Không thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp vẫn vay được vốn rẻ
Thanh Thương
LienvietPostbank công bố giảm lãi suất cho vay xuống còn tối đa là 6%/năm đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: TL. |
(TBKTSG Online) - Nhiều ngân hàng đã tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời việc giảm lãi suất được nhiều ngân hàng áp dụng cho cả những khoản vay đối với doanh nghiệp không nằm trong nhóm này.
Thông tin trên được các ngân hàng công bố hôm 10-7 sau khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm/năm các mức lãi suất điều hành và quyết định giảm 0,5 điểm phần trăm/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã công bố chương trình giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), một trong các đối tượng nằm trong 5 nhóm ưu tiên theo TT39/2016/TT-NHNN gồm nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp SME đã được VPBank điều chỉnh giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ. Mức lãi suất mới theo các chương trình này sẽ được áp dụng kể từ ngày 10-7, cùng ngày với quyết định giảm lãi suất của NHNN có hiệu lực.
Cùng chiều nay, Agribank, ngân hàng 100% vốn nhà nước cũng công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Trong khi đó LienVietPostBank vừa công bố giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm/năm so mức trần tối đa NHNN mới quy định.
Trong hôm 10-7, BIDV cũng quyết định áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN. Riêng 5 lĩnh vực ưu tiên thỏa mãn các điều kiện cho vay của BIDV như phục vụ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, tức chỉ còn tối đa 6%/năm.
Trong khi đó, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết ngân hàng ông sẽ giảm lãi suất cho vay 0,5 điểm phần trăm cho tất cả các khoản cho vay, thay vì chỉ hạ lãi suất nhóm lĩnh vực ưu tiên.
Ông Văn cho rằng việc hạ lãi suất cho vay trong thời điểm này là phù hợp bởi cung tiền đang khá dồi dào, lạm phát thấp, trong khi Việt Nam cần hỗ trợ cho chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
Theo ông Văn, việc hạ lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần của các ngân hàng, vì lãi suất điều hành chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm, và NHNN chỉ dùng đến khi cần hỗ trợ thanh khoản, trong khi lãi suất cho vay của các tổ chức đối với doanh nghiệp sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm. Tuy vậy theo ông Văn đây cũng là việc làm cần thiết để ngân hàng cùng đồng hành với doanh nghiệp, và cùng hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế.
Việc giảm lãi suất có thể sẽ đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM. Tăng trưởng tín dụng của TPHCM đến cuối tháng 6 khoảng 10% so với cuối 2016, khả năng đến cuối năm 2017, tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 18% so với cuối năm ngoái.
Ông Minh cho biết cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên tại TPHCM chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay. Những doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực này sẽ mặc nhiên được giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6,5%/năm mà không cần chờ các ngân hàng TMCP công bố. Còn các doanh nghiệp khác thì nên theo dõi các chương trình hỗ trợ giảm lãi suất của các ngân hàng để tìm được gói vay phù hợp.
Ông Minh cũng cho rằng trong 6 tháng cuối năm, khả năng nhiều ngân hàng sẽ bị giảm thu nhập lãi thuần bởi đợt giảm lãi suất này, dẫn đến lợi nhuận sau thuế có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.
Xem thêm:
NHNN công bố giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay ngắn hạn