Đức muốn đưa sản phẩm công nghệ phân tích vào Việt Nam
Thùy Dung
Gian hàng của một doanh nghiệp Đức tại triển lãm - Ảnh: TD |
(TBKTSG Online) – 29 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thí nghiệm, phân tích, công nghệ sinh học và chẩn đoán của Đức đã tham dự Triển lãm quốc tế Analytica Việt Nam 2017 để tìm kiếm đối tác và kênh phân phối sản phẩm tại Việt Nam.
Bên lề triển lãm, ông Wolfgang Manig, Phó đại sứ, Trưởng phòng Kinh tế của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp Đức coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng, nền kinh tế mới nổi với dân số lớn và tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ phân tích còn khá sơ khai tại Việt Nam.
Hiện nay, hầu hết những công nghệ và thiết bị thí nghiệm phục vụ phân tích, chẩn đoán, nghiên cứu công nghệ sinh học hiện đại, độ chính xác và tin cậy cao đều chưa sản xuất được ở trong nước. Đa số các thiết bị này đều phải nhập khẩu. Những năm qua, mặc dù đã có sự đầu tư lớn cho công tác phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học, nhưng các công nghệ, thiết bị sử dụng trong những lĩnh vực này vẫn còn lạc hậu, không đồng bộ, độ chính xác chưa cao.
Ông Wolfgang Manig cho hay, Đức là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong EU. Đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo hai nước đặt mục tiêu đến năm 2020 đưa giá trị thương mại song phương đạt 20 tỉ đô la Mỹ. Việc 29 doanh nghiệp lớn của Đức trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị thí nghiệm tới Việt Nam xúc tiến phát triển thị trường là động lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng thương mại giữa hai nước.
Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và một trong những mục tiêu mà hai bên đặt ra là thành lập Phòng Thương mại Việt Đức nhằm thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên để đạt được mục tiêu 20 tỉ đô la Mỹ thương mại song phương vào năm 2020.
Analytica Vietnam 2017 diễn ra từ ngày 29 đến 31-3, thu hút hơn 100 đơn vị đến từ 17 quốc gia, Đức, Pháp, Anh, Nhật, Mỹ, Ý…, trong đó, có 29 gian hàng đến từ Đức.
Các công nghệ được trưng bày bao gồm công nghệ phân tích, đo lường và kiểm tra, quản lý chất lượng, công nghệ phòng thí nghiệm, khoa học sự sống và công nghệ sinh học.
Mời đọc thêm: