện, di tích nhưng chỉ mới có bảy điểm trong số này trở thành điểm tham quan có bán vé. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ đẩy mạnh cả việc trùng tu lẫn khai thác tất cả các di tích.
"Chúng tôi không bất chấp mọi thứ để chỉ khai thác di sản mà sẽ chọn lọc để vừa bảo tồn được di tích vừa giới thiệu được giá trị văn hóa, lịch sử của di tích đến đông đảo du khách trong và ngoài nước", ông Hải nói.
Năm ngoái, quần thể di tích cố đô Huế thu hút trên 2,5 triệu lượt khách tham quan. Hai năm trước, các công ty du lịch đã bắt đầu đặt hàng sử dụng dịch vụ dạ tiệc tại Duyệt Thị Đường. Đặc biệt, có lần nơi này đã tổ chức dạ tiệc cho 1.000 khách du lịch tàu biển quốc tế.
Đọc thêm:
Hàng trăm DN làm tour và dịch vụ về golf sẽ đến Đà Nẵng