Xuất khẩu gạo sẽ giảm về lượng, tăng giá trị
Ngọc Hùng
Một người dân ở Đồng Tháp đang phơi lúa. Ảnh: NH |
(TBKTSG Online) – Trong những năm tới, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ giảm còn 4,5-5 triệu tấn, giá trị thu về khoảng 2,3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 và sau đó, xuống còn 4 triệu tấn trong năm 2030 nhưng giá trị lại tăng lên ở mức 2,5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Đây là những con số được đưa ra trong mục tiêu xuất khẩu gạo theo Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng ký ngày 3-7.
Quyết định này cũng đưa ra những con số cụ thể cho từng thị trường, từng sản phẩm gạo mà Việt Nam sẽ xuất khẩu trong những năm tới.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, quyết định vẫn chú trọng vào thị trường châu Á, châu Phi; trong đó, thị trường châu Á vẫn là những quốc gia đang nhập khẩu gạo chính của Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh và các quốc gia trong khu vực ASEAN như Philippines, Malaysia, Indonesia.
Đối với những thị trường cấp cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, quyết định này lại đặt mục tiêu khá khiêm tốn. Cụ thể, phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Hàn Quốc, Nhật Bản dưới 2% trong năm 2015 lên khoảng 3% vào năm 2020 và 4-5% vào năm 2030.
Tương tự, thị trường châu Âu, gạo chất lượng cao của Việt Nam chỉ ở mức dưới 2% tổng lượng xuất khẩu sang thị trường này (số liệu năm 2015) và trong những năm tới sẽ dần dần tăng lên 4% trong năm 2020 và 6% trong năm 2030.
Nhìn chung, trong quyết định trên, Việt Nam đặt mục tiêu tăng thị phần gạo chất lượng cao ở hầu hết các thị trường và giảm dần gạo chất lượng thấp từ năm 2020. Điều dễ hiểu vì sao sau thời điểm này, lượng gạo xuất khẩu chỉ ở mức 4 triệu tấn, thấp hơn 0,5-1 triệu tấn nhưng giá trị thu về lại cao hơn với 2,5 tỉ đô la Mỹ, thay vì từ 2,2 đến 2,3 tỉ đô la Mỹ như trong giai đoạn 2017 - 2020.
Để đưa ra những số liệu về giá trị, lượng gạo xuất khẩu trong những năm tới, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị có liên quan để lấy ý kiến của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tìm hiểu nhu cầu thị trường tiêu dùng gạo trong hiện tại và những xu hướng có thể xảy ra trong tương lai.
Một trong những sự kiện đó là hội thảo về định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam diễn ra ở TPHCM vào cuối năm 2016 do Bộ Công Thương tổ chức. Mục đích là nhằm lấy ý kiến của doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc đưa ra những kiến nghị với Chính phủ trong quyết định 942 nói trên.
Cũng tại đây, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết về xu hướng chung, khi kinh tế càng phát triển, người tiêu dùng sẽ giảm ăn tinh bột, họ sẽ ăn cơm ít hơn nên sẽ chuyển hướng ăn gạo có chất lượng cao, có mùi thơm, tức là chuyển từ lượng sang chất.
Về lâu dài, Việt Nam cũng phải cơ cấu lại mùa vụ đi theo hướng này. Theo ông Năng, Việt Nam chỉ cần xuất khẩu 2-3 triệu tấn gạo mỗi năm là đủ, không cần xuất quá nhiều như hiện nay.
Thực tế, trong những năm qua, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, vào năm 2012, được ghi nhận là năm có khối lượng xuất khẩu gạo lớn nhất với 8,1 triệu tấn trị giá 3,7 tỉ đô la Mỹ. Nhưng sau đó, lượng gạo xuất khẩu giảm liên tục và hiện được dự báo ở mức trên dưới 6 triệu tấn.
Năm 2017, VFA dự báo lượng gạo xuất khẩu chỉ vào khoảng 5,7 triệu tấn.
Xem thêm
>>> VFA muốn giảm lượng gạo xuất khẩu xuống 2-3 triệu tấn mỗi năm